Aa

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham dự Hội nghị Singapore BCA

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Sáu, 04/09/2020 - 17:40

Sáng 4/9, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã thay mặt lãnh đạo Hiệp hội dự cuộc họp online Hội nghị Singapore BCA (Building & Construction Authority).

Hội nghị Singapore BCA (Building & Construction Authority) có chủ đề: Mô thức phát triển bất động sản hậu Covid-19, cơ hội và thách thức tại châu Á.

Theo đó, châu Á có vị trí địa lý thuận lợi với nhiều quốc gia đang phát triển nhanh và người dân khao khát vươn lên. Đây là những dấu hiệu tích cực cho hiện đại hoá và tăng trưởng bất động sản. Trong trung và dài hạn, đây được đánh giá là thị trường sôi động, không chỉ cạnh tranh trên phương diện kinh tế mà còn bền vững trên phương diện xã hội và môi trường. Tuy nhiên, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, thách thức về nguồn nhân lực, chậm ứng dụng công nghệ và sự đầu tư giữa các quốc gia đã làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của thị trường bất động sản hậu Covid-19.

Trước bối cảnh ấy, Hội nghị Singapore BCA với sự quy tụ những nhân vật trụ cột của ngành bất động sản trong khu vực đã chia sẻ mô thức mới trong phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng, những thách thức và giải pháp thực tế thời kỳ hậu Covid-19. Đây cũng là sự chia sẻ tư duy để động viên và truyền cảm hứng cho các bên liên quan trong lĩnh vực xây dựng về những cơ hội thị trường mới ở các quốc gia của mình, và mở đường cho hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ.

Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả từ Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và gần 1.000 khán giả online từ khắp châu Á.

Hình ảnh phiên họp trực tuyến

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thay mặt VNREA đã trình bày về: "Những thách thức do Covid-19 đối với các nhà phát triển và cơ hội - triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam".

Những thách thức mà các nhà phát triển phải đối mặt thời kỳ hậu Covid-19 được ông Bình chỉ ra bao gồm: (1) Kinh tế thế giới suy thoái tác động đến nền kinh tế Việt Nam; (2) Dự báo năm 2020 GDP Việt Nam tăng trưởng dương; (3) Thất nghiệp tăng và thu nhập giảm; (4) Cầu giảm do tâm lý và thu nhập giảm; (5) Thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn phải đóng cửa hoặc mở cửa mà doanh thu không bù được chi phí.

Đồng thời, Phó Chủ tịch VNREA cũng dẫn chứng khảo sát trên một trang điện tử uy tín cho thấy, bất động sản vẫn là kênh đáng để đầu tư nhất.

tiem nang bat dong san
Bất động sản vẫn là kênh đáng để đầu tư nhất

Trước hàng loạt thách thức mà các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt, Phó Chủ tịch VNREA đưa ra những giải pháp cụ thể, bao gồm giải pháp của Chính phủ và giải pháp của doanh nghiệp.

Về giải pháp của Chính phủ, đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; triển khai các gói hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân vốn vào cơ sở hạ tầng: đầu tư công, ODA, trái phiếu chính phủ, PPP; tìm kiếm nguồn vốn tạo quỹ hỗ trợ lãi suất cho phát triển nhà giá thấp; số hóa hệ thống thông tin đất đai, khai thông nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế.

Về giải pháp của doanh nghiệp, nhóm này sẽ cần có những chiến lược mới để vượt thách thức, hướng đến phát triển trong tương lai; tái cấu trúc doanh nghiệp, địa bàn, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số, đổi mới phương thức kinh doanh theo xu hướng online.

Bất động sản là 1 trong 3 lĩnh vực hấp dẫn, thu hút vốn FDI mạnh mẽ trong thời gian qua

Như nhiều chuyên gia đã phân tích, song song với thách thức vẫn là cơ hội và triển vọng cho thị trường khi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cũng như những tiềm năng còn chưa được khai phá hết trong lĩnh vực bất động sản. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu ra những cơ hội về thị trường. Thứ nhất là cơ hội của nền kinh tế mở với 17 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định EVFTA và CPTTP. Thứ hai, Việt Nam có môi trường đầu tư, hành lang pháp lý ngày càng cởi mở, thông thoáng, tạo động lực thu hút đầu tư.

Thứ ba là cơ hội về cung - cầu khi nhu cầu mua và đầu tư bất động sản của người dân vẫn còn lớn, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung lại đang sụt giảm, nhất là bất động sản nhà ở.

Thứ tư là cơ hội thị trường. Hoạt động xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đã và đang được đẩy mạnh (ví dụ: Giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành... đạt 9 tỷ USD), mở ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản. 

fdi vao bds 10 nam qua
FDI vào bất động sản trong 10 năm qua

Thêm vào đó, bất động sản là 1 trong 3 lĩnh vực hấp dẫn, thu hút vốn FDI mạnh mẽ trong thời gian qua và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2020, Singapore đã vươn lên thành quốc gia có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (năm 2019 chỉ xếp thứ 3). Một số doanh nghiệp của Singapore có hoạt động đầu tư tại Việt Nam có thể kể tới như: Temasek, Credit Suisse Limited (Singapore), Keppel Land, Sembcorp, Government of 0% Singapore Investment Corporation...

Cơ hội thứ năm được ông Bình nhắc tới là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho bất động sản Việt Nam, nhất là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, kho vận.

Ngoài ra, ông Bình cũng liệt kê những yếu tố cơ hội khác đang hiện hữu đối với thị trường bất động sản Việt Nam, đó là: Cơ cấu dân số và tăng trưởng GDP đầu người; Tiềm năng phát triển bất động sản: Đô thị hoá; Các doanh nghiệp bất động sản Singapore có lợi thế tài chính, công nghệ (xanh, thông minh), kinh nghiệm và sự hiểu biết thấu đáo về Việt Nam và thị trường bất động sản.

Đi sâu hơn, có 3 lĩnh vực bất động sản được đánh giá sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, bao gồm: Bất động sản công nghiệp, kho vận; Bất động sản nghỉ dưỡng với tiềm năng trung và dài hạn, thời điểm vàng để các doanh nghiệp Singapore M&A (hơn 3.000km đường bờ biển, nhiều cảnh quan, bãi tắm đẹp, sông núi cảnh quan nên thơ kỳ vỹ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đa dạng); Bất động sản nhà ở đang có nguồn cầu rất cao vì 68% là dân số trẻ.

Trên cơ sở các thách thức cũng như cơ hội song hành nêu trên, ông Đoàn Văn Bình khẳng định, bất động sản Việt Nam có tương lai tươi sáng về trung và dài hạn. Đồng thời, Việt Nam rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi 10 lý do chính: Thứ nhất, vị trí địa lý trong khu vực có nhiều thuận lợi về hàng hải và gần các thị trường lớn (90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam qua cảng biển). Thứ hai, tình hình chính trị ổn định. Thứ ba, nền kinh tế rất mở và phát triển ổn định. Thứ tư, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện. Thứ năm, cơ sở hạ tầng ngày một cải thiện.

Thứ sáu, 100 triệu dân ở cơ cấu vàng, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công cạnh tranh. Thứ bảy, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với nhu cầu lớn, sức mua tiềm năng cao. Thứ tám, bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm để mua bất động sản. Thứ chín, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia được người nước ngoài lựa chọn muốn đến du lịch, sống và làm việc. Và cuối cùng, khát vọng phát triển đất nước của người dân Việt Nam rất lớn.

Đây chính là thời điểm, thời cơ hợp lý để các nhà đầu tư quốc tế hướng dòng vốn tới khu vực được cho là tâm điểm của châu Á này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top