Aa

Lãnh đạo Pusamcap Sa Pa: "Cú hích" cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Chủ Nhật, 22/04/2018 - 15:30

Đó là chia sẻ của bà Bùi Tú Phương, Giám đốc khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Sa Pa - Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa khi chia sẻ với Reatimes về hành trình "tìm đường lên núi" phát triển bất động sản nghỉ dưỡng và những ảnh hưởng của Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam đối với thị trường này.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang "rời biển lên núi"

PV: Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng những năm vừa qua?

Bà Bùi Tú Phương: Nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam thời gian qua tăng lên một cách nhanh chóng do sự phát triển về kinh tế, du lịch cũng như các yếu tố về địa lý, an ninh và văn hóa - xã hội. Khi thu nhập tăng lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư hấp dẫn bên cạnh kênh đầu tư chứng khoán và vàng. Do đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về tỷ suất sinh lời và nghỉ dưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng đang dần chiếm được ưu thế so với các kênh đầu tư khác.

PV: Thời gian gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có sự chuyển mình đầy bất ngờ từ biển lên núi. Phải chăng, việc đầu tư xây dựng Dự án Silk Path Grand  Resort & Spa tại Sa Pa là sự thức thời của chủ đầu tư?

Bà Bùi Tú Phương: Trong 5 năm gần đây, thị trường nghỉ dưỡng biển tại một số thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết… đã phát triển mạnh đến mức chậm lại, nhường chỗ cho sự đi lên của những thị trường bất động sản mới nổi, đó là các khu vực sắp trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hay bất động sản nghỉ dưỡng núi Sa Pa, Hòa Bình, Ba Vì...

Đặc biệt, thị trường đã có sự chuyển hướng sang đầu tư bất động sản trên vùng núi với các dự án được mệnh danh “đi tắt, đón đầu” tại các địa danh như Bà Nà (Đà Nẵng ), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai… với mức vốn đầu tư "khủng" lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài Sa Pa, còn rất nhiều nhà đầu tư khác đang tham gia khảo sát và tìm cơ hội đầu tư ở những vùng đất mới như Ninh Bình, Tam Đảo (Vĩnh Phúc),…

Nhận thấy tiềm năng du lịch vùng núi đang chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả do chi phí đầu tư vào thị trường này thường cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với chi phí đầu tư ở khu vực khác, Pusamcap Sa Pa đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư, phát triển Khu nghỉ dưỡng Silk Path, có thể nói là sự “đón đầu”  xu hướng “rời biển về núi” của doanh nghiệp với mong muốn mang đến cho du khách một khu nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất giữa lòng Sa Pa.

PV: Lựa chọn hướng đi này, Pusamcap Sa Pa xác định sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào trong quá trình đầu tư xây dựng?

Bà Bùi Tú Phương: Khu nghỉ dưỡng 5 sao – Silk Path Grand SaPa Resort & Spa được khởi công từ tháng 4/2015 và hoàn thành cuối năm 2017 với sự nỗ lực của hàng nghìn con người bao gồm các nhà quản lý, kiến trúc sư giỏi, công nhân có kỹ thuật lành nghề và hơn 100 nhà thầu thi công, cung cấp các trang thiết bị phục vụ công tác xây dựng khách sạn.

Trong quá trình thi công gặp nhiều trở ngại do đặc thù về thời tiết (sương mù, lạnh, mưa nhiều), địa hình đồi núi, đường xá chật hẹp, gần khu trung tâm nên việc vận chuyển vật tư vật liệu vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, thời điểm xây dựng dự án năm 2017, do sự biến đổi khí hậu thất thường, lũ quét thường xuyên xảy ra khiến các con đường vận chuyển vật tư đến công trường bị sạt lở, thi công bị gián đoạn, chi phí về nhân công và vật tư cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Ngoài ra nguồn nhân lực địa phương không đáp ứng được do đa số là người dân tộc, trình độ thấp nên các nhà thầu phải huy động thêm các công nhân lành nghề từ TP.HCM, Hà Nội và các khu vực lân cận để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng công trình. Vì vậy, cho đến khi dự án hoàn thành vào đầu năm 2018, chi phí đầu tư xây dựng tăng đáng kể, chủ đầu tư đã phải nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án.

Cú hích cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

PV: Được biết, trong Lễ trao giải Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 diễn ra vào tối 14/4, Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa được xướng tên ở hạng mục “Dự án khu nghỉ dưỡng tốt nhất”. Theo bà, Giải thưởng lần này nói chung, hạng mục này nói riêng có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới?

Bà Bùi Tú Phương: Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cũng như Hạng mục “Dự án khu nghỉ dưỡng tốt nhất” có thể nói là một "cú hích" cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng có thêm động lực, mục tiêu để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các hạng mục của Giải thưởng như một sự khuyến khích, động viên và định hướng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng, phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực quốc tế; tạo ra xu hướng “xanh - sạch - đẹp” trong đầu tư phát triển các dự án bất động sản, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao. Với tiêu chí này, khi bắt tay lên phương án thiết kế dự án, chúng tôi luôn hướng tới việc sử dụng các vật liệu vừa thân thiện với môi trường như mây tre…, vừa mang đậm dấu ấn văn hóa vùng cao như ruộng bậc thang, hoa văn thổ cẩm… để đưa vào ý tưởng xây dựng và trang trí nội thất.

Riêng đối với Khách sạn Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa, thông điệp “con đường tơ lụa Sa Pa” còn được gửi gắm qua ý tưởng ruộng bậc thang ở Sa Pa mềm mại uốn lượn theo núi rừng Tây Bắc, mùa lúa chín vàng đẹp như mơ hay biển mây bồng bềnh ôm lấy đỉnh Fansipang thơ mộng như những dải lụa mềm.

PV: Có thể hiểu tên tiếng Việt của dự án là “Con đường tơ lụa Sa Pa” – bà có thể chia sẻ về ý tưởng đặt tên này?

Bà Bùi Tú Phương: Tên dự án này bắt đầu từ khách sạn 4 sao đầu tiên của Pusamcap nằm trên phố cổ Hàng Bông, là dãy phố nối tiếp Hàng Gai nổi tiếng bán tơ lụa của Hà Nội xưa cũng như hiện nay. Silk Path Hotel cũng là khách sạn 4 sao đầu tiên  tại phố cổ Hà Nội.

Tập đoàn Silk Path Hotels and Resorts có 3 thương hiệu là Silk Path Boutique (Khách sạn theo dạng boutique nhỏ nhưng vẫn sang trọng), Silk Path Hotel (Khách sạn 4 sao) và Silk Path Grand (Khách san 5 sao theo dòng resort nghỉ dưỡng).

Riêng Khách sạn Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa, thông điệp “con đường tơ lụa Sa Pa” còn được gửi gắm qua ý tưởng ruộng bậc thang ở Sa Pa mềm mại uốn lượn theo núi rừng Tây Bắc, mùa lúa chín vàng đẹp như mơ hay biển mây bồng bềnh ôm lấy đỉnh Fansipang thơ mộng như những dải lụa mềm.

Mặt khác chúng tôi mong muốn sự đầu tư của chúng tôi tại Sa Pa sẽ đóng góp một phần trong việc quảng bá và phát triển mạnh mẽ hình ảnh du lịch cho các tỉnh vùng núi phía Tây Bắc, mang lại nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nơi đây.

PV: Hiện nay cũng có khá nhiều chủ đầu tư “tìm đường lên núi” để đầu tư. Trong bối cảnh đó, Pusamcap Sa Pa có chiến lược phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng của mình như thế nào đặc biệt là dự án Silk Path Grand Sa Pa Resort and Spa để tạo dấu ấn khác biệt?

Bà Bùi Tú Phương: Ngoài việc đầu tư về chất lượng dịch vụ, chúng tôi hướng đến sự phát triển bền vững thông qua các dịch vụ du lịch sang trọng nhưng vẫn giữ bản sắc vùng miền, lưu giữ những nét đẹp và văn hóa truyền thống của địa phương thông qua cách sử dụng vật liệu trong trang trí nội thất, dịch vụ trong khách sạn (spa truyền thống bằng nước lá của người Dao), các món ăn truyền thống của địa phương cũng được các đầu bếp nghiên cứu, thử nghiệm để đưa vào thực đơn cho du khách thưởng thức.

PV: Bà có thể chia sẻ kế hoạch phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng núi của Pusamcap Sa Pa trong những năm tới? Nhất là sau khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển đang có dấu hiệu bão hòa?

Bà Bùi Tú Phương: Trong kế hoạch đầu tư xây dựng và mở rộng khách sạn Silkpath Grand Sa Pa Resort & Spa giai đoạn 2, chúng tôi tập trung xây dựng mở rộng khu vui chơi giải trí đồng bộ. Ngoài ra du khách lưu trú tại khách sạn sẽ được chúng tôi giới thiệu các tour nhỏ đi tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như: làng nghề dệt thổ cẩm, trạm khắc bạc,…

Đầu tư, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng núi đúng là một “sân chơi” không dành cho đa số chủ đầu tư. Do vậy, khi đã bỏ tâm huyết, tiền bạc và công sức để cho “ra đời’ một “đứa con tinh thần”, chúng tôi sẽ phải có được những đường hướng phát triển cụ thể, bài bản, đảm bảo sản phẩm của mình luôn là lựa chọn của khách hàng, nhất là sau khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển – nơi vốn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách gần đây đang được cảnh báo có dấu hiệu bão hòa.

Theo đó, trong chiến lược đầu tư, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng núi từ nay cho đến sau này, chúng tôi sẽ bám sát các chính sách về đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương nơi có dự án triển khai; Lựa trọn vị trí khác biệt để đầu tư dự án, đáp ứng các tiêu chí “Hoang sơ, mới lạ, thuận tiện giao thông…”; Nắm bắt được xu hướng của thị trường để có thể đáp ứng tối đa các nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định chất lượng của dự án là nền tảng của sự thành công, đơn vị quản lý vận  hành và khai thác sau khi đưa dự án vào hoạt động phải chuyên nghiệp.

- Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top