Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất thành phố cần tiếp tục quan tâm, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối khu vực phía Nam với các khu vực khác, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…
Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố.
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu đầu tư hạ tầng giao thông khu Nam thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân ứng với kịch bản phát triển đô thị theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm (trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế).
Về đường bộ, đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); Xây dựng mới 3 cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; Xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ (từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh).
Mới đây, UBND TP.HCM vừa đồng ý cấp vốn hơn 830 tỷ đồng để xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Trong đó, 538,3 tỷ đồng chi phí xây dựng, 155,6 tỷ đồng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, 21 tỷ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, còn lại 84 tỷ đồng là chi phí dự phòng.
Theo thiết kế dự án, sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín).
Trong đó, hầm kín dài khoảng 80m; hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200m, phía Quốc lộ 1A dài khoảng 200m. Mặt cắt ngang hầm gồm 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60 km/h, bề rộng trong hầm 13,75m. Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành vào quý 2/2022.
Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.
Song song đó, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3;
Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương; Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).
Đối với đường sắt, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 (quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới); Tuyến đường sắt đô thị số 4a (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước); Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền).
So với nhiều khu vực khác tại quận 7, thì dọc trục đại lộ Nguyễn Văn Linh - được xem là "con đường tỷ đô", bởi thời gian qua nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đều chọn nơi đây làm vùng phát triển bậc nhất của cả khu Nam TP.HCM. Tại cung đường này, các nhà đầu tư đến từ Singapore đã phát triển các đại siêu thị - trung tâm thương mại hiện đại với quy mô rộng lớn hàng chục hecta đất. Từ đó, hàng loạt dự án bất động sản cao cấp đã và đang "ăn theo", dự báo từ nay đến hết năm 2019 nguồn cung nhà ở tại đây khá dồi dào.
"Xu hướng bùng nổ nguồn cung tại khu vực này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong một vài năm tới, nhất là mảng văn phòng cho thuê. Một phần do khu Nam đang được TP.HCM chú trọng đầu tư nhiều dự án giao thông khá lớn kết nối toàn vùng với khu trung tâm, phần khác nơi đây được thụ hưởng sự phát triển sẵn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như mảng xanh, tiện ích ngoại khu, nhiều tuyến đại lộ lớn...", ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho biết.