Lãng phí nguồn lực tài nguyên: Điểm nghẽn của phát triển
Nước ta bắt đầu thực sự đẩy mạnh đến việc tiết kiệm, chống lãng phí từ những năm đầu của thiên niên kỷ này. Đến 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 29/11/2005 gồm 86 điều, có hiệu lực từ 01/6/2006. Đối tượng thực hiện của Luật này bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, lao động thuộc khu vực nhà nước, và công dân, tổ chức thuộc đối tượng ngoài khu vực nhà nước. Như vậy, đối tượng thực hiện là khá rộng, hướng tới việc xây dựng một xã hội tiết kiệm.
Nhưng nhìn từ góc độ khác, cách tiếp cận xây dựng một xã hội tiết kiệm lại có biểu hiện đi ngược lại nguyên tắc của phát triển kinh tế là xây dựng một xã hội tiêu dùng. Trong kinh tế thị trường, người ta luôn đặt vấn đề kích cầu bằng mọi cách để kích thích sản xuất hàng hóa tốt và rẻ, cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Có như vậy, kinh tế mới phát triển mạnh làm cho dân chóng giàu và nước mới mạnh. Vì vậy, phạm vi tiết kiệm, chống lãng phí cần được xác định chi tiết hơn, đúng đắn hơn.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 được thông qua tháng 11/2005 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Ngày 18/7/2006 Chính phủ ban hành Nghị định 68/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2006/NĐ-CP về bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Tài chính đã hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 98/2006/TT-BTC ngày 20/10/2006 về việc bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian này, tất cả các Bộ, ngành đều ban hành các quyết định về tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý của mình.
Nhìn lại, đây là thời điểm ghi nhận những nỗ lực của bộ máy hành chính trong việc tiết kiệm chi tiêu, trong đó chống lãng phí ngân sách, tài sản công là chủ yếu. Như vậy, việc chống lãng phí mới tập trung vào việc chi tiêu ngân sách công, sử dụng tài sản công, trong đó có cơ chế xử lý những cán bộ, công chức, viên chức hoang phí của công. Ngoài phạm vi này, các vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí chưa được hướng dẫn thực hiện, cũng như chưa được thực hành trên thực tế.
Tiếp tục, năm 2013, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi vào ngày 26/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, trong đó đối tượng áp dụng gần như không thay đổi, chỉ được biên tập lại cho rõ ràng hơn. Luật này bao gồm 79 điều, được Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc thẩm quyền tại Nghị định 84/2014/NĐ-CP ngày 8/9/2014. Ngoài văn bản này, cho đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành không ban hành thêm bất kỳ văn bản hướng dẫn thực hành nào khác nữa. Như vậy, khung luật pháp đã được nâng cấp một bước, nhưng nhìn chung trên thực tế mới chỉ tập trung vào cụ thể hóa hơn việc quản lý, sử dụng, chi tiêu... ngân sách, tài sản thuộc khu vực công; còn các hoạt động khác đã quy định trong khung pháp luật nhưng chưa có việc thực hành trên thực tế.
Từ những phân tích ở trên, đến giai đoạn này chúng ta cần xác định lại phạm vi tập trung điều chỉnh về tiết kiệm, chống lãng phí sao cho phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế để xây dựng một Việt Nam hùng mạnh. Từ đó, một mặt có thể xác định phạm vi không cần khung pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí; mặt khác tập trung vào phạm vi mà sự không tiết kiệm, lãng phí gây hại cho phát triển đất nước, tức là tác động tiêu cực cho phát triển kinh tế, để từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu.
Cơ sở chính để xem xét vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải nhìn vào sự vận hành kinh tế đất nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả và hiệu suất kinh tế, từ đó xác định đúng phạm vi phải tiết kiệm, không để lãng phí xảy ra.
Đến nay, kinh tế học (Economics) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Trước hết, khái niệm khoa học kinh tế được xây dựng kể từ khi nền sản xuất trên thế giới chuyển từ văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp gắn với quá trình công nghiệp hóa và vận hành cơ chế thị trường tự do. Quá trình này dựa vào lý luận của trường phái kinh tế học cổ điển mà đại diện là Adam Smith với tác phẩm "Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia" (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), xuất bản năm 1776.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu 1929 - 1930 đã cho thấy "bàn tay vô hình" của thị trường tự do vẫn đang có khuyết tật lớn gây ra khủng hoảng thừa. Khi nền kinh tế quá lớn, nó làm cho quán tính lớn, không phản ứng kịp mối quan hệ cung - cầu trên thị trường. Đến năm 1936, nhà kinh tế John Maynard Keynes xuất bản cuốn sách "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ" (The General Theory of Employment, Interest, and Money) đã tìm giải pháp khắc phục các nhược điểm của thị trường tự do. Đó là thị trường cần có khu vực do nhà nước tác động, được gọi là "kinh tế vĩ mô", quan tâm tới lĩnh vực việc làm, lãi suất và tiền tệ, cũng như các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường.
Cả quá trình vận hành các lý thuyết kinh tế học, sau Thế chiến thứ 2, hình dáng của kinh tế học hiện đại đã được hình thành để điều tiết cơ chế thị trường hiện đại. Đây là nền kinh tế kết hợp giữa vai trò của nhà nước quản lý kinh tế vĩ mô và bàn tay vô hình của thị trường điều tiết kinh tế vi mô. Người ta gọi kinh tế học hiện đại là nền kinh tế được vỗ bằng hai bàn tay: Bàn tay quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước và bàn tay vô hình điều tiết kinh tế vi mô phục vụ cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Nội dung kinh tế học hiện đại được mô tả đầy đủ trong cuốn sách "Kinh tế học: Phân tích nhập môn" (Economics: An Introductory Analysis), được xuất bản năm 1948. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa định nghĩa kinh tế học khá thỏa đáng: Kinh tế học là nghiên cứu về cách xã hội sử dụng các tài nguyên khan hiếm để sản xuất ra hàng hóa có giá trị và phân phối chúng giữa các cá nhân.
Như vậy, chúng ta có thể định vị việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung cơ bản là việc sử dụng các nguồn lực để phát triển; các nguồn lực bao gồm: Một là "đất đai - tài nguyên thiên nhiên", hai là "lao động" và ba là "vốn tài chính".
Bài viết này tập trung vào phân tích sự lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Trong các loại tài nguyên thiên nhiên, đất đai gồm cả đất liền và biển được tách riêng vì đây là loại tài nguyên có thể sử dụng dài hạn, không bị tiêu hao; còn các loại khoáng sản đều thuộc loại tài nguyên bị tiêu hao trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đất đai và biển, còn một số loại tài nguyên khác như ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển, dòng chảy nước... cũng là các loại tài nguyên không bị tiêu hao, phục vụ tạo ra nguồn năng lượng sạch, cần được xem xét.
Tiêu chí kinh tế để đánh giá mức độ lãng phí trong quản lý sử dụng đất là "sử dụng một mét vuông đất của một thửa đất, khu đất xác định mang lại được nhiều nhất bao nhiêu tiền". Tất nhiên, việc sử dụng thực tế không đạt được mức lý thuyết thì có thể xem xét là lý thuyết ước lượng hiệu quả không đúng hay là việc sử dụng không hợp lý. Một số nguyên nhân được xác định sau đây:
1. Lãng phí do quy trình chuyển dịch đất đai bắt buộc để thực hiện dự án đầu tư còn nhiều khoảng trống
Cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc là quy trình nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Trong việc giao hoặc cho thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, có thể xảy ra trường hợp giao hoặc cho nhà đầu tư không có năng lực đầu tư thuê đất. Đã có một thời, người ta gọi là sử dụng đất kiểu "tay không bắt giặc"; đây là việc thường thấy trong giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, bị mối quan hệ "thân hữu" chi phối. Hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã có quy định rõ ràng về các cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Mặc dù vậy, các quy định pháp luật không chặt chẽ có thể làm cho cơ chế đấu giá, đấu thầu cũng bị "biến dạng".
Ngay trong hệ thống pháp luật đất đai hiện hành cũng còn nhiều khoảng hở để gây nhiễu trong cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc theo quyết định của UBND cấp tỉnh và cấp huyện ở địa phương. Ví dụ như nhà nước thu hồi đất rồi nhưng lại giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý; hay cũng có trường hợp thu hồi đất, giao hay cho thuê đất rồi nhưng lại cho phép điều chỉnh dự án sang trường hợp không được nhà nước thu hồi đất. Tình trạng khá phổ biến hiện nay là "dự án bị treo", nhưng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không ban hành quyết định thu hồi lại đất. Năm 2023, riêng Hà Nội đã công khai con số 400 dự án treo mà không bị thu hồi đất, có nhiều dự án bị treo tới 10 năm. Các quy định pháp luật không minh bạch như giao, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư dự án thiếu năng lực đã làm cho diện tích đất khá lớn không được kịp thời đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn. Nhiều dự án treo nhưng không bị xử lý làm cho hiệu quả sử dụng đất xuống thấp, đất để trống dài ngày nên không tạo được lợi ích nào từ đất.
Giải pháp ở đây là cần xây dựng một khung pháp luật thật minh bạch về thực hiện các cơ chế nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với mục tiêu đất phải được sử dụng ngay để sinh lợi.
2. Thủ tục hành chính phức tạp hoặc thực hiện không đúng làm kéo dài quá trình chuẩn bị đầu tư
Kể từ năm 2000, nhà nước ta đã có chủ trương lớn về việc cải cách hành chính mà bước đầu là cải cách các thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, cho đến nay các thủ tục hành chính của nước ta vẫn còn nhiều phức tạp. Một mặt chúng ta vẫn muốn ưu đãi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thông qua việc ban hành rất nhiều ưu đãi đối với đầu tư FDI. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ không cần nhiều ưu đãi về tài chính mà mong muốn của các nhà đầu tư là cần ưu đãi về sự nhanh gọn của các thủ tục hành chính, vì quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Kể cả các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng vẫn quá dài. Ví dụ như một thủ tục hành chính khá đơn giản về trình tự, thủ tục chuyển nhượng một bất động sản, ở nước ta phải mất khoảng từ 15 ngày cho tới 45 ngày, tùy từng địa phương; trong khi đó, ở Thái Lan, thủ tục này chỉ mất 1 ngày.
Lý do chủ yếu của việc thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, rắc rối, dài dòng bao gồm: Một là các cơ quan hành chính vẫn mang nặng ý tưởng nhấn mạnh quyền lực của mình; và hai là còn muốn nhận được chi phí "bôi trơn". Tất nhiên, thủ tục hành chính còn phức tạp và kéo dài sẽ dẫn đến tốn kém thời gian và người thực hiện phải chi trả thêm các loại "phí" ngoài quy định. Rõ ràng là đang tồn tại một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian của doanh nghiệp và người dân. Lãng phí thời gian cũng có thể quy thành tiền theo mức lương trung bình của những người tham gia, và theo sự tổn hại vật chất của các quá trình sản xuất, kinh doanh mà thủ tục hành chính là một điểm nghẽn.
Tất nhiên, để khắc phục lãng phí này, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là tiếp tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, và thực hiện quy trình giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính trên thực tế thông qua việc vận hành hệ thống Giám sát và Đánh giá (M&E - Monitoring & Evaluation) đã được quy định trong Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024.
3. Giá đất của nhà nước quá thấp gây lãng phí nguồn thu từ đất
Qua hai phần trên nói về sự lãng phí do phức tạp của pháp luật và rắc rối của thủ tục hành chính, chúng ta thấy rõ về sự lãng phí, nhưng chưa có được con số từ tính toán cụ thể. Trong mục này, chúng ta xem xét về sự lãng phí trong thu từ đất bị thiệt hại ra sao khi giá đất của nhà nước thấp hơn giá thị trường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính về thu từ đất kể từ năm 2000 tới 2020, chúng ta có 2 Bảng số liệu sau đây:
Bảng 1: Các nguồn thu từ đất:
Chúng ta đều biết rằng giá đất của nhà nước bắt đầu hình thành từ Luật Đất đai 1993, khi đó giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 25% giá đất trên thị trường. Kể từ Luật Đất đai 2003, mặc dù Luật này có quy định chung là giá đất của nhà nước phải phù hợp với giá đất trên thị trường, nhưng lại có quy định Chính phủ ban hành Khung giá đất để quản lý Bảng giá đất của các địa phương. Khung giá đất thấp nên các Bảng giá đất không thể vượt Khung. Chính vì lý do này mà Bảng giá đất luôn thấp hơn giá đất trên thị trường rất nhiều, mặc dù Bảng giá đất có tăng dần từ khoảng 30% lên đến khoảng 40% vào năm 2023.
Để tính toán ước lượng con số lãng phí trong nguồn thu từ đất, chúng ta có thể lấy Bảng giá đất của địa phương đã nhân với hệ số điều chỉnh trung bình là 1,5 thì giá đất của nhà nước cũng chỉ bằng 60% giá đất thị trường. Theo Bảng 1, tổng thu từ đất trong 20 năm từ năm 2000 tới 2020 là khoảng 1,688 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 60% tổng thu theo giá đất thị trường. Điều này có nghĩa là ta đã gây lãng phí 40% giá trị thu theo giá đất thị trường. Tính toán cụ thể, con số lãng phí là 1.125 tỷ đồng.
Để giảm lãng phí nói trên, chỉ có một cách duy nhất là mọi hoạt động của tài chính đất đai đều phải căn cứ vào giá đất hình thành theo cơ chế thị trường và Nhà nước có chính sách giảm giá đất cho những trường hợp cần giải quyết an sinh xã hội về nhà ở và những dự án được ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh.
4. Quy hoạch phức tạp không phù hợp với cơ chế thị trường, gây ra nhiều nút thắt đối với các dự án đầu tư
Khi chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường, chúng ta phải tính ngay tới việc tạo lập khung pháp luật về quy hoạch cho phù hợp với các quy luật thị trường. Trên thực tế, vấn đề quyền lực của quy hoạch giữa 3 Bộ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng phụ trách quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, và các khu chức năng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách quy hoạch sử dụng đất và sử dụng biển. Do tư duy bao cấp chi phối, cả 3 bộ này đều muốn quy hoạch do mình phụ trách là độc lập, không liên quan đến các loại quy hoạch khác. Từ đây, lãng phí về quy hoạch đã xuất hiện do trong cơ chế bao cấp thì quy hoạch là pháp lệnh để điều khiển nền kinh tế được nhà nước chỉ huy tập trung. Khi áp dụng cơ chế thị trường, quy hoạch là tài liệu định hướng cho kịch bản phát triển, chỉ khoanh lại các vùng không được phát triển, các vùng phải phát triển và các vùng có thể phát triển. Từ đó, các doanh nghiệp, cá nhân tự định liệu dự án phát triển của mình sao cho phù hợp và qua bước phê duyệt dự án.
Riêng các khu định cư của con người, mỗi khu đều phải có quy hoạch nhằm định hướng phát triển cho cuộc sống được an toàn, thụ hưởng nhiều hạ tầng được nâng cấp và các tiện ích xã hội ngày càng phong phú. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch vùng, không có quy hoạch chi tiết; quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch chi tiết cho các khu vực định cư của con người. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội không phải là quy hoạch không gian mà là quy hoạch chiến lược. Quy hoạch này không có nhiệm vụ áp bất kỳ hoạt động phát triển nào lên bề mặt đất. Chiến lược đặt ra là xem xét mọi nguồn lực đầu vào cho phát triển kinh tế và tính toán các kết quả đạt được tại đầu ra. Từ quy hoạch chiến lược toàn quốc, các địa phương cấp tỉnh xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình. Từ đó, chiến lược phát triển được thể hiện trên mặt đất bằng quy hoạch vùng và hệ thống hạ tầng, kể cả khoảng trên không, không gian ngầm dưới mặt đất và vùng biển. Các loại quy hoạch khác hiện nay đều được đưa vào các dự án phát triển.
Luật Quy hoạch 2017 với ý nghĩa là luật quy hoạch tích hợp tất cả các loại quy hoạch khác. Ý tưởng có vẻ tốt đẹp, nhưng thực tế phát triển đã không tiếp nhận ý tưởng này trong cơ chế thị trường. Như vậy, quá tốn kém ngân sách nhà nước cho lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất vẫn vận hành nguyên như cũ, thậm chí cũng đã được quy định trong các Luật mới ban hành. Khoảng trống quy hoạch vẫn tồn tại và xung đột quy hoạch vẫn xảy ra. Những xung đột quy hoạch luôn làm chậm phát triển. Hơn nữa, tư duy về quy hoạch cũng cần đổi mới theo hướng không còn là công cụ để nhà nước chỉ huy tập trung để phát triển kinh tế, mà là bản gợi ý để chính quyền quyết định đầu tư gì, ở đâu theo tiềm lực vốn của thị trường.
Dựa trên đánh giá tình trạng quy hoạch như trên, giải pháp để tránh lãng phí về quy hoạch là chúng ta phải tổ chức lại hệ thống quy hoạch sao cho phù hợp với cơ chế thị trường. Có như vậy mới giảm chi phí ngân sách cho quy hoạch và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các dự án phát triển dựa vào cơ chế vốn hóa trên thị trường.
Hiện nay, việc quản lý khai thác khoáng sản ở Việt Nam được đánh giá là thiếu minh bạch, không xác định rõ ràng vùng khai thác, công nghệ khai thác, tác động của khai thác lên môi trường nơi có khoáng sản, xác định không rõ lượng khoáng sản đã khai thác, sự trợ giúp của doanh nghiệp khai thác đối với cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản. Lợi ích từ khai khoáng không phân phối đều cho những nơi liên quan, và thu từ khai khoáng cho ngân sách nhà nước bị thất thoát nhiều do quản lý không hợp lý.
Về mặt quản lý, khai khoáng hoàn toàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cấp phép và xác định các khoản thu từ cho phép khai thác. Các địa phương chỉ được cấp phép đối với khai thác tận thu. Công nghệ quản lý khai thác rất lạc hậu, trữ lượng quặng được đánh giá chủ yếu nhờ thăm dò địa chất. Sau khi cấp giấy phép và thu tiền thì các mỏ hoàn toàn do doanh nghiệp được cấp phép "thao túng". Vậy nên người được cấp phép chủ động hoàn toàn và không bị ai kiểm soát. Cách quản lý như vậy gây lãng phí rất lớn từ tài nguyên khoáng sản. Ta có thể lấy ví dụ như việc cho phép hút cát sông, một vật liệu xây dựng ngày càng khan hiếm và giá ngày một tăng cao, các doanh nghiệp hút cát chỉ cố gắng lấy được giấy phép hút cát, để rồi từ đó các tầu hút cát hoàn toàn chủ động hút cát ban đêm và bán cát ban ngày. Đây là nỗi bức xúc của nhiều người dân sống ven các đụn cát và là một loại lãng phí lớn nhưng khó có thể ước tính cụ thể lượng tài nguyên bị thất thoát.
Trên thế giới kể từ năm 2002, Chính phủ Vương quốc Anh đã đề xuất cuộc vận động mang tên "Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng" (Extractive Industries Transparency Initiative - EITI), tại Hội nghị thế giới về Phát triển bền vững ở Johannesburg, Nam Phi.
Cuộc vận động EITI là một sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và quản lý hiệu quả trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản như dầu mỏ, khí đốt, kim loại, đất hiếm và các loại khoáng sản khác. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.
Sáng kiến EITI là một liên minh quốc tế bao gồm Chính phủ của các nước khai thác tài nguyên, các công ty trong ngành khai khoáng, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cộng đồng dân sự, các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế. Mục tiêu chính của sáng kiến EITI là thúc đẩy quản trị tốt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, thông qua việc công bố công khai các khoản thanh toán từ công ty cho chính phủ, công khai các khoản thu từ ngành khai thác mà chính phủ nhận được, đảm bảo thông tin là minh bạch và công dân dễ tiếp cận để có thể giám sát.
Đến 2024, đã có hơn 50 quốc gia tham gia thực hiện các tiêu chuẩn của EITI, bao gồm nhiều nước giàu tài nguyên như Nigeria, Congo, Ghana, Myanmar... Kết quả đạt được là giảm thiểu tình trạng tham nhũng và thất thoát tài sản công trong lĩnh vực khai khoáng, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi của họ trong việc quản lý tài nguyên, xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Sáng kiến EITI dựa chủ yếu vào việc phát triển quản trị khai khoáng bổ sung cho quản lý khai khoáng, sao cho đảm bảo minh bạch thông tin về quản lý lợi ích từ khai khoáng, tăng cường sự tham gia giám sát của người dân, và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý khai khoáng, doanh nghiệp khai khoáng.
Từ 2010, sáng kiến này được tổ chức Oxfam phổ biến rộng rãi ở Việt Nam nhờ nguồn vốn do Bộ Phát triển DFID của Anh Quốc trợ giúp tài chính. Nhiều tài liệu đã được biên soạn và phổ cập rộng rãi, nhưng các cơ quan quản lý khai khoáng nước ta gần như không quan tâm.
Gần đây, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ thông minh để quản lý khai thác mỏ, trong đó có việc quản lý ranh giới khu vực khai thác bằng thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) và gắn hộp đen giám sát hành trình vào các xe chở quặng khai thác được. Các công nghệ này cho phép ghi nhận rõ được khu vực khai mỏ và lượng quặng đã khai thác được.
Việt Nam cần áp dụng vào quản lý khai khoáng cả sáng kiến EITI để giải quyết tốt vấn đề phân phối lợi ích và áp dụng các công nghệ thông minh để giám sát quá trình khai mỏ. Hiện nay, việc quản lý khai khoáng ở nước ta vẫn đặt tại trung ương, làm cho hệ thống phân phối lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên nằm ngoài các địa phương có khoáng sản. Chúng ta cần thay đổi quan điểm quản lý này, áp dụng sáng kiến EITI và công nghệ thông minh để sao cho quản lý khai khoáng và lợi ích từ khai khoáng được phân chia hợp lý mà không gây thất thoát.
Xưa kia, khi giao thông trên biển chưa thuận tiện, việc bảo vệ bờ biển còn rất khó khăn trước ngoại xâm và thiên tai thì các hạng mục kinh tế biển chưa thể phát triển, các quốc gia có biển thường gặp khó khăn khi phải chống chọi với xâm lược và thiên tai từ đường biển. Trên thế giới, các nước ven biển đã phải giải quyết nhiều bài toán khó cho sinh kế cộng đồng dân cư ven biển. Đất đai lúc khô lúc ngập, gần như không có tiềm năng tạo sinh kế. Nghề chính vẫn chỉ là làm muối, đánh bắt và nuôi trồng hải sản ven biển.
Sau đại chiến thế giới 2, hòa bình trên toàn thế giới được thiết lập với khả năng chắc chắn hơn, ý tưởng các quốc gia chung sống hòa bình để phát triển kinh tế được thể hiện khá rõ ràng. Cuộc sống vùng ven biển được cộng đồng quốc tế quan tâm và các quốc gia ven biển đều muốn khai thác mạnh vùng biển. Vì vậy mà kinh tế biển trở nên có nhiều tiềm năng lớn.
Trước đây, kinh tế biển chủ yếu là vận tải và đánh bắt hải sản, sau đó là khai khoáng nổi lên mà chủ yếu là khai thác dầu mỏ và khí đốt. Trong thời gian vừa qua, năng lượng sóng biển và thủy triều đang được sử dụng để khai thác năng lượng tái tạo. Nhiều người cho rằng, khai thác năng lượng tái tạo từ biển còn mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều lần so với năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió.
Trước đây, nông nghiệp biển chủ yếu là đánh bắt hải sản và hái lượm thực vật biển. Nói cách khác, nông nghiệp trên đất liền đã sang thời kỳ cấy trồng từ 5 nghìn năm trước, nhưng ở biển thì con người mới bước sang cấy trồng trong thời gian gần đây, vẫn gọi tên là ngành "nuôi biển". Do khung cảnh biển có hình thái khác lạ so với đất liền, nên du lịch biển cũng đã trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khi các quốc gia và con người có thu nhập nhiều hơn, thì thể thao và du lịch biển là các yếu tố có cơ hội phát triển mạnh để đáp ứng những nhu cầu mới của con người. Môi trường biển là nơi nảy sinh được các yếu tố mới mẻ này. Nhiều môn thể thao trên biển đã hình thành như lướt ván theo sóng biển, đua thuyền trên biển, bơi biển và được đưa vào thi đấu quốc tế. Du lịch biển đảo không phải là mới, nhưng hình thái du lịch đã thay đổi nhiều, ví dụ như các hình thức trải nghiệm, khám phá, tìm cảm giác mới trong môi trường mặt biển, nước biển hay đáy biển.
Giao thông vận tải biển để kết nối giữa các đại dương trở thành một ngành kinh tế quan trọng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rầm rộ phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, vấn đề địa kinh tế biển đang là điểm mấu chốt. Các yếu tố địa kinh tế luôn luôn là nội dung làm biến động địa chính trị; mặt khác, những nhược điểm về địa chính trị lại là nguồn cơn của các cuộc xung đột cục bộ đang diễn ra hiện nay.
Từ góc nhìn khác liên quan đến biển, các tai biến thiên nhiên gắn với biển thường có sức phá hoại rất lớn như động đất, núi lửa, sóng thần, bão mạnh, lụt lội vùng ven biển. Không có các giải pháp quy hoạch, dự báo kịp thời, khả năng ứng phó, giải pháp cứu nạn thì biển có thể tàn phá kinh tế biển gây tổn hại rất lớn. Gần đây, kinh tế biển của Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh, nhưng đồng thời cũng đã gây ra những thảm họa do tai biến thiên nhiên bão lụt tạo ra, cả trên biển và dải ven bờ.
Vấn đề lãng phí xảy ra trên vùng tài nguyên biển có thể kết lại bằng hai nhiệm vụ: Một là việc phát triển không gây lãng phí do thiếu tri thức, và hai là tổ chức không gian biển và ven biển sao cho tổn thất khi đối mặt với tai biến thiên nhiên là ít nhất.
Do nhu cầu phát triển sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ Trái đất, ngành sản xuất điện cũng đã có chuyển biến khá mạnh mẽ theo xu hướng rời bỏ việc sử dụng năng lương hóa thạch để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Giai đoạn đầu cũng là sử dụng thế năng của nước trên trái đất để tạo ra các nhà máy thủy điện. Đến một lúc, người ta cũng phát hiện ra thủy điện tạo nguy cơ mất rừng và mức độ phát thải khí nhà kính cũng khá cao từ các loại cây lớn bị ngâm lâu ngày trong hồ thủy điện. Kể từ đó, việc khai thác thủy điện cũng chỉ phù hợp tại một số địa điểm, không thể coi là giải pháp có lợi hoàn toàn.
Ở nước ta, đã có một thời gian thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng tràn lan trong rừng, làm mất rừng rất nhiều. Đóng góp năng lượng điện cho phát triển công nghiệp không nhiều, nhưng thiệt hại cho ứng phó với biến đổi khí hậu lại nhiều hơn do mất rừng. Chưa có ai tính toán cụ thể về lợi và hại bằng tiền do các thủy điện vừa và nhỏ tạo ra để quy về mức độ lãng phí. Chỉ có điều, chính sách dễ dãi đã cho phép các thủy điện vừa và nhỏ bung ra rất mạnh, mất rừng rất nhiều, rồi chính sách lại không ủng hộ kiểu phát triển thủy điện nhỏ và vừa nữa, rừng đã mất rồi cho các hồ thủy điện đã xây dựng khó mà khôi phục được.
Giải pháp ở đây cũng phải là thật cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành các chính sách có gắn với sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất điện.
Khi thủy điện không thể áp dụng đại trà thì sáng kiến sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để sản xuất điện lại tạo ra phương thức mới. Sau một thời gian triển khai, nhiều ý kiến đã cho rằng 2 cách sản xuất điện nói trên cũng gặp phải nhiều nhược điểm. Thứ nhất, 2 loại sản xuất điện này đều đòi hỏi phải sử dụng diện tích đất khá lớn, vì vậy cũng phải lựa chọn các địa điểm phù hợp. Điện gió thường được đưa tới các vùng đất cằn cỗi nơi đầu gió, còn điện mặt trời cũng hướng tới dạng áp mái tại các đô thị. Thứ hai, điện mặt trời luôn phải đối mặt với rác từ các tấm pin mặt trời rất nhiều, xử lý rác cũng đầy khó khăn.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng có chính sách mua điện gió và điện mặt trời giá cao để kích thích phát triển. Giá mua điện cao đến mức kích thích quá mạnh đối với việc xây dựng nhanh các nơi sản xuất điện gió và điện mặt trời. Giá mua điện từ năng lượng tái tạo cao làm cho nhà cung cấp điện EVN không dám mua, gây lãng phí lớn trong đầu tư các cơ sở sản xuất điện gió, điện mặt trời từ khu vực tư nhân. Một lần nữa, chúng ta lại thấy chính sách thiếu cân nhắc kỹ lưỡng gây ra lãng phí rất lớn vốn đầu tư.
Hiện nay, nhiều nước đang thực hiện sản xuất điện nhờ sóng biển và thủy triều. Năng lượng tái tạo từ biển đang hứa hẹn một tiềm năng mới ít nhược điểm hơn. Việt Nam chưa thử nghiệm loại sản xuất điện này.
Nhìn chung, mỗi cách sản xuất điện đều có ưu điểm và nhược điểm. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích để kích thích phát triển. Đôi khi chính sách ưu đãi để phát triển không phù hợp đã gây lãng phí quá lớn về vốn đầu tư hoặc lãng phí lớn tài nguyên thiên nhiên. Giải pháp ở đây là cần xác định rõ các nhược điểm của quy trình mới và việc xem xét các chính sách ưu đãi cần tính toán kỹ lưỡng, tỷ mỉ dựa trên bài toán "phân tích chi phí - lợi ích" (Cost - Benefit Analyses) của chính sách sẽ ban hành.
Sự thực, lãng phí là một hiện tượng cần phòng tránh triệt để nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu suất của mọi hoạt động. Để biết được lãng phí diễn ra như thế nào, người ta vẫn sử dụng hệ thống Giám sát và Đánh giá xây dựng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia: Mọi thông tin về các hoạt động được ghi nhận lại trung thực. Từ đó, có thể phân tích để đưa ra các kết luận về đánh giá hiệu quả và hiệu suất. Trên cơ sở kết quả đánh giá, người có thẩm quyền sẽ kết luận về những gì phải loại bỏ, phải sửa đổi, phải điều chỉnh hướng tới hiệu quả và hiệu suất cao nhất, tức là không còn lãng phí nữa./.