Aa

Làm trường học xanh dễ hay khó?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 12/06/2019 - 21:01

Mặc dù đã có công cụ đánh giá nhưng thời điểm phát triển mạnh công trình xanh còn chưa xuất hiện. Số liệu Bộ Xây dựng ghi nhận số lượng công trình xanh chưa đến 100, số lượng trường học xanh càng ít.

Công cụ đánh giá trường học xanh đã có

Để góp phần thúc đẩy, khuyến khích phát triển công trình xanh và tôn vinh những dự án tiêu biểu, đã có nhiều hệ thống đánh giá công trình xanh được ra đời. Đa số các hệ thống đánh giá đều cố gắng lượng hóa mức độ “xanh” của các công trình thông qua những đóng góp cho môi trường và xã hội như là phần trăm sử dụng nước và năng lượng, chất lượng tiện nghi sử dụng công trình…

Chia sẻ tại Tọa đàm Cafe Xanh với chủ đề Trường học Xanh do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Capital House phối hợp tổ chức ngày 12/6 tại dự án Genesis School, PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị Xanh Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh như: LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore; LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam và hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới. Bốn hệ thống tiêu chí đánh giá trên được công nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh thế giới.

Ngoài ra, còn một số bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh khác do các tổ chức địa phương phát triển như: Bộ Công trình Xanh (đánh giá thử nghiệm) của Hội Môi trường xây dựng, Bộ tiêu chí Đánh giá công trình xanh nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng của Viện Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam (2009), Bộ tiêu chí Kiến trúc Xanh của Hội Kiến trúc sư. 

Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, theo PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, công trình xanh tại Việt Nam cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Theo đó, cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín, giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…

Còn theo ông Nguyễn Trung KiênCEO Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt bày tỏ quan điểm: "Với mỗi hội đồng công trình xanh, họ sẽ có bộ công cụ đánh giá phù hợp với mỗi công trình. Bản thân bộ công cụ đó giống như bộ tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi tư vấn dự án chúng tôi làm bảng so sánh áp dụng công cụ với dự án cụ thể, trong đó có Leed và Lotus. Các chủ đầu tư tại Việt Nam cũng thích chọn Lotus. Bởi dường như, bộ công cụ Lotus quan tâm đến yếu tố về con người, đây là công cụ hoàn hảo, tối ưu đánh giá một công trình xanh tại Việt Nam và cũng phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam".

Trong khi đó, ở góc nhìn quản lý nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Đầu tư Xây dựng - Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng: "Nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình xanh, chi phí đầu tư hiệu quả công trình phải tính ngay từ đầu. Xuất phát từ nền tảng cơ bản từ các tiêu chí hệ thống quy chuẩn như thân thiện với môi trường, năng lượng, đảm bảo yếu tố về sức khỏe con người. Tất nhiên, với tiêu chí công trình xanh, mức độ đáp ứng chứng chỉ đòi hỏi các chi phí đầu tư khác nhau. Chi phí càng cao nếu các tiêu chí càng nhiều. Ngoài ra, nó còn liên quan đến kinh nghiệm chuyên gia - yếu tố này gắn với chi phí vận hành dự án". 

Trường học xanh đó là môi trường giao tiếp, gắn kết cộng đồng, là nơi con em đến học.

Trường học xanh là môi trường giao tiếp, gắn kết cộng đồng, là nơi con em đến học. 

Từ nhận định của chuyên gia, có thể thấy trường học Genesis School của chủ đầu tư Capital House là một trong những dự án đạt được nhiều tiêu chí xanh. Cụ thể, trong tổng diện tích toàn khu là 6.160m2, Genesis School chỉ sử dụng 2.161m2 đất để xây dựng trường, phần còn lại được dành cho vườn cây ăn quả, vườn thủy canh, sân chơi ngoài trời… Mật độ xây dựng của trường rất thấp, chỉ xấp xỉ 38% - như một khẳng định về sự chú trọng triết lý sống xanh vượt trên giá trị sử dụng thương mại đơn thuần.

Mọi chi tiết thiết kế của trường, từ hướng nắng, đón gió, vật liệu xây dựng tới thiết bị lắp đặt trong trường đều được tính toán kỹ lưỡng, nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu mức tiêu thụ nước và năng lượng, đảm bảo độ bền, ít xả thải…

Genesis School lắp pin năng lượng mặt trời phục vụ hoạt động của trường, tiết kiệm 46,7% lượng nước và 51% năng lượng sử dụng, 100% không gian nhìn được ra bên ngoài, 82,22% không gian được cung cấp đủ ánh sáng tự nhiên… Đằng sau những số liệu biết nói này là sự đầu tư nghiêm túc, với nguồn chi phí lớn và cái tâm của người làm giáo dục. Như một sự khích lệ trong giai đoạn khởi sự, Genesis School mới đây đã nhận Chứng chỉ Xanh Lotus do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) thẩm định và xét duyệt, chính thức trở thành dự án trường học đầu tiên của Tập đoàn Capital House ứng dụng tiêu chuẩn xanh.

Ai hưởng lợi từ trường học xanh?

Theo giới chuyên gia, nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc xanh kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư cho một công trình xanh hơn công trình thông thường cùng loại bình quân khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%. Nhưng chi phí vận hành, sử dụng công trình xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20 - 30% do tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Theo đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm được có thể bù đắp vốn đầu tư và tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn. 

rường học Genesis School của chủ đầu tư Capital House là một trong những dự án đạt được nhiều tiêu chí xanh.

Trường học Genesis School của chủ đầu tư Capital House là một trong những dự án đạt được nhiều tiêu chí xanh. 

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng: "Nếu đầu tư xây dựng trường học xanh trong 1 quần thể khu đô thị thì khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua một căn hộ xanh, có chỗ học xanh… Bởi lợi ích mà trường học xanh mang lại cho con em, cho cộng đồng dân cư đều hướng tới mục tiêu xanh của quốc gia. Lúc đó bài toán bỏ tiền nhiều hay ít không phải vấn đề lớn. Đối với chủ đầu tư dự án, nếu làm một trường học xanh thì rất khó khăn nhưng nếu làm toàn bộ hạ tầng là điều rất tốt và dễ dàng thu hồi vốn".

Cùng quan điểm, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia Công trình Xanh - Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết: "Khi phỏng vấn người mua nhà, họ chia sẻ với chúng tôi rằng, nếu sống ở căn hộ xanh chúng tôi sẽ tiết kiệm được 5 USD tiền điện. Có nghĩa là khi người sử dụng, người mua hiểu được lợi ích sản phẩm bất động sản xanh, họ hiểu được lợi ích chủ đầu tư mang lại và khiến họ cảm thấy an tâm hơn. Họ sẵn sàng bỏ ra chi phí mua cao hơn… Do đó, chủ đầu tư bất động sản cần đưa các phương án xanh và để người dân hiểu được nơi ở, nơi sống, học tập, làm việc xanh được lợi như thế nào".

Ở góc nhìn doanh nghiệp trực tiếp làm dự án trường học xanh, bà Đỗ Thùy Chi, Phó Chủ tịch HĐQT Capital House - chủ đầu tư Genesis School khẳng định: "Dự án xanh không chỉ đem lại giá trị gia tăng cho cư dân mà còn mang lại thương hiệu cho Capital House. Bất kỳ một chủ đầu tư nào cũng quan tâm đến giá trị đối với cộng đồng xã hội, cân bằng với giá trị lợi nhuận. Chúng tôi cân bằng giữa mục đích, nguồn lợi, lợi nhuận mà chúng tôi có được từ việc đầu tư bất động sản xanh. Thông thường, điểm hoàn vốn sẽ là 6 - 7 năm đối với công trình xanh. Còn đối với trường học xanh sẽ phải cam kết là 12 năm. Nhưng đối với việc mang lại giá trị tương lai mai sau thì đó là điều hạnh phúc, và chúng tôi đang đề cao điều đó lên trên hết".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top