Aa

Lành mạnh hóa hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Thứ Bảy, 20/10/2018 - 21:00

Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh tăng cường xử lý nghiêm theo quy định đối với những quý tín dụng nhân dân (QTDND) có vi phạm, đặc biệt là những vi phạm về quản trị, điều hành, cấp tín dụng.

Sau khi ban hành Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) - văn bản quy phạm pháp luật được giới chuyên môn đánh giá tích cực về đổi mới cơ chế quản lý đối với QTDND nâng cao năng lực quản trị, tự chịu trách nhiệm của từng QTDND, đảm bảo ổn định của hệ thống - mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND thể hiện quyết tâm lành mạnh hóa hệ thống QTDND trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nói trong thời gian qua, sự phát triển của hệ thống QTDND góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay vẫn còn tồn tại một số yếu kém, hạn chế dẫn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động thấp, tiềm ẩn rủi ro làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung.

Do vậy, nhằm tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống, đảm bảo cho các QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN với những yêu cầu cụ thể chi tiết đối với hệ thống QTDND; đặc biệt yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc các QTDND phải thực hiện nghiêm túc, tăng cường hoạt động thanh tra giám sát cũng như vai trò quản lý của NHNN chi nhánh các tỉnh đối với hệ thống này. Đồng thời trong Chỉ thị cũng đưa ra một số cảnh báo một số các hành vi vi phạm pháp luật để các QTDND có biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống.

Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tập trung xử lý các QTDND yếu kém không có khả năng cơ cấu lại bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc bằng một số biện pháp khác trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Thống đốc đã yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát hoàn thiện cơ chế xử lý đối với QTDND yếu kém trong đó có cơ chế hỗ trợ NHTM khi tự nguyện tham gia xử lý QTDND yếu kém. Trước mắt, chưa thực hiện việc cấp phép thành lập mới tại những địa phương đang thực hiện sắp xếp cơ cấu lại các QTDND.

Đối với chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu phải giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các QTDND trên địa bàn. Đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị điều hành…

Để đảm bảo tính răn đe, giảm thiểu hành vi vi phạm, tại Chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh tăng cường xử lý nghiêm theo quy định đối với những QTDND có vi phạm đặc biệt là những vi phạm về quản trị, điều hành, cấp tín dụng.

“Xử lý kiên quyết, áp dụng các hình phạt cao nhất theo quy định các vi phạm tái diễn hoặc vi phạm chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu hình sự và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng khác trong quá trình thu hẹp dần địa bàn hoạt động, kiểm soát đặc biệt và xử lý pháp nhân đối với QTDND”, là những biện pháp mà NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố được thực hiện tại Chỉ thị 06.

Thống đốc yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc QTDND, Trưởng Ban kiểm soát cần quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại QTDND, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi, vi phạm pháp luật trong hoạt động một cách có hiệu quả. Thống đốc cũng yêu cầu các QTDND đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, nhất là chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo khả năng chi trả, khả năng thanh toán. Bộ máy quản trị điều hành phải được kiện toàn để đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật trong hoạt động.

Một giải pháp được yêu cầu trong thời gian tới đối với QTDND là tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo để nâng cao kiến thức nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát QTDND. Đảm bảo đến hết tháng 6/2019, tất cả người quản lý, người điều hành… của QTDND theo quy định của NHNN phải được đào tạo, đào tạo lại theo chương trình đào tạo chuẩn hóa do NHNN ban hành.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế - tài chính, yêu cầu trên là cần thiết. Vì QTDND hoạt động trên mô hình hợp tác xã, sở hữu tập thể. Theo đó, các thành viên góp vốn thành lập, gửi tiết kiệm vào quỹ và cho vay lại các thành viên với mục đích tương trợ để có vốn sản xuất, kinh doanh… trong phạm vi tương đối hẹp và tương đối đặc thù ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi hệ thống ngân hàng chưa bao phủ hết. Chính vì vậy, rủi ro trong hoạt động của QTDND không chỉ xuất phát từ người cho vay mà còn xuất phát từ những thành viên, hội viên tham gia vào quỹ đó.

Theo giới chuyên môn, việc tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của QTDND là rất cần thiết vừa phát huy hiệu quả của tổ chức này nhưng đồng thời kiểm soát rủi ro có thể phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động chung của hệ thống.

Theo LS. Trương Thanh Đức hoạt động của hệ thống này cần phải được công khai, minh bạch. Điều đó đòi hỏi hoạt động của hệ thống QTDND phải thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và quy định của pháp luật hiện hành. Về phía cơ quan quản lý là NHNN chi nhánh các tỉnh thành, cần hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều hành của QTDND, đặc biệt là hệ thống kiểm toán nội bộ, đảm bảo người quản lý điều hành quỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực và trình độ theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top