Tham gia tiếp đại diện của Cơ quan Phát triển Công hòa Pháp AFD cùng Chủ tịch Nguyễn Trần Nam có ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA và một số đại diện doanh nghiệp bất động sản Việt Nam gồm Tập đoàn Capital House, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc khang, Tập đoàn CEO.
Phía Cơ quan Phát triển Công hòa Pháp AFD có ông Fabrice Juquois, Trưởng đoàn Năng lượng AFD, Paris.
Tại buổi làm việc, ông Fabrice Juquois trình bày về PEEB và đề cương Chương trình Nhà ở EELE và Cơ chế tài chính cho các chương trình nhà ở xanh.
Ông cho rằng Việt Nam đang có nhiều chiến lược phát triển nhà ở và cần thêm nhiều chương trình để tiết kiệm năng lượng cho phân khúc này.
“Chúng tôi cung cấp tín dụng xanh để hỗ trợ chính phủ về xây dựng xanh, kể cả với phân khúc nhà ở giá rẻ. Khoản vay này sẽ cho người dân vay trong 15 năm, chủ đầu tư được vay từ 3 - 5 năm. Tôi cũng hi vọng có một hội thảo quốc gia vào cuối năm nay để chia sẻ về chương trình và chính sách phát triển công trình xanh. Đồng thời, cũng học được những kinh nghiệm về phát triển công trình xanh của cả chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian trước đây, cũng như rút ra được các rào cản”, ông Fabrice Juquois chia sẻ.
Đại diện đoàn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho hay việc phái đoàn giúp Bộ Xây dựng rà soát các hành lang pháp lý cùng với chia sẻ ý kiến với doanh nghiệp về bất động sản xanh là một hành động rất tốt. Nguồn vốn bổ trợ vào Việt Nam vào thời điểm này là rất đúng lúc bởi Chính phủ Việt Nam đang có một vài động thái siết tín dụng vào thị trường bất động sản. Hơn nữa, Hiệp Hội cũng đã mở một cuộc tập huấn cho phóng viên báo chí về công trình xanh. Theo đó, vào thời điểm này, nhận thức của doanh nghiệp bất động sản, của người dân về công trình xanh đã tốt hơn, việc ý thức xây dựng xanh, mua bán sản phẩm bất động sản xanh đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đang gặp khó khăn xong doanh nghiệp Việt Nam vẫn có ý thức và trách nhiệm về phát triển công trình xanh, họ vẫn đã và đang làm ra các công trình tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải hoàn toàn là ở doanh nghiệp mà còn là ý thức của người mua”.
Trước câu hỏi đánh giá năng lực của doanh nghiệp về thực hiện công trình xanh, Chủ tịch Nam cho rằng, năng lực nhà thầu Việt Nam về xây dựng, kiến trúc rất tốt. Việt Nam đã xây dựng nhiều toà nhà cao tầng, đáp ứng tiêu chí tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cần phải giải quyết: Thứ nhất, thế nào là công trình xanh. Thứ hai là vốn vào công trình xanh ra sao. Theo đó, ông Nam cho rằng, công trình xanh phải đạt tiêu chuẩn xây dựng 09 của Bộ Xây Dựng hoặc là đạt các tiêu chuẩn quốc tế như LEED.
“Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ cho người mua vay nên lớn hơn tỷ lệ cho chủ đầu tư vay. Đặc biệt, việc lựa chọn các doanh nghiệp vay, đoàn nên tham khảo qua ý kiến của Hiệp hội Bất động sản”, ông Nam cho hay.
Ông Fabrice Juquois cũng cho rằng, yêu cầu phái đoàn đưa ra là quy chuẩn xây dựng công trình theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Mục tiêu của chúng tôi với tiêu chuẩn đầu tiên là thấp sau đó nâng lên các tiêu chuẩn xanh, buộc doanh nghiệp và thị trường phải thực hiện để tốt hơn.
Chương trình toàn cầu về Hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà (PEEB) là một sáng kiến chung của hai chính phủ Đức và Pháp, được khởi động tại COP 22 ở Marakech và được xúc tiến bởi Liên minh Toàn cầu về Xây dựng và Công trình Xây dựng (GABC), trong vai trò là chương trình đầu tiên được thực hiện nhằm hỗ trợ triển khai lộ trình "hướng tới các công trình xây dựng bền vững và phát thải thấp" tại năm nước thành viên của Chương trình là Mexico, Maroc, Senegal, Tunisia và Việt Nam. PEEB là một Chương trình hợp tác giữa Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME) được thiết kế để hỗ trợ các nước đối tác hoàn thành các mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong các công trình xây dựng, đồng thời hỗ trợ khởi động thực hiện NDC trong ngành xây dựng trên quy mô quốc gia và toàn cầu. |