Aa

Làng Thèn Pả nơi cực Bắc

Chủ Nhật, 19/11/2023 - 06:08

Thèn Pả trong tiếng địa phương có nghĩa là cánh đồng lớn. Nằm nép mình dưới chân cột cờ Lũng Cú là làng Thèn Pả, nơi sinh sống của những cư dân họ Vàng người H’Mông, họ đều là anh em trong một đại gia đình lớn.

Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) là vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, nơi có cột cờ đánh dấu chủ quyền cực Bắc của đất nước Việt Nam, điểm đến mà bất cứ người con đất Việt nào cũng mơ ước một lần được đặt chân đến. Nơi đây được ví như vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc, đón nắng, đón gió cho non nước bình yên. Vượt qua những cung đường đèo hiểm trở tới Lũng Cú, để đắm mình trong cảnh núi non hùng vĩ, trong bạt ngàn sắc hồng của hoa tam giác mạch nơi rừng đá biên cương Tổ quốc.

Mùa hoa tam giác mạch trên cánh đồng Thèn Pả.

Lũng Cú có 9 làng bản, nằm ở độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển. Bà con dân tộc ở Lũng Cú canh tác chủ yếu là nương rẫy, trồng cây tam giác mạch và làm lúa ở ruộng bậc thang. Đặc biệt, đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống, với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải thổ cẩm. Cuộc sống trên cao nguyên đá chỉ có mùa mưa và mùa khô, mùa nào cũng khắc nghiệt, khó khăn, vậy mà cuộc sống của người dân vẫn hạnh phúc bình dị trên đá núi trùng điệp, đá như rừng, bạt ngàn đá xám.

Thèn Pả trong tiếng địa phương có nghĩa là cánh đồng lớn. Nằm nép mình dưới chân cột cờ Lũng Cú là làng Thèn Pả, nơi sinh sống của những người dân họ Vàng người H’Mông, họ đều là anh em trong một đại gia đình đã sống cùng nhau từ lâu đời. Ngôi làng này còn giữ được hầu như nguyên vẹn nhiều nét truyền thống của người H’Mông như nếp sinh hoạt hay nhà trình tường với mái ngói âm dương. Làng Thèn Pả dưới chân núi Rồng có hai hồ nước ngọt được người dân địa phương gọi là Mắt Rồng quanh năm không bao giờ cạn. Hồ bên trái nằm gần thôn Lô Lô Chải, hồ bên phải nằm gần làng Thèn Pả.

Vào sáng sớm, thôn làng chìm trong lớp sương mù mờ ảo.

Vào sáng sớm, thôn làng chìm trong lớp sương mù mờ ảo. Người dân nơi đây được đánh thức bởi ánh nắng mặt trời, bởi tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới, thay vì tiếng còi xe đông đúc như ở thành phố. Cổng vào làng có hai hàng cây sa mộc cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sa mộc là loài cây thân gỗ, lá kim với thân thẳng tắp hình nón, cành ngang mọc thành tầng, chúng cũng là loài cây biểu tượng cho cao nguyên đá Đồng Văn bởi sức sống mãnh liệt.

Thèn Pả sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên riêng vào các mùa trong năm. Mùa xuân, sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa lê phủ lên triền núi, đường làng, trong vườn của người dân những mảng màu tươi sáng. Mùa hè là mùa của những nương ngô xanh mướt, ngắm hồ Mắt Rồng nước trong vắt. Đến mùa thu, những thửa ruộng bậc thang lúa chín tạo nên khung cảnh mùa vàng đầy chất thơ. Bước vào mùa đông, bản làng chìm trong sương mù vào sáng sớm.

Làng Thèn Pả làm homestay phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, những ngôi nhà trình tường truyền thống của người H’Mông làng Thèn Pả được tu sửa theo lối kiến trúc cũ, kết hợp làm homestay phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, người dân cũng phục vụ các món ăn đặc sản địa phương như thắng cố, lẩu gà đen, mèn mén… với mong muốn truyền tải những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông vùng địa đầu Tổ quốc đến du khách.

Hiện du khách đến tham quan Thèn Pả có thể nghỉ tại các phòng homestay của người dân bản địa với mức giá dao động 150.000 - 180.000 đồng một đêm. Trong làng có những người bản địa làm dịch vụ đưa khách đến các điểm du lịch như cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc… hoặc các bản, làng hoang sơ khác.

Làng Thèn Pả là nơi sinh sống của người H'Mông.

Người dân làng Thèn Pả.

Nhà đất trình tường với mái ngói âm dương.

Người dân làng Thèn Pả trong Ngày hội Đại đoàn kết.

Trang phục của người dân làng Thèn Pả.
Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang), vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, nơi có cột cờ đánh dấu chủ quyền cực Bắc của đất nước Việt Nam.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top