Thời phong kiến, hiển nhiên phương tiện đi lại của người dân là đi bộ và sử dụng súc vật để cưỡi khi di chuyển. Quan lại và các nhà giàu dùng xe ngựa và kiệu do người cáng. Loại phương tiện này kéo dài đến khi người Pháp xâm chiếm và đô hộ Hà Nội. Lúc này xe ngựa còn tồn tại nhưng kiệu cáng thì quá cách rách, tốn sức và kém văn minh thế nên cái xe tay được du nhập vào Việt Nam để thay thế kiệu cáng.
Xe tay xuất hiện tại Hà Nội vào khoảng năm 1883 do viên Thống sứ người Pháp nhập vào từ Nhật Bản và sau đó cho phát triển loại hình xe này ở Hà Nội. Xe còn gọi là xe kéo vẫn dùng sức người nhưng đã được giản tiện chỉ còn một người kéo phía trước thông qua đôi càng tay nối với thùng xe có ghế cho một hoặc hai người ngồi. Xe có hai bánh ban đầu là bánh sắt sau cải tiến là bánh cao su đặc.
Đây có lẽ là một cuộc cách mạng về phương tiện đáng kể với Hà Nội thời kỳ ấy. Cao điểm Hà Nội có hàng mấy nghìn chiếc và có cả những hãng xe tay cạnh tranh nhau. Cái xe tay trở nên quen thuộc bởi ngoài cuộc đời nó còn có mặt trong văn học và báo chí mà điển hình là truyện ngắn “Người ngựa - ngựa người” của Nguyễn Công Hoan và phóng sự “Tôi kéo xe” của Tam Lang…
Xuất hiện sau xe tay ở Hà Nội là những phương tiện khác hiện đại cũng do người Pháp du nhập ở thời kỳ sau.
Đó là xe điện với các tuyến đường trong nội đô là ô tô và xe gắn máy. Xe điện là phương tiện giao thông công cộng dành cho tất cả mọi người nhưng ô tô, xe máy lại là thứ đồ xa xỉ. Khi xe tay hết thời thì xe xích lô thay thế. Xích lô là loại xe 3 bánh do một người đạp phía sau, vẫn là xe dùng sức người nhưng đã có công nghệ phụ trợ thông qua bộ kéo truyền lực bằng đùi đĩa, xích líp.
Thùng xe phía trước có nhiều loại được chế tạo riêng để chở người có tán che hay chở hàng rất hữu ích và tiện lợi. Xe chở hàng tôi nhớ có loại dành để chở bia hơi đóng thành “bom”, chở nước đá cây, chở than, chở hàng bách hóa... tất tần tật mọi thứ. Dạo xuất ngũ sau chiến tranh tôi đã thử làm nghề này khi được một người bạn cho mượn xe.
Kiếm cũng được nhưng khá vất vả. Một lần chở khách say rượu quẫy cựa trên xe khá mạnh nên tôi bị cướp lái đâm lên vỉa hè gây thương tích cho cả tôi và khách. Sau cú đó, tôi giải nghệ ngay lập tức và vì phải đền cho ông khách quậy chữa chạy thương tích nên tôi “lõm” to, âm cả vào vốn liếng tích cóp được sau khi giải ngũ.
Xích lô một thời là phương tiện tư nhân chuyên chở đắc dụng nhất. Có lẽ do công năng này mà cho đến tận bây giờ xích lô vẫn còn tồn tại. Tất nhiên loại phương tiện này bị hạn chế được cấp phép cho số ít phục vụ khách du lịch ở những phố cổ trung tâm và chắc chắn là sẽ không duy trì được lâu dài.
Còn có một loại xe có lẽ cũng từ xe tay phát triển ra đó là xe ba gác. Xe dùng để chở hàng và người anh em cùng loại của nó là xe cải tiến. Xe ba gác thì đã tuyệt diệt nhưng xe cải tiến vẫn được dùng ở nông thôn và các công trường.
Từ sau hòa bình 1954, Hà Nội phát triển nhiều nhất là xe đạp. Loại xe này thậm chí còn được quản lý kiểm soát rất nghiêm ngặt. Mỗi xe có hồ sơ đăng ký và cấp biển số. Mua bán giao dịch đều phải sang tên đổi chủ thông qua chính quyền địa phương. Xe máy có nhưng chỉ lác đác một số loại xe cổ chủ yếu là xe tay ga của Pháp và các xe máy được người dân đi du học đi lao động ở các nước Đông Âu nhập về.
Với ô tô, ngoài một số ô tô cũ từ thời Pháp chủ yếu Hà Nội dùng các loại xe của phe xã hội chủ nghĩa. Vận tải công cộng lúc này bên cạnh xe điện là các tuyến xe buýt. Xe xích lô chở người và lác đác ở những điểm lớn như nhà ga, bến xe có cả xe đạp lai dạng như “xe máy ôm” hiện nay. Nhưng “xe đạp ôm” không phát triển được như xích lô dù giá cả rẻ hơn rất nhiều.
Cũng cần nhắc đến ở giai đoạn này và trước đó là các loại xe súc vật kéo như xe ngựa, xe bò. Một thời Hà Nội cho phép những loại xe này lưu thông trong thành phố. Khoảng những năm 80 thì Hà Nội cấm tiệt các loại xe súc vật. Khi xe súc vật bị cấm, ngay lập tức thấy xuất hiện xe đầu ngang là xe công nông và một vài loại xe tự chế khác chở hàng. Nhưng những xe này cũng bị cấm lưu thông trong địa bàn thành phố vì nguy hiểm.
Năm 1975, khi thống nhất đất nước thì xe máy, ô tô ào ạt từ trong Nam ra. Hà Nội dần thay thế xe đạp bằng xe máy. Tư nhân đã sở hữu ô tô nhiều hơn. Hình thành nghề “xe ôm” bằng xe máy và phát triển xe taxi chở khách.
Thời điểm này Hà Nội đón nhận một loại xe vận tải chở khách và hàng hóa rất tiện lợi là xe lam 3 bánh. Loại xe được du nhập từ các đô thị phía Nam. Xe lam có loại chở hàng đóng thùng kéo phía sau còn loại chở khách thì có thùng xe đóng ghế ngồi dọc hai bên thành xe và có mái che. Dân buôn bán rất chuộng xe này vì nó cơ động đi vào ngõ ngách và chở được nhiều hàng hóa.
Trước đó Hà Nội cũng có một loại xe 3 bánh chuyên chở thực phẩm có thùng kín phía sau gọi là xe T200. Gần đây còn phát triển loại xe đạp điện và xe máy điện với số lượng lớn khiến tình hình giao thông càng trở nên phức tạp, ùn tắc và gia tăng tai nạn.
Tương lai Hà Nội khi hạn chế xe máy là các phương tiện giao thông công cộng như xe điện trên cao, xe điện ngầm, xe buýt nhanh BRT và xe buýt thường cùng xe taxi các loại. Xe đạp cũng là thời cơ để trở lại với một số người thích vận động và phù hợp công việc.