Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ dân thuộc diện GPMB
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đã tổ chức các buổi làm việc với chủ đầu tư, nhà đầu tư để xác định nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch triển khai thực hiện dự án trọng điểm năm 2023. Đồng thời hàng tháng họp chuyên đề xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); tổ chức họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2022.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ban, ngành được phân công theo dõi các dự án đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án năm 2022, triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, giải quyết các khó khăn vướng mắc về GPMB… thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh như: Dự án quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn, dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B, dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm.
Về công tác bồi thường, GPMB tại Lạng Sơn từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức được 439 cuộc với 6.498 lượt người tham dự với nội dung tuyên truyền, vận động, đối thoại, thuyết phục các hộ dân bị ảnh hưởng các dự án chấp hành đo đạc, kiểm đếm theo trình tự kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, tuyên truyền, thuyết phục người dân chấp hành bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Ngoài ra, các tổ công tác thực hiện các dự án thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện trình tự bồi thường, hỗ trợ đã kịp thời giải thích và tuyên truyền, đối thoại để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thực hiện dự án. 100% các phương án bồi thường, hỗ trợ đều được Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện chủ trì phối hợp cùng UBND, Ủy ban MTTQ cấp xã và các cơ quan liên quan tổ chức lấy ý kiến, niêm yết, công khai và đối thoại giải thích kiến nghị, thắc mắc cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng trước khi phê duyệt phương án.
Trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành cơ chế điều hành và danh sách 23 dự án để tập trung chỉ đạo, gồm 17 dự án chuyển tiếp đến năm 2021 sang 6 dự án mới có danh mục thực hiện trong năm 2022. Trong đó, có 5 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, 5 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và 13 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc 10 huyện thành phố. Các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tính kết nối cao, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong tổng số 23 dự án trọng điểm tính đến tháng 6/2022 còn 6 dự án và 1 hợp phần 3 chưa đủ điều kiện để triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB do đang thực hiện các thủ tục như: Chờ văn bản cho phép chuyển mục đích đất lúa (trên 10ha) của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục điều chỉnh, phê duyệt chủ trương đầu tư... (danh sách 6 dự án thể hiện tại Phục lục 3); UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB đối với 17 dự án còn lại theo quy định.
Đối thoại với dân để tuyên truyền, vận động, hạn chế khiếu kiện
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị trực tiếp thực hiện đã triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách đồng bộ, dễ hiểu, dễ tra cứu về từng bước công việc và thời gian thực hiện, tránh việc thực hiện thiếu trình tự, thủ tục quy định hoặc ngược quy trình đến khi làm thủ tục cưỡng chế thu hồi đất mới phát hiện ra. Đồng thời, việc này cũng làm cơ sở để các cơ quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thống nhất công tác GPMB trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án theo quy định. UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao các cơ quan tích cực liên hệ và tham vấn các cơ quan Trung ương như: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến giải quyết tháo gỡ khó khăn, trong quá trình thực hiện Kết luận thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với nội dung quy định giao đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình bị thu hồi từ 500m2 đất nông nghiệp theo các quyết định về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trước đây.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đúng đối tượng, tuyên truyền ngay từ bước đầu đối với người dân trong vùng dự án (sau khi có chủ trương thực hiện dự án, trước khi đo đạc kiểm đếm) để người dân hiểu rõ về chủ trương đầu tư, mục tiêu và lợi ích của các dự án mang lại, từ đó đồng tình ủng hộ, đồng thuận ngay từ ban đầu. Công tác tuyên truyền cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nội dung phải thống nhất theo Đề cương riêng của từng dự án do UBND cấp huyện (nơi có dự án xây dựng). Trong quá trình thực hiện GPMB dự án, cần tăng cường tổ chức đối thoại với người bị thu hồi đất để giải quyết tốt các thắc mắc, kiến nghị, giảm bớt đơn thư phải xử lý liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đặc biệt, đối với những dự án gặp nhiều vướng mắc, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp cần trực tiếp đối thoại để tuyên truyền, vận động người dân, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu về các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng tình ủng hộ, bàn giao mặt bằng; tránh gây bức xúc, hạn chế tối đa việc khiếu kiện trong nhân dân. Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của người dân đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, nhằm tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành việc thu hồi đất thực hiện dự án, hạn chế tối đa việc phải cưỡng chế thu hồi đất.
Cùng với đó, chủ động bố trí nguồn lực, đặc biệt là kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với các dự án phải giao đất tái định cư, cần bố trí quỹ đất tái định cư để sắp xếp cho người bị thu hồi đất đến ở. Đối với các chủ đầu tư ngoài ngân sách cần phải kiểm tra, rà soát kỹ về năng lực tài chính ngay từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện ký quỹ theo quy định, đồng thời phải bố trí kịp thời kinh phí bồi thường, GPMB. UBND cấp huyện phải thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, không để trường hợp đã thu hồi đất nhưng tiến độ triển khai dự án quá chậm gây dư luận không tốt, bức xúc trong nhân dân./.