Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Quá trình triển khai GPMB các công trình dự án trên địa bàn tỉnhLạng Sơn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu đất đai, quỹ đất tái định cư, quy hoạch các nghĩa trang tập trung để di dời mồ mả, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng… Những khó khăn đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư các công trình, dự án. Điển hình như công trình nâng cấp đoạn km 18 đến km 80 quốc lộ 4B đang thiếu chỉ tiêu đất giao thông; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18 hiện còn khoảng hơn 1 km chưa giải phóng xong mặt bằng do chưa bố trí đủ quỹ đất tái định cư; dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng và dự án cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh thiếu chỉ tiêu đất giao thông… Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách như dự án khu trung chuyển hàng hoá giai đoạn 2 hiện đang vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; dự án khu chế xuất vướng mắc trong việc chồng lấn với các dự án khác…
Nhận thấy rõ các các khó khăn, vướng mắc đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, ưu tiên việc tham mưu hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các huyện, điều hoà chỉ tiêu các loại đất giữa các huyện để bảo đảm chỉ tiêu đất thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, các sở, ngành và UBND các huyện cũng đã hoàn thành rà soát tình hình thực hiện các dự án khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường GPMB. Theo đó, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong năm 2023 và gần 2 tháng đầu năm 2024, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ 5 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 213 ha để thực hiện 5 dự án và 1 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ. Trong đó, có những dự án trọng điểm của tỉnh như dự án khu trung chuyển hàng hoá; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18 đoạn qua địa phận thành phố Lạng Sơn. Cùng đó, sở tiếp tục duy trì cơ chế họp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố để tham mưu UBND tỉnh rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB các dự án theo thẩm quyền định kỳ hằng tháng và đột xuất nhằm thúc đẩy tiến độ GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy giải GPMB
Cùng với việc các sở, ngành tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong GPMB, ngay từ những ngày đầu của năm 2024, UBND các huyện, thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp và có cách làm quyết liệt, bài bản hơn so với các năm trước để thúc đẩy GPMB các dự án.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc nhấn mạnh: Trong năm 2024, ngoài việc phải giải quyết dứt điểm những tồn tại về mặt bằng của các dự án đang thực hiện dở dang, huyện Cao Lộc còn thực hiện GPMB dự án mới rất lớn là dự án đầu tư tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng đoạn qua địa bàn huyện với 10 đơn vị cấp xã bị ảnh hưởng. Do đó, huyện đổi mới phương thức điều hành đối với công tác GPMB theo hướng tổ chức các cuộc họp chuyên đề theo từng dự án. Cùng đó, huyện tập trung triển khai trước việc xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho các hộ bị ảnh hưởng, yêu cầu về xây dựng các khu tái định cư phải bảo đảm thuận lợi về giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Đồng thời, huyện tăng cường nhân lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, thành lập các tổ công tác thực hiện công tác đo đạc kiểm đếm bảo đảm chính xác ngay từ đầu.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong gần 2 tháng đầu năm 2024, huyện Cao Lộc đã thực hiện chi trả bồi thường cho 103 hộ gia đình với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 2,1 ha tại 7 lượt dự án. Được biết, trong năm 2024, huyện Cao Lộc thực hiện GPMB 32 dự án với diện tích thu hồi 566 ha của 4.923 hộ bị ảnh hưởng.
Tại huyện Lộc Bình, việc triển khai GPMB các dự án cũng được huyện thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Trong đó, huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên đề theo từng nhóm dự án để bảo đảm sự tập trung trong triển khai và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng các tổ chức đoàn thể và hệ thống chính trị trong công tác GPMB.
Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trong năm 2024, công tác GPMB được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả, các đơn vị chức năng trực tiếp thực hiện công tác GPMB luôn xác định không có ngày nghỉ, tăng cường kiểm tra số liệu tại thực địa và lắng nghe, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại từng hộ bị ảnh hưởng. Cùng đó, huyện cũng phát động đợt thi đua cao điểm 120 ngày đêm tăng tốc thực hiện GPMB các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình đã kiểm đếm được đất đai, vật kiến trúc của 206 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của 2 dự án với diện tích 7,2 ha, phê duyệt phương án bồi thường cho 269 trường hợp với tổng kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng, chi trả cho 63 trường hợp với tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng được 13,2 ha cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện, thành phố, trong tháng 1 và tháng 2/2024, các đơn vị đã thực hiện đo đạc kiểm đếm được hơn 700 hộ bị ảnh hưởng bởi 30 dự án, bàn giao mặt bằng được khoảng 25 ha cho các chủ đầu tư thực hiện công trình.
Với sự chủ động vào cuộc quyết liệt đối với công tác GPMB các dự án của các sở, ngành và các huyện, thành phố ngay từ những ngày đầu năm mới, tin tưởng công tác GPMB các dự án trong năm 2024 đáp ứng được yêu cầu đề ra. Qua đó, góp phần quan trọng để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.