Aa

Làng “pháo đài” bằng đá độc đáo nơi biên cương xứ Lạng

Thứ Ba, 19/07/2022 - 06:15

Dân làng Thạch Khuyên cho biết nhiều thế hệ cha ông đã lấy đá xếp móng làm nhà trình tường, xếp đá kè bờ ao, bờ ruộng và dùng đá để dựng thành lũy như một cái khuyên tròn bao bọc xung quanh nhà và cạnh các lối đi.

Từ thế kỷ 19 đã xuất hiện một ngôi làng được gọi là “Vương quốc của đá” với nhưng ngôi nhà trình tường bằng đất, móng và tường rào, đường đi lối lại đều bằng đá, đó là làng đá Thạch Khuyên (đá tròn), đây một trong chín điểm thuộc khu du kích Ba Sơn.

Làng đá Thạch Khuyên xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, cách Thành phố Lạng Sơn khoảng 40km, xung quanh làng được bao bọc bởi những hàng rào đá, những bờ tường đá được xếp xung quanh ngôi nhà một cách kiên cố. Đá nằm chồng lên nhau thành hàng, thành lối, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng tạo vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình nơi biên cương xứ Lạng.

Rất ít nơi trên đất nước Việt Nam lại có một làng đá độc đáo, hoang sơ, đẹp và yên bình như vậy. Con đường vào làng quanh co uốn lượn nhưng lại vô cùng độc đáo bởi những hàng rào được xếp bằng những phiến đá chồng lên nhau như những tường thành vững chãi. Với hơn 100 hộ gia đình trong làng chủ yếu là người dân tộc Nùng Phàn Sình sinh sống. Các thiếu nữ người dân tộc Nùng Phàn Sình trong những bộ trang phục kẻ truyền thống sặc sỡ với mái tóc hỉ nhi (hay còn gọi là hiển nhi) mà theo anh Huynh, một giáo viên tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch đi cùng, chỉ cần nhìn vào những mái tóc ấy có thể đoán biết được các thiếu nữ đó đều chưa lấy chồng.

Ba Sơn trong đó có làng Thạch Khuyên với địa hình chủ yếu là đồi núi, chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, khách du lịch cũng ít biết đến nên các phong tục tập quán của dân bản địa hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Chúng tôi tìm một ngôi nhà trong làng xin nghỉ qua đêm, vợ chồng chủ nhà người dân tộc Tày giục chúng tôi đi chơi một vòng quanh làng bởi ở đây chiều xuống có mây sa đẹp lắm và về sớm để còn nhẩm lẩu (uống rượu), bởi bất cứ người nào ở xa đến đây đều là khách quý.

Những tảng đá mồ côi xếp thành hàng ôm lấy từng ngôi nhà

Người dân trong làng cho biết nhiều thế hệ cha ông đã lấy đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá kè bờ ao, bờ ruộng và dùng đá để dựng thành lũy như một cái khuyên tròn bằng đá. Xung quanh nhà và cạnh các lối đi trong thôn đều được kê tường rào đá chắc chắn. Thành đá vững chắc vừa có tác dụng ngăn thú dữ, vừa ngăn kẻ thù xâm phạm. Chính nhờ có thành đá này mà dân làng đã sống yên ổn qua bao giặc giã và thổ phỉ vùng biên cương.

Cái độc đáo ở đây là đá mồ côi tròn nhẵn nằm chồng lên nhau thành hàng thành lối quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Nhiều viên đá cũ rêu phủ, phía trên là những bụi xương rồng càng làm cho làng đá giữ được vẻ nguyên sơ. Không ai nhớ chính xác làng đá có từ bao giờ, ngay đến các cụ cao niên nhất làng cũng chỉ biết lớn lên đã thấy đá như thế rồi. Đá xếp hàng rào, quây vườn rau, đá lát đường, có những tảng đá dài 3m, có tảng rộng cả mét vuông.

Theo lịch sử thì trước đây, ở làng Thạch Khuyên nhà nào cũng có nhiều trâu bò, lợn gà. Bọn thổ phỉ từ bên kia biên giới thường xuyên tràn sang cướp bóc của cải. Để phòng thủ, người dân cùng nhau dùng đá xếp thành hàng rào bảo vệ bao quanh ngôi làng. Người dân địa phương cho biết cha ông thời trước dựng hàng rào đá để chống giặc cướp đến phá làng. Nhiều nơi trên hàng rào đá còn dấu tích lỗ châu mai...

Trong làng vẫn còn nhiều ngôi nhà trình tường, một lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Đây là những ngôi nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao 1 hoặc 2 tầng. Phía trong nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn, tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai để phòng thủ.

Đi chợ tình dự hội “nhẩm lẩu”

Vào dịp lễ hội hay những ngày 5, 10... âm lịch hàng tháng, các chàng trai cô gái dân tộc trong những bộ trang phục truyền thống từ khắp các nẻo đường đổ về khu chợ thị trấn từ sáng sớm, những tiếng cười vang lên rộn rã. Quanh năm suốt tháng phải làm những công việc nhà nông trên đồi núi cao, nên những dịp như thế này các thiếu nữ ở Ba Sơn thường diện những chiếc váy áo đẹp nhất, trang điểm thật đẹp đến để giao lưu, nói chuyện hay chỉ im lặng ngắm tìm ý trung nhân cho mình. Các chàng trai Nùng Phàn Sình đến chợ để uống rượu, nói chuyện rồi hát những câu sli (một điệu hát gần giống như quan họ Bắc Ninh) tình tứ. Trong khi các chàng trai hát, các thiếu nữ sẽ ngầm quan sát chàng nào nói chuyện có duyên và hát hay, sau đó sẽ mời “nhẩm lẩu” rồi tặng chàng những chiếc áo do chính tay họ thức thâu đêm làm ra.

Dạo một vòng quanh chợ, thấy chàng trai nào khoác nhiều áo mới có nghĩa là chàng trai đó rất có duyên và được nhiều cô gái tỏ lòng yêu quý, đồng thời đó chính là vật để làm tin. Để đáp lại, chàng trai sẽ tặng cô gái những chiếc thước đo để may áo hoặc đòn gánh, những món quà giản dị nhưng rất có ý nghĩa, bởi nó được nàng ngầm hiểu thay cho lời hứa hẹn của chàng trai một ngày nào đó sẽ đặt chân trên bậc cửa nhà mình.  

Trong thời gian tới, làng Thạch Khuyên sẽ hình thành các tuyến du lịch, hình thành làng du lịch cộng đồng để đẩy mạnh phát triển kinh tế cho người dân. Hiện tại, nếu du khách đến thăm làng, có thể nhờ người dân ở đây chuẩn bị giúp những bữa ăn mang đậm màu sắc của người dân tộc Nùng, bạn cũng có thể nghỉ trải nghiệm một đêm trong những ngôi nhà bằng đất, sinh hoạt chung với người dân trong làng.

Trẻ con trong làng sinh ra và lớn lên đều đã quen với sự có mặt của đá
Những hàng rào bằng đá chạy dài từ trong làng ra đến cánh đồng
Người dân sinh sống trong làng là đồng bào dân tộc Nùng với những chiếc áo kẻ đỏ đặc trưng
Những căn nhà trong làng có tường làm bằng đất, thường có bếp lửa ở giữa nhà
Hàng rào bằng đá ôm lấy từng ngôi nhà trình tường
Đường đi lối lại trong làng được xếp toàn bằng đá mồ côi
 
Đá được xếp quanh thành bờ ao
Đá xếp thành hàng rào quanh nhà
Đá xếp thành hàng rào bảo vệ hoa màu
Đá được lát thành đường đi trong làng
Hàng rào đá được phủ bên trên là những cây hoa xương rồng
Nhà trong làng tường được trình bằng đất, nhà thường có 2 tầng và tầng trên để cất giữ lương thực
Công việc bếp núc hàng ngày của người dân trong làng
Cửa sổ được làm bằng gỗ của những ngôi nhà trình tường trong làng
Có một số hộ dân trong làng là người dân tộc Tày
Cô gái người dân tộc Nùng ở làng đá Thạch Khuyên
Ngõ lớn ngõ nhỏ trong làng đều được lát bằng đá
Từ con suối, bờ ruộng cũng đều được xếp đá bao quanh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top