Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) trải qua hơn 400 năm nhưng vẫn giữ nguyên những hình ảnh đặc trưng nhất của làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình... Tất cả những dấu ấn đó đều có tuổi đời vài trăm năm và nếp sinh hoạt của người dân đặc trưng của vùng lúa nước vẫn còn nguyên vẹn.
Điều đặc biệt nhất làm nên một làng cổ Đường Lâm là những ngôi nhà cổ làm bằng gỗ với tường xây bằng gạch đá ong. Thứ đá ong là nguyên vật liệu tự nhiên tại chỗ với đặc tính chịu mưa, nắng. Đá xây được kết dính với nhau bằng hồ vữa, vững chắc ấm áp vào mùa đông nhưng mùa hè lại mát. Đường đi lối lại trong xóm đều được lát bằng gạch đỏ loại già lửa nên trải qua bao năm tháng mà con đường vẫn đỏ như son. Cổng vào nhà và cổng các ngõ xóm đều được xây dựng cùng một kiểu mái vòm cong, vừa vững chãi lại mềm mại với những hoa văn được tạc vào đá.
Một dấu ấn khác nhau giữa nhà dân và nhà Quan là cổng nhà Quan thường đắp hình long, phượng hoặc mặt hổ phù, còn cổng nhà dân thì chỉ khắc hoa, lá. Hiện tại Đường Lâm có gần 1.000 ngôi nhà truyền thống, ngôi nhà lâu đời nhất đã hơn 400 năm tuổi và sống trong nó là dòng họ đã trải qua 5 đời. Gọi là làng cổ Đường Lâm nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng gồm làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau.
Đình Mông Phụ được xây dựng trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800m2. Mặt tiền Đại đình hướng Tây Nam. Năm xây dựng ngôi đình 1533 thời Vua Mạc Đăng Doanh. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ XIX. Nhà Xích hậu ở phía trước đình Mông Phụ. Diện mạo của ngôi đình hiện nay được xây dựng theo kiểu chữ "Công", gồm Nghi môn (cổng chính), sân đình, Tả Mạc (nhà bên trái), Hữu mạc (nhà bên phải) và Đại đình (hay tòa Đại bái, tức tòa đình chính). Ngoài ra, ở bên ngoài đình (phía tay phải từ đình nhìn ra) có nhà Xích hậu. Đây là nơi tiếp khách và là nơi chuẩn bị lễ trước khi vào đình.
Đình được xây bằng gạch kết hợp với đá ong truyền thống, các cột, kèo, đòn đỡ bằng gỗ lim. Mái lợp ngói ta với các đao nhọn đắp hình long phượng. Ngôi đình này đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng.
Chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự) nằm ở cuối làng Đường Lâm, dưới bóng một cây đa cổ thụ. Theo truyền thuyết, chùa này do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) được gọi là Bà Chúa Mía, cho xây dựng. Qua cổng tam quan được làm bằng gỗ là một lối đi rộng dẫn vào Tam Bảo. Bên phải Tam Quan là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Hiện trong chùa còn lưu giữ được gần 300 pho tượng với chất liệu bằng đồng, gỗ và tượng làm từ đất sét và rễ si.
Người dân làng Đường Lâm rất mến khách, đến đâu bạn cũng được mời vào thăm nhà, uống nước vối và thưởng thức chè lam, đây cũng là một đặc sản của người dân xứ Đoài. Thả bộ trong ngõ nhỏ quanh làng với những bức tường đá ong nghiêng ngả, những mái ngói đổ lô xô phủ rêu phong làm cho ta có cảm giác như lạc vào quá khứ. Vào làng, bạn nhớ ghé thăm các gia đình làm tương truyền thống với hàng trăm chum đất ủ ngoài sân. Tương ở vùng này ngon nổi tiếng.
Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006. Đây còn được gọi là vùng đất sinh 2 vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng.