Lấn biển: Cú huých để phát triển đô thị

Lấn biển: Cú huých để phát triển đô thị

Thứ Ba, 04/08/2020 - 06:00

Nhiều dự án lấn biển phát triển đô thị đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh môi trường, phát triển bền vững do quy hoạch được nghiên cứu kỹ, ranh giới lấn biển được xác định rõ, quản lý nghiêm túc...

VỊ THẾ CỦA CÁC ĐÔ THỊ BIỂN

Đô thị biển bao gồm cả hệ thống đô thị ven bờ các Châu lục và hệ thống các đô thị thuộc các đảo hoặc các quần đảo trên các Đại dương. Các đô thị biển thường là các đô thị gắn với các lợi thế từ vị trí xây dựng đến các nguồn lợi có từ kinh tế biển như các ngành công nghiệp đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thuỷ, hải sản; công nghiệp, dịch vụ cảng, giao thông vận tải biển; công nghiệp dịch vụ du lịch, nghiên cứu khoa học; bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh… và thường có chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành.

Trên thế giới đã có nhiều đô thị biển chứng tỏ vị thế và tầm vóc của mình trong phát triển kinh tế, xã hội và trở thành biểu tượng của quốc gia hoặc mang tầm cỡ khu vực hoặc quốc tế. Chẳng hạn như TP. New York, San Diego, Seattle, Hawaii… (Hoa Kỳ); Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao… (Trung Quốc); Cao Hùng, Đài Bắc… (Đài Loan); Tokyo… (Nhật Bản); Pattaya, Phuket… (Thái Lan); Manila (Philippines); Singapore… Ở một khía cạnh nào đó, ngoài mối quan hệ về đường bộ, đường hàng không, các đô thị biển còn có độc quyền cơ bản về giao lưu đường thuỷ và là cửa ngõ thông thương với các Châu lục với nhau trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa.

Trên thế giới đã có nhiều đô thị biển chứng tỏ vị thế và tầm vóc của mình trong phát triển kinh tế, xã hội và trở thành biểu tượng của quốc gia.

Việt Nam là nước có tính biển nhất trong số các nước Đông Nam Á (không kể các quốc gia quần đảo). Diện tích phần đất liền là 331.211,6km2, còn phần lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển khoảng 1.000.000km2, gấp 3 lần diện tích trên đất liền. Bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên dài 3.260km. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển), trên Thái Lan và ngang với Malaysia là đất nước có một nửa là quần đảo. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Hệ thống đô thị biển của Việt Nam chủ yếu tập trung dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam (trải dài 3.260km), trên cơ sở các tiểu vùng duyên hải cơ bản là: Vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Các tiểu vùng duyên hải này đóng vai trò là cửa ngõ hướng biển của các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, nối các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây ra với biển, tạo nên thế và lực trong phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng và trong phạm vi cả nước. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm cơ bản của hệ thống đô thị biển của Việt Nam trong quá trình Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước, cũng như quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Việt Nam là nước có tính biển nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Việt Nam là nước có tính biển nhất trong số các nước Đông Nam Á.

LẤN BIỂN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ - HƯỚNG MỞ TÍCH CỰC

Trong quá trình phát triển của mỗi nước, mạng lưới đô thị nói chung, các đô thị biển nói riêng chiếm vai trò rất quan trọng không những về kinh tế, xã hội mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Bởi vậy, mỗi nước đều hoạch định chiến lược phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn, trong đó chú trọng các hành lang ven biển gắn với các khu kinh tế tổng hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước mình nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa có chất lượng hơn.

Các tổ chức quốc tế lớn như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Định cư con người (UNCHS-Habitat), Chương trình quản lý đô thị (UMP) của ba Châu Lục, Uỷ ban Kinh tế xã hội Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) và nhiều tổ chức khác của khu vực và các nước rất coi trọng và quan tâm đến tốc độ phát triển của quá trình đô thị hóa khu vực và toàn cầu...

Hiểu rõ và nhận thức đúng đắn vai trò và tầm quan trọng của đô thị hóa, trong đó có các đô thị biển, các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển đã, đang và sẽ luôn chú trọng quan tâm đến những mặt tích cực để tận dụng mọi lợi thế của quá trình này.

Đối với các nước kém phát triển muốn tạo ra những “cú huých” nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cần thiết phải tạo ra các vùng, các khu vực kinh tế trọng điểm đóng vai trò là “đầu tàu” để lôi kéo, thúc đẩy nền kinh tế chung của quốc gia cùng phát triển...

Để có được các vùng, các khu vực kinh tế này thì phải có các hạt nhân đủ mạnh về tiềm lực kinh tế, có mối quan hệ đa chiều, có cửa ngõ giao lưu rộng mở mà những hạt nhân đó chính là các đô thị, hoặc chùm các đô thị với đúng nghĩa của nó trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt (chứ không phải các đô thị thuần tuý theo khái niệm với chức năng hành chính...).

Bởi vậy, các nước như Trung Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia... trong chiến lược phát triển kinh tế của mình đã tạo ra được các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở phân bố lại lực lượng sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, chọn ra được những "cửa sổ" hướng ngoại (như Thâm Quyến, Chu Hải của Trung Quốc; SuBic của Philippines...).

Tuy nhiên, cách thức quy hoạch phát triển đô thị biển ở mỗi quốc gia có khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, nhu cầu phát triển của mỗi nước. Việc lấn biển lấy đất xây dựng phát triển đô thị trong vài năm trở lại đây đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị ven biển eo hẹp về quỹ đất xây dựng.

Ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời với nhiều loại quy mô, tính chất, cách thức quy hoạch lấn biển khác nhau. Đây có thể được coi là quy luật tất yếu song để các dự án này phát triển bền vững cần có sự nhìn nhận nghiêm túc trên cơ sở khoa học, khách quan…tránh sự vội vã, phong trào làm tổn hại đến môi trường cảnh quan, tài nguyên biển.

Trên thế giới đã có nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt cho các dự án lấn biển để chúng ta tham khảo. Như phía Tây Nam của Hà Lan, một quốc gia có nhiều vùng đất thấp ven biển, có cao độ thấp hơn mực nước biển đã sử dụng giải pháp đê biển, kè biển để từng bước sử dụng phần đất thấp đó và lấn biển phía trong đê/kè. Tại Nhật, một trong những thí dụ điển hình là sân bay mới được lập ngoài khơi Kansai (TP. Osaka). Một kiểu “đảo sân bay” nhân tạo duy nhất trên thế giới với tư tưởng mới không chỉ lấn biển (kiểu bán đảo) mà còn tiến ra biển (kiểu đảo mới). Singapore đã và đang hoàn thiện dự án công viên ven biển bên bờ Vịnh Mariana...

Ở Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều dự án lấn biển để phát triển đô thị, du lịch... Điển hình như TP. Rạch Giá (Kiên Giang), TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Hạ Long (Quảng Ninh) hay như dự án lấn biển tại Cần Giờ (TP.HCM) vừa được Chính phủ phê duyệt...

Ở Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều dự án lấn biển để phát triển đô thị, du lịch.

Nhiều dự án lấn biển phát triển đô thị đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh môi trường, phát triển bền vững do quy hoạch được nghiên cứu kỹ, ranh giới lấn biển được xác định rõ (không ảnh hưởng tới các vùng cảnh quan liền kề), quản lý thực hiện quy hoạch nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó phải kể đến các dự án lấn biển tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang), khu vực đường Trần Quốc Nghiên, TP. Hạ Long, hay TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh)...

TIẾN RA BIỂN - TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC KHÔNG CHỈ DÀNH RIÊNG TP.HCM

Tôi cho rằng, cần thống nhất quan điểm lấn biển để phát triển đô thị, các dự án du lịch tại Việt Nam là nhu cầu có thật, do quỹ đất tại một số đô thị biển hạn chế, hoặc do phải dành quỹ đất để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh quốc phòng nên quỹ đất phát triển đô thị bị hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... việc lấn biển phải được xem xét cẩn trọng trên ba trụ cột cốt lõi là kinh tế, xã hội, môi trường... để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo đó, mỗi dự án lấn biển đều cần phải tính toán kỹ lưỡng đến sự thành công về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quan tâm đến sự hài hòa về lợi ích giữa địa phương, nhà đầu tư và người dân. Các yêu cầu bắt buộc đối với các dự án lấn biển là xác định nhu cầu, sự cần thiết phải lấn biển. Khi quy hoạch phải khảo sát địa hình, nghiên cứu dòng chảy, tác động môi trường, kinh tế, xã hội (đánh giá tác động môi trường - ĐTM) của dự án lấn biển và phải được sự đồng thuận của người dân…

do thi lan bien 3

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các thông tin về dự án phải được công khai, minh bạch, phải được thanh kiểm tra thường xuyên, có sự giám sát của cộng đồng theo quy định của pháp luật. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để các nhà hoạch định chính sách, nhà quy hoạch, kiến trúc, các chủ đầu tư nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển các dự án lấn biển tại mỗi địa phương.

Trong bất cứ hoàn cảnh hay điều kiện cụ thể nào cũng cần phải đặc biệt quan tâm lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển, đều cần lưu ý tác động đến cảnh quan, môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, đời sống của người dân ven biển, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ nét tại Việt Nam.

Đối với dự án Khu du lịch sinh Cần Giờ mới được Chính Phủ phê duyệt. Thực chất, đây không phải là ý tưởng lấn biển mới có. Được biết, cách đây gần 20 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có thư gửi ông Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cùng lãnh đạo TP.HCM về việc tiến ra biển bằng cách đánh thức tiềm lực huyện Cần Giờ.

Dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ cách vùng lõi 18 km, hoàn toàn nằm ngoài vùng chuyển tiếp nên không ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của rừng ngập mặn.

Đó là tầm nhìn chiến lược để khai thác các lợi thế, tiềm năng có từ biển không những chỉ dành riêng cho TP.HCM mà còn dành cho tất cả các đô thị, các tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương có tính biển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, như đã trao đổi ở trên, xu hướng và nhu cầu phát triển các dự án lấn biển tại một số địa phương là có thật… nhưng nhiều bài học kinh nghiệm trên thế giới và thực tế tại Việt Nam cho thấy chúng ta cần cẩn trọng, đánh giá kỹ tác động đến tự nhiên và môi trường để có giải pháp phát triển các dự án hiệu quả, hợp lý. 

Dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước có uy tín thực hiện.

Đó là, báo cáo ĐTM của Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ từ các chuyên gia quốc tế; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ; Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện; Báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện; Báo cáo đánh giá lan truyền ô nhiễm nước thải từ dự án do Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống, Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện; Báo cáo thẩm tra thuỷ thạch động lực do Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM thực hiện.

Việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO.

Cùng với những biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, kết quả đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định ĐTM, Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Tôi ủng hộ việc tiến biển, đặc biệt là với tiềm năng rất lớn của Cần Giờ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhìn nhận. Vị trí cửa sông - vịnh biển của Cần Giờ có thể giúp TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn hiện tại nhiều lần. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần xây dựng và củng cố hệ thống hạ tầng kỹ thuật ven biển khu vực Cần Giờ đồng bộ, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực, giảm thiểu được ảnh hưởng đến khu vực đất liền hiện trạng, đảm bảo tầm nhìn dài hạn.

Quan trọng là thực hiện ra sao, có nghiêm túc hay không. Tôi hy vọng với chủ đầu tư lớn, có uy tín và năng lực thực thi tốt, dự án sẽ được làm đúng như cam kết.

GS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia khoa học

Dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ cách vùng lõi 18km, hoàn toàn nằm ngoài vùng chuyển tiếp nên không ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của rừng ngập mặn. Thậm chí ngay cả với hệ sinh thái rừng ngập mặn thì khu vực bãi triều cũng không nằm trong rừng ngập mặn. Những hoạt động chuẩn bị xây dựng, vận hành khu đô thị đã có quy trình giám sát về mặt kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với những hoạt động khu vực đó. Theo tôi, đây là khu đô thị theo đúng chủ trương tiến biển của thành phố. Về mặt pháp lý đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư. Bây giờ cái quan trọng nhất là thực hiện dự án như thế nào để đảm bảo Đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

TS. Lê Đức Tuấn, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM, nguyên Thư ký thường trực BQL Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

TS. KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam 
Thảo Quyên


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top