Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW) và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, từ tháng 11/2018, UBND tỉnh đã cho phép được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án thủy điện nêu trên vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai. Dự kiến, ngày 15/4/2019 một công ty và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ, báo cáo bổ sung 2 dự án thủy điện vào Quy hoạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc đề xuất bổ sung 2 dự án thủy điện có tổng công suất chỉ 100MW trên sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Có thể nói, thời gian qua các thủy điện đua nhau mọc lên đã “băm nát” dòng sông, làm thay đổi dòng chảy và tác động lớn đến đời sống người dân phía dưới hạ du. Cùng với đó, những năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ thủy điện xả nước khiến nhiều người chết và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Liên quan đến việc đề xuất, bổ sung 2 dự án thủy điện trên của tỉnh Lào Cai, PGS.TS Đào Trọng Tứ – Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) chia sẻ với PV Reatimes: “Không nên xây dựng vì có nhiều lý do, sông suối đang bị chặn ngang chặn dọc bây giờ lại bị chia cắt tiếp, dòng chảy, hạ nguồn, phù sa,... bị tác động mạnh lắm chứ không ít”.
Được biết, sông Hồng có ba nhánh lớn là Nhánh sông Đà – Nhánh sông Hồng - Nhánh sông Lô. Nhánh sông Đà đã khai thác triệt để từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, Lai Châu rất nhiều thủy điện lớn nhỏ. Việc xây thủy điện trên sông Hồng, cách đây 3-4 năm, Công ty Xuân Thành đề nghị xây 6 thủy điện bậc thang Tiến sĩ Đào Trọng Tứ đã từng nói tuyệt đối không xây thủy điện trên sông Hồng. Bởi vì, nhánh sông Hồng là nhánh giữa, dòng chính của sông Hồng vì địa mạo, địa chất không phù hợp xây thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật có thể xây được hết nhưng tác động môi trường rất lớn.
Bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại về việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện trên với báo chí, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết: “Sông Hồng 60% ở Việt Nam còn lại Trung Quốc, Lào. Bên Trung Quốc phát triển rất nhiều thủy điện tác động đến nước ta. Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về sông Hồng với tình trạng hiện nay không nên xây nhà máy thủy điện nào sông Hồng”.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, việc Lào Cai đề xuất xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện trên để có thêm 100MW là không hợp lý, phá hoại thiên nhiên môi trường, sông suối bị “chặn ngang, chặn dọc” sẽ phá nát dòng sông, ảnh hưởng hạ du. “Vấn đề xây dựng thủy điện nên tránh ra đi, bây giờ sông suối xây dựng quá nhiều, những vị trí tiềm năng thủy điện lớn xây hết rồi. Năm 2013, Quốc hội cũng đã cho dừng lại một loạt dự án thủy điện”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng nghìn con sông lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng. Gắn liền với sông ngòi là nguồn tài nguyên vô giá: nước và nguồn thủy sinh, ngoài việc cung cấp cho hoạt động sinh kế của cư dân còn là phương tiện giao thông thủy quan trọng. Cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác quá mức, trong đó có tài nguyên nước.
Việc phát triển thủy điện dày đặc, chặn dòng chảy của hầu hết các dòng sông, mặc dù đem lại nguồn điện lớn cho phát triển kinh tế nhưng sự phát triển quá ồ ạt đã để lại những hậu quả lớn đối với đối với thiên nhiên và con người. Sự biến đổi dòng chảy tự nhiên, gia tăng nguy cơ lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa kiệt do vận hành không tuân thủ các quy trình của các nhà máy thủy điện đã xảy ra và gây bức xúc cho xã hội. Các sông oằn mình gánh quá nhiều thủy điện làm cho làm cho môi trường các lưu vực sông biến dạng.
“Việc xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện để bổ sung chỉ 100MW là không hợp lý. Tổng lượng điện Việt Nam hiện nay 45.000MW thì 100MW đóng góp bao nhiêu. Tự nhiên phá tan dòng sông chỉ vì 100MW điện là rất vô lý. Chẳng qua xây thủy điện để có thêm nguồn kinh phí địa phương”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Ngoài ra, PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng bày tỏ sự lo ngại khi xây thủy điện, ngoài việc khai thác điện bán thì trong quá trình xây hồ chứa nước doanh nghiệp sẽ nạo vét khai thác khoáng sản, khai thác cát.
Trước đó, liên quan đến đề xuất của xây dựng “siêu dự án” đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, ông Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam từng nhận định rằng, việc xây dựng 6 đập thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều tác động khác nhau, không chỉ gây mất cân bằng nguồn nước mà còn liên quan đến tình trạng xói lở ven bờ, thay đổi và suy kiệt nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven sông …
“Về mặt hiệu quả kinh tế dự án tôi không đánh giá sâu, nhưng về mặt môi trường thì dự án này chắc chắn sẽ tác động ghê gớm chứ không nhỏ”, ông Kinh nhắc lại.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.
Trước đó, thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 8 DATĐ bậc thang (655 MW bao gồm: thủy điện Pa Ma - 80 MW, Huổi Tạo - 180 MW, Sông Giằng - 60 MW, Đức Xuyên - 58MW, Đồng Nai 6 - 135 MW, Đồng Nai 6A - 106 MW, Tà Lài - 20 MW, Ngọc Định - 16 MW) và 463 DATĐ nhỏ (1.404,68 MW), không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng (349,61MW). |