Aa

Lãnh đạo ngân hàng SHB đang tính tới kế hoạch mua ngược lại toàn bộ nợ xấu

Thứ Ba, 24/04/2018 - 22:01

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cho biết sẽ đẩy mạnh cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân; hạn chế tối đa các khoản vay dài hạn để tránh nợ xấu; đưa nợ dưới chuẩn về “quá khứ”.

Hạn chế tối đa các khoản vay dài hạn

Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 23/4/2018, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch SHB cho biết, trong năm 2017, SHB đã hoàn tất việc sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel (VVF) vào ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng cả về vốn và quy mô hoạt động.

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 23/4/2018

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 23/4/2018

Ngoài ra, SHB cũng đã hoàn tất các thủ tục thành lập công ty tài chính SHBFC trực thuộc SHB, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đặt mục tiêu 5 năm tới lọt top 5 công ty tài chính tiêu dùng về dư nợ cho vay.

Năm 2018, SHB nâng mạnh chỉ tiêu chi trả cổ tức lên 10%, so với mức 7,5% thực hiện trong năm 2017.

Về tín dụng, SHB cho biết mục tiêu tăng trưởng bước đầu xác định tăng 15% so với số thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tập trung ưu tiên và không giới hạn tăng trưởng cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngân hàng định hướng đẩy mạnh cơ cấu lại danh mục tín dụng, nâng cao chất lượng tài sản nhằm tăng hiệu quả sinh lời; hạn chế tối đa/không cho vay đối với các khoản cho vay trung dài hạn, cho vay những nhóm ngành hàng có mức độ rủi ro cao và không có hiệu quả.

Ngân hàng cũng tiếp tục định hướng thúc đẩy hơn nữa dịch vụ bảo hiểm thông qua hợp tác Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), làm đối tác độc quyền phát triển bảo hiểm nhân thọ cho tập đoàn bảo hiểm nước ngoài có uy tín. Đây là một trong những yếu tố tạo gia tăng đột biến về thu dịch vụ của SHB năm 2017 cũng như dự báo tiếp tục trong 2018, theo gói hợp đồng chiến lược dài hạn đã kỳ kết với đối tác.

Về phát triển mạng lưới, SHB cho biết sẽ triển khai việc mở mới 5 chi nhánh (Sơn La, Vĩnh Long, Nam Định, Bình Thuận và Hải Dương) và 20 phòng giao dịch và các điểm bán hàng của SHBFC trên toàn quốc.

Cũng trong đại hội lần này, HĐQT đã trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập đối với ông Trần Ngọc Linh vì ông Linh đã có đơn xin từ nhiệm để tập trung chữa bệnh. Đồng thời, thông qua việc ông Thái Quốc Minh thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên độc lập của HĐQT để giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đồng thời bầu ông Trịnh Thanh Hải làm thành viên HĐQT độc lập ngân hàng SHB với 99,79% phiếu tán thành.

Trả nợ dưới chuẩn về “quá khứ”!

Trong phần thảo luận, nhiều cổ đông bày tỏ sự quan tâm, trăn trở của mình về nợ xấu – câu chuyện từ quá khứ nhưng đến nay SHB vẫn đang phải từng bước giải quyết. Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao nợ dưới chuẩn của SHB 2017 tăng mạnh?”.

Với câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: Nợ dưới chuẩn tăng là do khoản nợ trung và dài hạn trước kia của Habubank đến bây giờ trở thành nợ xấu. Ngoài ra, trong hoạt động tín dụng của ngân hàng chắc chắn sẽ phát sinh rủi ro, tuy nhiên SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro nên không đáng ngại.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển giải thích thêm: Tỷ lệ nợ xấu đúng là có tăng nhưng tăng không cao. Nợ xấu tăng một phần nguyên nhân là do theo quy định mới của NHNN, hiện nay những doanh nghiệp có nợ xấu ở các ngân hàng khác thì ngân hàng cũng phải đưa nợ của khách hàng đó vào nợ quá hạn tại ngân hàng mình. SHB cũng có những khách hàng ở SHB thì ở nhóm 1 nhưng ở ngân hàng khác lại là nợ xấu, nên SHB phải đưa khách hàng đó thành nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, trong thời gian tới Ban lãnh đạo đang tính tới kế hoạch mua ngược lại toàn bộ nợ xấu khi có cơ hội.

Trả lời câu hỏi "Vì sao quy mô của SHB thuộc top 5 mà lợi nhuận thì không lọt được vào trong nhóm này?"Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển bày tỏ: "Tôi là Chủ tịch cũng là cổ đông của ngân hàng, tôi thấy đây là điều tất cả cổ đông đều trăn trở và đó là một trăn trở rất đúng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, là trong mấy năm qua, SHB đã nhận sáp nhập Habubank và VVF, do đó, SHB phải cấu trúc lại các khoản nợ, cấu trúc lại hệ thống quản trị điều hành, trích lập dự phòng nên lợi nhuận ngân hàng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Tuy nhiên, một điều đáng mừng là chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng bền vững, đưa ra mục tiêu chiến lược, hiện đại hoá công nghệ, thuê một tập đoàn lớn trên thế giới để giúp phát triển công nghệ của ngân hàng và công ty tài chính, cấu trúc lại toàn bộ bộ máy, tinh gọn quy trình, thủ tục, cấu trúc, nâng cao thu nhập cho các nhân viên gắn với kết quả kinh doanh, hiện đại hoá sản phẩm tiện ích mang tính cạnh tranh cao, thúc đẩy mũi nhọn bán lẻ, chú trọng hợp tác với các tập đoàn tài chính, cùng với họ thực hiện, khai thác các nguồn vốn, đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp Việt Nam".

Tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của SHB đã đạt 286.010 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cuối năm 2016. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng mạnh, đạt 1.925 tỷ đồng, tăng tới 66,5% so với năm trước và vượt 10% kế hoạch.

SHB đặt mục tiêu lần đầu tiên đưa tổng tài sản vượt mốc 300.000 tỷ đồng, đạt 315.494 tỷ đồng trong năm 2018; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 250.617 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 223.822 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.050 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Trong năm 2018, SHB tiếp tục lên kế hoạch gia tăng năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ tăng lên 13.240 tỷ đồng. Tháng 3/2018, ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên hơn 12.036 tỷ đồng thông qua việc phát hành 83.927.010 cổ phiếu để trả cổ tức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top