Aa

Lần đầu thua lỗ sau 15 năm, FECON lùi thời hạn trả cổ tức

Thứ Bảy, 24/02/2024 - 06:05

Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản và xây dựng khó khăn, dự án lớn chậm triển khai, gặp khó về dòng tiền, FECON thông báo lùi thời hạn trả cổ tức. Dự kiến, ngày 29/3/2024 sẽ trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 1%.

Khó khăn về dòng tiền, FECON xin lùi thời hạn trả cổ tức

Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN) đã công bố Nghị quyết về việc trả cổ tức năm 2022, theo 2 đợt bằng tiền với tỷ lệ 5%. Nguồn trả sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty. 

Theo đó, dự kiến vào ngày 29/3/2024, FECON sẽ trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 1% (tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 100 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là vào ngày 27/2 - ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 26/2/2024.

Để thanh toán cổ tức đợt 1, FECON dự kiến chi khoảng 15,7 tỷ đồng, tương đương với hơn 157,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Đợt 2, dự kiến thanh toán 4% còn lại vào tháng 12/2024.

Trong lần thanh toán cổ tức đầu tiên này, hai cổ đông lớn nhất là CTCP Raito Kogyo và Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (nắm giữ lần lượt 25,51% và 10,16% vốn tại FCN), dự kiến sẽ thu về lần lượt 4 tỷ và gần 1,6 tỷ đồng.

Lần đầu thua lỗ sau 15 năm, FECON lùi thời hạn trả cổ tức- Ảnh 1.

Khó khăn về dòng tiền, FECON lùi thời hạn trả cổ tức.

Về nguyên nhân lùi thời hạn, FECON cho biết, trong bối cảnh thị trường xây dựng chung không thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Cụ thể, đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu. Dẫn đến tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng. Việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Kéo theo việc thu hẹp dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của công ty.

Thứ hai, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 ảnh hưởng đến việc cân đối dòng tiền của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, việc cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, dẫn đến dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.

Lần đầu báo lỗ sau 15 năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.049 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 891,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 157,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 60,3 tỷ đồng, tức tăng tới 161%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FECON giảm mạnh từ 130,6 tỷ đồng còn âm 259,2 triệu đồng; chi phí tài chính cũng tăng từ 72,08 tỷ đồng lên 101,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế báo lỗ hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 49,6 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần của FECON đạt hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 42 tỷ đồng, năm trước lãi gần 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp ngành xây dựng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, biến động lớn nhất là khoản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần hồi đầu năm. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của FCN ghi nhận hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 4.390 tỷ đồng.

Tại công văn số 32/2024/CV giải trình về lợi nhuận BCTC quý IV/2023, FECON cho hay, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ và Hợp nhất lỗ lần lượt là 7,05 tỷ đồng và 44,72 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do:

Chi phí hoạt động tài chính của Hợp nhất tăng mạnh 29,59 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ tăng 41,05%. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng 21,05 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 35,7% do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty mẹ và Hợp nhất giảm lần lượt là 71,87 tỷ đồng và 130,93 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do quý IV/2022, công ty ghi nhận doanh thu từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Vì vậy, dù quý IV doanh thu và lợi nhuận gộp tăng lên tương đối xong vẫn chưa đủ bù đắp cho khoản chênh lệch này.

Lợi nhuận khác của Hợp nhất giảm 29,32 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ giảm 114,39% so với cùng kỳ báo cáo. Nguyên nhân chủ yếu là do quý IV/2022, công ty ghi nhận thu nhập từ hợp đồng hợp tác sử dụng chung đường dây truyền tải điện nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Như vậy, sau hơn 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, "ông lớn" FECON lần đầu tiên báo lỗ hàng chục tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top