TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì tiếp đoàn. Cùng tham dự có ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam như CEO group, GP.Invest, Capital House.
Về phía Nhật Bản, trưởng đoàn đại diện là ông Shirahama Manabu, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp khác.
Mở đầu cuộc gặp mặt, TS Phan Hữu Thắng đã có những chia sẻ về sự ra đời và hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Đây là tổ chức quy tụ rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam; hàng ngàn hội viên môi giới bất động sản; các nhà quản lý vận hành toà nhà chung cư, văn phòng; bao gồm một số nhà tư vấn, định giá và luật sư. Lãnh đạo Hiệp hội là nguyên là các lãnh đạo bộ, ngành ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đều có liên quan đến việc hỗ trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hiện nay có hàng ngàn hội viên, đến từ tất cả các khu vực trong nước và thường xuyên tập hợp để trao đổi kinh nghiệm, liên doanh, liên kết. Đặc biệt, đã quy tụ được các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng lớn nhất của Việt Nam tham gia Hiệp hội như Vingroup, Sun Group, CEO Group, Viglacera, Đất Xanh,...
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thường xuyên tập trung phản biện các cơ chế chính sách của Chính phủ, Hiệp hội thường xuyên được các bộ, ngành mời tham gia trong quá trình soạn thảo các nghị định, bộ luật và cũng có góp ý với Chính phủ, Quốc hội để đưa ra những vấn đề phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam.
"Buổi gặp mặt hôm nay có đại diện một số doanh nghiệp bất động sản đã và đang có hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong phát triển dự án. Hy vọng các doanh nghiệp có thể tìm thấy nhiều tiếng nói chung để tiến tới hợp tác", ông Thắng cho hay.
Tham dự buổi gặp mặt, đại diện phía Nhật Bản nêu ý kiến: "Tại buổi làm việc này, phía Nhật Bản rất mong có thể trao đổi những thông tin với đoàn Việt Nam để có thể tìm thấy các dự án phù hợp, tiến tới hợp tác phát triển trong tương lai. Tham dự buổi gặp mặt, ngoài các doanh nghiệp chuyên về phát triển bất động sản, còn có các đại diện quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản. Chúng tôi muốn tìm hiểu những điều kiện phát triển dự án tại Việt Nam cùng những kỳ vọng tại thị trường Việt Nam để có thể đưa ra những hợp tác phát triển".
Ông Hidehisa Ikeda, đại diện của công ty Fujita chia sẻ, về mảng xây dựng: “Công ty chúng tôi có một số hoạt động xây dựng như trùng tu đường quốc lộ 5, xây dựng một số trường tiểu học, xây dựng các nhà máy của Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai các dự án liên quan đến khách sạn, chung cư tại TP. Hải Phòng. Theo nghị định 82 của Chính phủ cho phép xây dựng các khu đô thị trong khu công nghiệp, trong đó có các nhà ở xã hội, theo đó chúng tôi đang xem xét để phát triển dự án nhà ở nằm trong khu công nghiệp Đại An”.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ, phía Nhật Bản muốn ứng dụng những kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản vào cùng làm các dự án và phát triển đô thị với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại các doanh nghiệp đang hướng đến hai loại hình, thứ nhất là dự án tại trung tâm thành phố quy mô nhỏ, thứ hai là dự án quy mô lớn tại vùng ngoài thành các thành phố lớn. Loại hình các doanh nghiệp muốn phát triển là nhà ở và các loại hình dự án phức hợp.
Đối với dự án quy mô nhỏ khoảng từ 0,5 - 5ha, về điều kiện đất, doanh nghiệp Nhật Bản không muốn tham gia các dự án đang trong quá trình lập quy hoạch mà chỉ tham gia các dự án của các doanh nghiệp đã có quyền thực hiện dự án. Hình thức đầu tư là hợp tác giữa 2 đơn vị Nhật Bản và Việt Nam cùng lập kế hoạch để đầu tư. Với dự án phát triển quy mô lớn, vùng ven, phía Nhật Bản hướng đến dự án trên 6ha trở lên. Phía Nhật Bản sẽ tham gia một phần vốn để cùng phát triển.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch GP.Invest chia sẻ: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển. Bởi nguồn vốn vào bất động sản Việt Nam đang bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp đang cần huy động phát triển dự án. Tuy nhiên, khi các bạn vào thị trường Việt Nam cũng phải chú ý các vấn đề như thủ tục hành chính, pháp lý. Đặc biệt, yêu cầu của phía Nhật Bản là tập trung các dự án có quỹ đất sạch và rõ ràng về pháp lý là một yêu cầu khá khó. Mặt khác, khi đầu tư vào Việt Nam, phía Nhật Bản cần nói rõ ràng hơn về các lĩnh vực, kế hoạch, phương thức đầu tư…”
Cũng theo ông Hiệp, cách tốt nhất là phía Nhật Bản có thể tham gia đầu tư vào các dự án của các công ty không có đủ vốn tài chính để phát triển, hoặc có thể tham gia vào các dự án mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia một phần vốn.
Cũng chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Đông, Tổng Giám Đốc CEO group cho biết, Tập đoàn CEO cũng đang có nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực nổi bật của CEO Group. Hiện nay doanh nghiệp đang có nhiều hoạt động phát triển dự án tại Phú Quốc, Hạ Long, Sa Pa. Mục tiêu đến năm 2021 sẽ đạt 3.000 phòng khách sạn 4 và 5 sao. Với mảng phát triển đô thị, tập đoàn hướng đến phát triển các dự án bất động sản xanh và thông minh.
“Chúng tôi được biết Nhật Bản phát triển rất mạnh về các lĩnh vực này, vì vậy chúng tôi cũng có nhiều chuyến tham quan tới các đô thị thông minh của Nhật Bản. Chúng tôi đánh giá cao các đô thị đó và hy vọng tương lai sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong việc phát triển các đô thị xanh và thông minh”, ông Đông cho hay.
Nêu ý kiến tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Anh Tú, đại diện Tập đoàn Capital House chia sẻ: “Tập đoàn đang có hai dự án ở Quy Nhơn là chung cư cao cấp và nhà ở xã hội. Tập đoàn rất cởi mở trong việc góp vốn để phát triển dự án. Thời gian tới, tập đoàn cũng có nhiều hoạt động phát triển dự án ở các vùng lân cận Hà Nội và cả trong miền Nam. Tập đoàn cũng đã có những hợp tác đối với các tập đoàn của Nhật Bản trong thời gian qua. Tiêu chí của chúng tôi là phát triển các dự án xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng. Hy vọng trong tương lai sẽ có những hợp tác tiếp theo với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam”.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác của Nhật Bản và Việt Nam cũng giới thiệu về các lĩnh vực hoạt động kinh doanh riêng của công ty để hai bên có thể hiểu rõ hơn nếu tiến tới hợp tác trong tương lai.
Ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ: “Chúng tôi rất ngưỡng mộ các công trình mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng tại Việt Nam. Đó đều là những công trình có quy mô mang tầm vóc và thương hiệu của các bạn. Thông qua việc trao đổi hôm nay, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt được một phần những mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản".
Phân tích tiềm năng của ngành xây dựng - bất động sản Việt Nam, ông Chiến chỉ rõ, tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam chỉ mới có hơn 30%, theo đó triển vọng trong tương lai đầu tư về bất động sản là cực kỳ lớn. Thứ hai, bất động sản công nghiệp đang là một lĩnh vực nhiều cơ hội. Thứ ba, bất động sản nghỉ dưỡng với nhiều thế mạnh, trong tương lai cũng sẽ là một lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư. Thứ tư, lĩnh vực bất động sản xanh, thông minh đang là xu hướng mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang hướng tới. Ngoài ra, lĩnh vực tái phát triển đô thị cũng đang là một vấn đề nóng mà Chính phủ Việt Nam quan tâm, đặc biệt là cải tạo các chung cư cũ.
Ông Chiến nhấn mạnh: “Việc các bạn Nhật Bản muốn đầu tư các dự án đất sạch, đất đai rõ ràng tính pháp lý thì cơ hội tương đối khó. Theo đó, các bạn nên đồng hành cùng với các doanh nghiệp Việt Nam ngay từ đầu để hai bên cùng hiểu nhau mới có thể tiến tới hợp tác lâu dài”.
Tổng kết lại buổi gặp mặt, TS. Phan Hữu Thắng cho hay: “Hiện tại, cả hai bên đều mong muốn gặp nhau để tìm hiểu thông tin hướng tới hợp tác trong tương lai. Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hy vọng có thể là cấu nối và tạo điều kiện hết sức để hai bên có các buổi gặp mặt trong thời gian tới”.