Aa

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế

Thứ Sáu, 31/05/2019 - 06:01

Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm, ước tính các doanh nghiệp đã bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng.

Đây là con số được đưa ra tại Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê.

Theo đó, trong tháng 5/2019, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 127,3 nghìn tỷ đồng, giảm 28% về số doanh nghiệp và giảm 23,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 5,9%.

Cũng trong tháng 5, cả nước còn có 2.461 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 9,3% so với tháng trước; 2.326 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 6,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tổng vốn đăng ký đạt là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6%.

Nếu tính cả 987,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2019 là 1.657 nghìn tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá: "Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế khi mà chỉ trong 5 tháng đầu năm đã có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đây là con số đăng ký cao nhất trong vòng 5 năm qua".

Phân theo khu vực kinh tế, trong 5 tháng đầu năm có 752 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 14.722 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27,3%; có 38.524 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,3%.

Trong đó, phần lớn các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 7,1 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 0,2%; 6,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 6%; 4,5 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,3%), tăng 12,1%; 3,17 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,9%), tăng 21%; 3,16 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 3,4%...

Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 17,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 32,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 0,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,7%), giảm 6%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 579 doanh nghiệp (chiếm 1,1%), giảm 13,2%; khai khoáng có 258 doanh nghiệp (chiếm 0,5%), giảm 4,8%...
 
Phân theo vùng kinh tế, trong 5 tháng đầu năm, hầu hết các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước.
 
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng có 16,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 7,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9%; Tây Nguyên 1,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,3%; Đông Nam Bộ 22,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,7%; Đồng bằng sông Cửu Long 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,2%.
 
Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Cũng theo báo cáo, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 5 tháng đầu năm lên tới 19,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7,2 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,6%; có 2,9 nghìn doanh nghiệp xây dựng, tăng 18%; 2,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, tăng 11,2%;...
 
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2019 là 6.371 doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2018.
 
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 2,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 40%), tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 682 doanh nghiệp (chiếm 10,7%), giảm 12,5%; xây dựng có 624 doanh nghiệp (chiếm 9,8%), tăng 4,2%.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top