Aa

Lằng nhằng cải tạo chung cư cũ

Thứ Tư, 06/11/2019 - 16:32

Hàng trăm chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM ngày càng xuống cấp nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng để giải quyết dứt điểm.

TP.HCM có 474 chung cư cũ được xây dựng trước 1975, hiện số chung cư cũ được giải tỏa chỉ hơn 30 và việc cải tạo diễn ra rất chậm.

Nỗi niềm người trong cuộc

"Gần 1 năm trước, khi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì nhận được thông báo phải di chuyển khẩn cấp trong vòng 24 giờ vì chung cư đã lún, chúng tôi tức tốc khăn gói lên đường. Chính quyền cam kết năm sau sẽ ăn Tết trong nhà mới nhưng đến nay mọi việc vẫn cứ im ắng" - ông Lê Công Chánh (84 tuổi) thở dài khi nhắc đến tiến độ cải tạo lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM).

Gia đình ông Chánh đang thuê một căn hộ tạm cư cách nơi ở cũ 100m. Những hộ dân còn lại, có gia đình về tái định cư ở quận 4, quận 8, thậm chí qua huyện Bình Chánh. Ông Chánh thở dài: "Từ khi dời đi cho đến nay, vẫn chưa có một thông báo về việc tìm chủ đầu tư mới. Không biết đến lúc nào, chúng tôi mới có thể về chốn cũ".

Hơn 1 năm qua, hàng chục hộ dân sống tại chung cư 155 - 157 Bùi Viện, quận 1 cũng rơi vào tâm trạng rối bời, lo âu bởi cứ vài ba hôm lại nhận được thông báo: "Đề nghị người dân di dời khẩn cấp. Chung cư sập bất cứ lúc nào". Dù vậy, đến nay chỉ 60% hộ dân dời đi, số còn lại tiếp tục sinh sống ở đây.

Anh Lê Duy Mạnh, chủ căn hộ 401 lý giải việc "cố thủ" tại đây là vì "kế hoạch UBND quận 1 đưa ra không rõ ràng khiến người dân không yên lòng". Trước hết, việc tái định cư chỉ đưa ra danh sách nhà ở tại huyện Bình Chánh, quá xa so với chỗ ở hiện tại. Nếu không nhận nhà thì chỉ nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, số tiền này không đủ thuê nơi ở mới. Chưa kể, kế hoạch xây dựng và thời gian cụ thể, UBND quận 1 chỉ cam kết "sớm nhất có thể". Trong khi người dân chỉ cần biết rõ ngày trở về, có cam kết đầy đủ. Ngoài ra, nơi tạm cư cách nơi ở cũ khoảng 5 - 7km để phù hợp cuộc sống.

Chung cư Ấn Quang, quận 10, TP.HCM xây dựng trước 1975 hiện đang trong diện phải giải tỏa để cải tạo

Thiếu đồng thuận từ các bên

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 4 cho biết chung cư Trúc Giang giống như cây khô đứng trước bão, rệu rã đến mức chỉ cần giậm chân mạnh xuống nền là nhà rung chuyển, vài ba bữa là vữa xi măng rớt thành mảng. Dự báo có thể sập trong 1 hoặc 2 mùa mưa tới nhưng vẫn còn nhiều hộ không chịu đi. "Kế hoạch đã có, chủ đầu tư đã lựa chọn nhưng người dân không chịu đi vì cho rằng cần rõ ràng hơn. Nếu dây dưa thì hậu quả rất nghiêm trọng. Trong khi đó, khó có thể cưỡng chế, ép người dân đi liền" - đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 4 nêu.

Phản hồi ý kiến nói trên, bà Đỗ Thị Tuyết Mai (chủ căn hộ tầng 3 chung cư Trúc Giang) cho biết diện tích cấp sổ đỏ cho thấy 20m2 nhưng chủ đầu tư tự đo đạc nói chỉ 10m2. Hơn nữa, các văn bản gửi cư dân không có ai đứng ra cam kết thời hạn và chịu trách nhiệm rõ ràng. "Chúng tôi mù mờ thông tin, chỉ biết phải tạm cư khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) nhưng về đó thì việc làm ăn ra sao?" - bà Mai lo lắng.

Tương tự, hàng loạt chung cư tại quận 10 hiện nay đang rơi vào "thế bí", vài ba tháng, UBND quận 10 lại đưa ra kế hoạch mới nhưng tiến độ di dời vẫn giậm chân tại chỗ. Đến mức, khi nhắc đến việc cải tạo chung cư, nhiều cư dân tại chung cư Ấn Quang tỏ ra thờ ơ. Ông Lê Minh Tứ (73 tuổi, ngụ block C) phân trần: "Mỗi lần có thông báo mới là cư dân tốn thêm thời gian. Bao nhiêu chủ đầu tư đến đối thoại với người dân rồi rời đi trong âm thầm". 

Theo ông Tứ, hiện các hộ chung cư tầng trệt đang buôn bán thuận lợi, vì vậy khi xây dựng chung cư mới, họ yêu cầu tiếp tục ở tầng trệt. Vì vậy, chủ đầu tư không mặn mà dự án. "Nhưng quan trọng nhất vẫn là cư dân ở đây đều mù thông tin về việc triển khai dự án. Chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng sẽ có đoàn này tiếp xúc, đoàn nọ tiếp xúc mà không biết khi nào bắt đầu, số tiền hỗ trợ là bao nhiêu. Điều mong muốn của cư dân là sớm được quay về nơi ở cũ, an cư tại chung cư đã xây dựng lại. Thế nhưng, thực tế nhiều chung cư sau khi cưỡng chế di dời, dự án vẫn "trùm mền" hoặc xây dựng với tiến độ rất chậm" - ông Tứ bức xúc.

Bài toán lợi ích

Vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành cùng UBND quận, huyện trên địa bàn có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các chung cư hư hỏng nặng. Sở Xây dựng cần nhanh chóng bổ sung nội dung quy định bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư đối với người dân sinh sống các tòa chung cư này đối với trường hợp không áp dụng tái định cư tại chỗ.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết phần lớn các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đều có diện tích nhỏ, có những căn hộ chưa đến 20m2. Theo quy định, nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45m2. Việc di dời qua nơi ở mới ảnh hưởng đến sinh kế của người dân khiến họ không muốn đi. Trong khi đó, việc đầu tư vào chung cư cũ lợi nhuận không cao khiến doanh nghiệp ít quan tâm. Vì vậy, để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, cần phải giải bài toán này.

Dự kiến đến năm 2020, TP tháo dỡ, xây mới ít nhất 50% trong tổng số 474 chung cư cũ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top