Cần khôi phục niềm tin cho thị trường trái phiếu
Ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Tại Hội thảo, một trong những nội dung được nhắc đến nhiều nhất đó là vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhìn chung toàn thị trường, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm trong thời gian qua. Cụ thể, quý 1 đạt 134,8 nghìn tỷ đồng; quý 2 đạt 122,4 nghìn tỷ đồng; quý 3 đạt 65,9 nghìn tỷ đồng; tháng 10 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng; tháng 11 đạt 1,8 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 12/2022, thị trường có khoảng 42,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong năm 2023, khối lượng đáo hạn cả năm là 282,167 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 1/2023, dự kiến đến hạn 35,9 nghìn tỷ đồng.
Trước thực tế này, hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.
Với số liệu trên, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán đánh giá, thị trường trái phiếu thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý, cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư...
“Thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn. Thực tế, tại cuộc họp với Bộ Tài chính ngày 23/11/2022, các doanh nghiệp và công ty chứng khoán cũng nhận định thanh khoản là một trong các vấn đề chính dẫn đến khó khăn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”, bà Phương nhấn mạnh.
Phát biểu về vấn đề trái phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng bày tỏ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khá khó khăn. Lượng trái phiếu phát hành mới gần như bị đóng băng trong 2 tháng gần nhất với giá trị lần lượt chỉ ở mức 6,8 nghìn tỷ đồng và 1,8 nghìn tỷ đồng.
Trái lại, vì lo lắng pháp lý, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp lại tăng mạnh. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm đến 25/11/2022 đạt 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.
Ông Thuân cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Điển hình nhất là việc tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường tài chính bởi loạt sự kiện vi phạm trái phiếu.
Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực đáo hạn, mua lại trước hạn lớn. Điều này khiến nghĩa vụ nợ trái phiếu cũng như nợ xấu ngân hàng dễ dàng bị vi phạm. Hơn nữa, với môi trường lãi suất cao và các kênh vốn bị thắt chặt, đầu tư khối tư nhân liên tục giảm sút.
Để giải quyết các vấn đề và hướng tới khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân đã đưa ra 4 giải pháp ngắn hạn, cấp thiết.
Thứ nhất, có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao. Trong đó, cơ quan quản lý tích cực rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao. Khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý.
Thứ hai, nhóm doanh nghiệp yếu phải chuẩn bị phương án hoặc tự tái cấu trúc nợ sớm nhất có thể. Riêng với trường hợp vi phạm cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục và quyết toán nghĩa vụ nợ. Muốn làm được điều này, vai trò của tòa án nên cần phát huy hơn nữa.
Thứ ba, nếu trái phiếu được bảo lãnh bởi ngân hàng, các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hoãn lại. Cơ quan quản lý nên theo hướng thoáng hơn, tức không hạn chế mục đích sử dụng vốn theo chương trình dự án và bỏ yêu cầu kiểm toán mục đích sử dụng vốn.
Thứ tư, đẩy nhanh quá trình phê duyệt trái phiếu phát hành ra đại chúng khi hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Đồng thời, nhà phát hành muốn giải quyết hồ sơ nhanh cũng nên thuộc nhóm doanh nghiệp niêm yết, có xếp hạng tín nhiệm ở mức cao, áp dụng nhiều cơ chế hậu kiểm lớn.
“Đây là các giải pháp trong ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn, tôi cho rằng Nghị quyết 65 đã giải quyết được cơ bản các vấn đề của thị trường. Mặt khác, Nghị quyết 65 cũng đã đi đúng hướng theo quy chuẩn quốc tế”, ông Thuân chia sẻ.
Bổ sung thêm một số giải pháp, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề nghị, về lâu dài, cơ quan quản lý phải tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. Mặt khác, đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần được phát triển mạnh hơn. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí...).
“Các tổ chức này có đủ nguồn lực cũng như kiến thức tài chính để có thể phân tích thị trường một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên những căn cứ khoa học”, ông Lực nói.
Sau khi nghe các kiến nghị, giải pháp, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận để thị trường phát triển đúng nghĩa thì cần sự đồng lòng của tất cả các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, trách nhiệm quan trọng hơn cả phải thuộc về các doanh nghiệp phát hành.
“Thị trường đang thiếu đi niềm tin vào các tổ chức phát hành. Do đó, bản thân doanh nghiệp phát hành có thể không cần minh bạch với thị trường nhưng cần minh bạch với nhà đầu tư. Để làm được vậy thì họ phải tự thuê kiểm toán độc lập, phải xếp hạng tín nhiệm… Khi niềm tin trở lại thì thị trường cũng tự khôi phục”, ông Chi nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn... Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Hỗ trợ tích cực thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh hoá
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng bàn luận sâu về những khó khăn mà thị trường bất động sản đang gặp phải, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp thị trường phục hồi, phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) nhận định, tổng quát thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Theo đó, vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở, mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng…
Đại diện HOREA cho rằng, những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay sẽ giúp lành mạnh hoá thị trường nhưng cũng cần đi đôi với hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.
Gần đây, Chính phủ cũng thực hiện loạt các chính sách, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường nói chung bao gồm cả thị trường bất động sản. Đơn cử như ngày 10/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2%. Hay trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản gồm: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở".
Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đang khẩn trương xem xét ban hành 2 Nghị định theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định gồm có Dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng" và Dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai", đi đôi với sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng và các Tổ công tác khác khẩn trương vào cuộc để nắm tình hình nhằm tháo gỡ nhanh vướng mắc của thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây không phải là để "giải cứu" thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững./.