Aa

Làn sóng ồ ạt kêu gọi đầu tư về thị trường địa phương: Cần chọn mặt gửi vàng thế nào?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 11/05/2021 - 06:00

Từ đầu năm 2021, nhiều tỉnh thành đã tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như bất động sản nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, đô thị… số vốn kêu gọi lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Địa phương rầm rộ phê duyệt quy hoạch kêu gọi đầu tư

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nếu không thu hút đầu tư thì khó có thể thực hiện được. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2021, dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp xong việc phê duyệt quy hoạch các dự án vẫn được các địa phương triển khai rầm rộ.

Đơn cử, UBND tỉnh Phú Thọ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Nam, TP. Việt Trì. Theo đó, dự án có sơ bộ chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí GPMB) hơn 4.679 tỷ đồng. Sơ bộ chi phí GPMB khoảng hơn 176 tỷ đồng. Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.

Tại Bắc Giang, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu đô thị số 11, 12 thuộc phân khu số 2, TP. Bắc Giang. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 66 ha. Các hạng mục chính gồm: Công trình nhà ở; công trình dịch vụ xã hội, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, vui chơi giải trí…; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước…). Kinh phí, nguồn vốn thực hiện lập quy hoạch bằng vốn tài trợ của doanh nghiệp.

Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh cũng có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng. Cơ cấu sử dụng đất cụ thể: Đất xây dựng khi logistics (67,66ha); đất xây dựng khu quản lý điều hành và dịch vụ phụ trợ (7,05ha); đất dịch vụ lưu trú (2,37ha); đất cây xanh (14,31ha)...

Nhiều địa phương kêu gọi đầu tư bất động sản
Nhiều địa phương kêu đầu tư các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng

Mục tiêu của Đồ án nhằm hình thành Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng có tầm cỡ khu vực và quốc tế, phục vụ các hoạt động logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng…

Còn tại Khánh Hoà, theo Ban Quản lý Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (BQL KDL Bãi Dài), tính đến hết tháng 3/2021, khu vực này có 40 dự án được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư với tổng vốn đã đăng ký gần 30.000 tỷ đồng. Đến nay đã có gần 26.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình du lịch, resort và khách sạn…

BQL KDL Bãi Dài cũng cho biết, hiện có 6 dự án đã hoàn thiện toàn bộ dự án và đi vào hoạt động gồm Vipearl Long Beach villas, KDL nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà, Fusion Maia Nha Trang Resort, KDL sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow, Alma, Khu đô thị Golden Bay.

Bên cạnh đó còn có 5 dự án gồm Riviera Residences & Resort, Selectum Noa Resort Cam Ranh, Khu Resort và khách sạn Đỉnh Vàng Nha Trang, KDL Đỉnh Vàng - Cam Ranh, KDL nghỉ dưỡng Biển Đông đã hoàn thành đi vào hoạt động giai đoạn một và đang triển khai giai đoạn hai…

Theo ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường thì các thị trường địa phương, đặc biệt là các thị trường mới ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà phát triển dự án và của nhà đầu tư cá nhân. Nếu như trước kia có đến 80% lượng người quan tâm tìm kiếm bất động sản ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thì trong 2 năm trở lại đây, lượng tìm kiếm các thị trường khác bắt đầu tăng lên.

Cụ thể, các tỉnh đứng đầu lượng tìm kiếm ở miền Bắc là Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang; ở miền Trung là Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định; miền Nam có Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Cũng không phải ngẫu nhiên nhà đầu tư lại chọn những địa phương này làm nơi rót vốn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh phân tích, khi vào thị trường địa phương, đặc biệt là các thị trường mới, các nhà đầu tư sẽ nhận được lợi ích trên cả 3 phương diện điều kiện tự nhiên, pháp lý và kinh doanh. 

Thứ nhất, khác với những thị trường truyền thống, các thị trường địa phương mới nổi hầu hết còn nhiều quỹ đất, thuận lợi cho việc phát triển các dự án, bao gồm các dự án quy mô lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá như vị trí địa lý, cảnh quan, khí hậu, tạo nên sự phong phú cho thị trường. Thứ hai, vì là thị trường địa phương nên các cấp chính quyền địa phương sẽ rộng cửa mời gọi nhà đầu tư. Việc phê duyệt và triển khai dự án sẽ dễ dàng, thuận lợi, thủ tục hành chính triển khai dự án cũng sẽ bớt phiền hà hơn. Thứ ba, điều kiện kinh doanh thuận lợi vì các địa phương sẽ có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất… cùng với đó mức độ cạnh tranh còn thấp nên tính thanh khoản của thị trường sẽ cao hơn.

Mạnh tay thu hồi các dự án chậm trễ

Một mặt thực hiện kêu gọi đầu tư, mặt khác UBND các tỉnh cũng mạnh tay thực hiện thu hồi các dự án chậm trễ tiến độ để có thể đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ, không lãng phí tài nguyên đất hay những hệ luỵ lâu dài liên quan đến sốt đất, lợi ích nhóm... Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Nhiều địa phương thu hồi các dự án chậm tiến độ
Nhiều địa phương thu hồi dự án chậm tiến độ (Ảnh minh hoạ).

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, kiên quyết xử lý đối với các dự án vi phạm. Đối với các dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất UBND tỉnh thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 30/9/2021; xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Tương tự, UBND TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định kế hoạch triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó có nội dung rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã quá thời hạn thực hiện, tham mưu thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Đáng chú ý, trước tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, triển khai dự án chậm so với tiến độ cam kết, Huyện ủy Kon Plông kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi 8 dự án đầu tư treo trên địa bàn.

Hiện đã có 3 dự án UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của liên ngành thu hồi các quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông báo khảo sát lập dự án.

Cụ thể gồm: Dự án khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen (Công ty cổ phần Măng Đen); dự án trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long của Công ty TNHH Kon Tum Bellest; dự án đầu tư xây dựng biệt thự sinh thái cao cấp tại khu du lịch Măng Đen của Công ty cổ phần Măng Đen Villa.

Trong một chia sẻ với Reatimes trước đó, TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải có những giải pháp mạnh thì mới “trị” được dự án sai phạm. Vừa qua, khi các cơ quan chức năng Hà Nội rà soát lại đã phát hiện tới gần 400 dự án vi phạm Luật Đất đai. Việc xử lý các dự án này cần triển khai mạnh, xem dự án nào còn đủ cơ sở pháp lý, tiếp tục triển khai được thì đẩy nhanh tiến độ, còn dự án nào cần phải điều chỉnh lại, thậm chí cần phải thu hồi thì phải quyết liệt thực thi, xử lý các sai phạm.

Đã đến lúc cần phải lấy lại kỷ cương, phép nước, thông qua quy định của pháp luật để rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi lại các dự án sai phạm. Trong điều kiện có thể, giữa chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước nên cùng ngồi trao đổi bàn bạc, tìm ra giải pháp tốt. Dự án nào có khả năng tiếp tục thì cho triển khai, dự án nào cần phải điều chỉnh thì căn cứ vào điều kiện pháp lý để điều chỉnh. Còn dự án nào thấy vi phạm quá nhiều, chậm thời gian triển khai thì nên kiên quyết thu hồi cho đúng quy định của pháp luật để trả lại giá trị đất mà các đơn vị “găm” rất nhiều năm không phát triển được”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top