Nhìn từ trong nhà ra hẻm lớn sạch sẽ, thông thoáng, nơi những đứa cháu đang vui đùa, bà Lê Thị Ngọc Thủy, sống ở hẻm 205, đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TP.HCM vui khôn tả.
Trước kia, nơi đây vốn dĩ là con hẻm chật chội, ngập lụt xảy ra thường xuyên vào mùa mưa. Diện mạo mới này có được từ phong trào toàn xây dựng đô thị văn minh, vận động người dân hiến đất mở đường do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát động, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Hiến hơn 2 triệu m2 đất làm đường
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, nhất là ở khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, nhiều con hẻm không chỉ nhỏ, xe máy nhường nhau mà còn rất quanh co, người dân cơi nới mái hiên, bày biện vật dụng cản trở giao thông.
Bà Lê Thị Ngọc Thủy cho biết trước khi con hẻm 205 được mở rộng, bà con lo lắng nhất là có người nhà đau ốm, cấp cứu hay trường hợp chập điện cháy nổ xảy ra vì khi đó các phương tiện không thể đến gần... Việc mở rộng hẻm nhỏ thành hẻm lớn gọn gàng, sạch đẹp, từ con hẻm chỉ có xe máy, đến nay ôtô vào được người dân rất phấn khởi.
Tương tự, bà Nguyễn Minh Hằng, ngụ tại hẻm 525 đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, cho rằng việc mở rộng hẻm không chỉ tạo sự thông thoáng, đường phố rộng rãi, sạch đẹp mà còn giải quyết tình trạng kẹt xe ở những trục đường chính. Các hoạt động sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy thuận lợi hơn. Đường hẻm rộng còn là cơ hội cho người dân buôn bán nhỏ, giải quyết việc làm cho người nhàn rỗi, đồng thời giúp người dân gần gũi, gắn kết nhau hơn.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, từ năm 2003 đến nay, hàng chục ngàn người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương trên 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá nhà nước). Điển hình như quận 2, người dân hiến 21.100m2 (giá trị gần 122 tỷ đồng), quận 7 trên 5.500m2 (trị giá 74 tỷ đồng), quận 12 trên 11.000m2 (trị giá 33 tỷ đồng)…
Hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng hẻm, từ năm 2003 - 2018, người dân khu vực ngoại thành như Hóc Môn đã hiến trên 510.000m2 đất (giá trị hơn 33 tỷ đồng), huyện Củ Chi hiến gần 750.000m2 đất (giá trị 355 tỷ đồng), huyện Bình Chánh hiến 790.000m2 đất (trị giá trên 540 tỷ đồng)... Tại quận 9, qua 15 năm vận động đã mở rộng trên 100 tuyến hẻm, đường với số tiền 180 tỷ đồng, người dân hiến gần 20.000m2 đất làm đường trị giá khoảng 350 tỷ đồng…
Đi đầu trong phong trào hiến đất mở rộng hẻm, hiến đất cho các hoạt động xã hội từ thiện có thể kể đến là Hội Cựu chiến binh TP.HCM. Điển hình như cựu chiến binh Nguyễn Văn Coi, ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã hiến 500m2 đất khi Hội phát động; ông Bùi Công Hiệp ngụ tại phường Long Trường, quận 9 tặng mảnh đất 2.500m2 cùng căn nhà để mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi…
Nhìn con đường rộng thoáng, ông Nguyễn Văn Coi không giấu được niềm vui và cho biết ở nông thôn phần lớn nhà nào cũng có đất, ruộng nên việc mở rộng hẻm thành đường hay từ đường nông thôn thành đường rộng lớn hơn tương đối thuận lợi. Một phần do giá trị của đất, ruộng không cao so với khu vực trung tâm thành phố. Không chỉ hiến đất, nông dân còn tham gia phát quang, dọn dẹp, đắp đất mở rộng tuyến đường.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM Nguyễn Văn Chương, những người lính sau khi rời quân ngũ đều giữ được truyền thống, phẩm chất tốt đẹp Bộ đội cụ Hồ luôn vì cộng đồng, xã hội. Nhiều người không ngại đi đầu trong các hoạt động phong trào tại địa phương mà còn tuyên truyền, vận động người thân tham gia hiến đất, ngày công mở rộng đường cũng như nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác.
Chủ trương đúng, người dân đồng thuận
Nhờ sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, tổ chức đoàn thể cũng như sự đồng tình của nhân dân, đến nay, nhiều tuyến hẻm trên địa bàn TP.HCM đã được mở rộng khang trang, diện mạo đô thị cải thiện đáng kể.
Điển hình như quận 3, một trong những địa phương có phong trào hiến đất mở hẻm diễn ra mạnh, tạo sức lan tỏa lớn. Từ năm 2015 đến nay, 1.172 hộ dân cùng tham gia mở rộng 34 tuyến hẻm, với tổng diện tích đất mở rộng gần 10.000m2, tương ứng số tiền 445 tỷ đồng.
Theo bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 3, cũng từ phong trào này, quận đã có thêm 57 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh thành lập mới trong 22 hẻm được mở rộng. Mới đây, Ủy ban Nhân dân quận 3 tổ chức Ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm đồng loạt tại 10 tuyến hẻm trên địa bàn quận để năm 2019 phấn đấu có 383 hộ dân tham gia hiến 5.862m2 đất mở rộng 13 hẻm (tương ứng giá trị hơn 293 tỷ đồng).
Tương tự, tại quận Phú Nhuận, từ năm 1999 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Phú Nhuận đã nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Qua 10 năm triển khai, quận Phú Nhuận đã có hơn 3.100 hộ tham gia hiến đất, mở rộng 74 hẻm.
Không chỉ tham gia hiến đất mở rộng hẻm, nhiều hộ dân ở hẻm 166 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận còn tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng để chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ bị giải tỏa mở rộng hẻm có hoàn cảnh khó khăn. Còn tại công trình mở rộng nhánh hẻm 525 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, các hộ dân cũng đã chủ động tháo dỡ, giải tỏa, mở rộng hẻm, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí làm đường, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy...
Để có kết quả này, được người dân đồng tình hưởng ứng, phong trào ngày càng lan tỏa, ông Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận, cho biết cán bộ quận, phường, khu phố đã dành nhiều thời gian giải thích, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người dân thấy được lợi ích từ việc mở rộng hẻm. Ngược lại, những hộ không bị giải tỏa mà vẫn được hưởng lợi ích từ dự án, chính quyền vận động đóng góp một phần kinh phí để cùng thực hiện công trình…
Ai cũng thấy việc hiến đất mở hẻm sẽ mang lại giá trị lớn cho khu vực sinh sống nhưng vì ở trung tâm thành phố, “tấc đất, tấc vàng” nên không ít người làm ngơ. Kinh nghiệm từ thực tiễn, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3 Võ Khắc Thái, nếu có 2/3 dân cư trong hẻm đồng thuận, chính quyền sẽ mở rộng hẻm. Trong quá trình thi công, chính quyền, cơ quan đoàn thể vận động, tạo sự cộng hưởng khiến người dân dần dần thấy được lợi ích chung, gạt bỏ những đố kỵ nhỏ nhen để đồng thuận cùng làm.
“Giá trị của phần đất hiến lớn hơn nhiều lần so với kinh phí Nhà nước bỏ ra để làm hẻm. Chưa kể nhiều hộ đã phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng để cải tạo lại nhà, tháo dỡ phần đất hiến đã xây dựng công trình kiên cố. Tuy nhiên chỉ cần phân tích để người dân hiểu ích lợi từ việc mở rộng hẻm, người dân tháo dỡ, hiến đất, còn chính quyền tiến hành làm đường, ngầm hóa điện, cáp quang, xây dựng trụ nước phòng cháy chữa cháy. Từ con hẻm này được mở rộng, người dân ở những hẻm khác sẽ quan sát, tự bàn bạc để khi có chủ trương thì hưởng ứng," ông Võ Khắc Thái cho biết thêm.
Rõ ràng, có được kết quả trên là nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc khảo sát, tìm hiểu và vận động người dân đồng thuận. Cán bộ cơ sở địa phương làm cho người dân hiểu, tin tưởng và thấy lợi ích của việc mở rộng hẻm, không chỉ giải quyết vấn đề thông thoáng, giao thông thuận tiện mà còn góp phần làm giảm góc khuất dễ phát sinh tệ nạn xã hội, đồng thời khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo an ninh trật tự, thuận tiện cho phòng cháy chữa cháy, ngầm hóa điện, cáp viễn thông. Khi chính sách tạo được sự đồng thuận của người dân, khó khăn nào cũng vượt quá, mục tiêu nào cũng có thể hoàn thành, đem lại giá trị lớn lao cho cộng đồng, xã hội./.