Aa

Lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Năm, 21/09/2023 - 14:45

Sáng 21/9, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị của Chính phủ lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang-Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội-đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở báo cáo rà soát, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội liên quan, Tổ công tác đã tổng hợp, phân loại thành 24 phụ lục tương ứng với 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Các lĩnh vực rà soát nêu trên gồm 22 lĩnh vực trọng tâm, 01 lĩnh vực pháp luật khác, và 01 lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị.

Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 455 văn bản, gồm 61 luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ gồm 3 phần: Quá trình tổ chức thực hiện; kết quả rà soát; nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất, kiến nghị.

Dự thảo Báo cáo nêu rõ, trên cơ sở kết quả công việc đã được triển khai thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu bổ sung đề xuất xử lý ngay những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Đối với những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo bất cập chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024 thì tùy từng mức độ và yêu cầu để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 hoặc năm 2025.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ thì các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Trường hợp các kết quả rà soát về các lĩnh vực còn chưa thống nhất ý kiến giữa các cơ quan rà soát, kiến nghị và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước, giao các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu đối với kết quả rà soát các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Trường hợp xác định nội dung rà soát không chính xác, bất cập, vướng mắc không phải do quy định của pháp luật thì chủ động có hướng dẫn cho các bộ, ngành khác và địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với những vấn đề tiếp tục chưa thống nhất ý kiến thì chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Các bộ, ngành phải nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo và chủ động thực hiện các đề xuất, kiến nghị đã nêu trong báo cáo; đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình hoàn thiện Báo cáo khi được yêu cầu; tiếp thu, giải trình các vấn đề có liên quan sau khi có ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Các địa phương tổ chức thực hiện nghiên túc, hiệu quả việc thi hành pháp luật, tránh trường hợp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật dẫn đến cách hiểu quy định của pháp luật có bất cập, vướng mắc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, đầy đủ dù việc rà soát lần này là việc khó do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao Tổ công tác, trong thời gian ngắn đã rà soát một khối lượng lớn văn bản để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp được đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, khơi thông điểm nghẽn.

Các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành trong rà soát; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật ban hành.

Các địa phương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án tăng cường cán bộ pháp chế cho các địa phương; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương về xây dựng thể chế và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng thể chế.

Các địa phương cũng phản ánh những bất cập liên quan đến đấu giá tài sản, đăng ký kinh doanh, gia hạn hoạt động của dự án đầu tư, sử dụng không gian ngầm, xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ….

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, đầy đủ dù việc rà soát lần này là việc khó do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, lại được thực hiện trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá cao những ý kiến phát biểu góp ý tâm huyết, sát với thực tiễn đối với dự thảo Báo cáo tại Hội Nghị, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý chi tiết, trực tiếp vào dự thảo Báo cáo đến hết ngày hôm nay (21/9) để Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý chi tiết, trực tiếp vào dự thảo Báo cáo đến hết ngày hôm nay (21/9) để Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện - Ảnh: VGP/Hải Minh

Căn cứ vào nội dung dự thảo Báo cáo, các bộ, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng để giải trình trước Quốc hội những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của mình; chủ động sửa đổi, bổ sung, hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay trong quý 4/2023 những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành.

Đối với những nội dung liên quan đến luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng những nội dung nào thuộc chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023-2024 thì các bộ, ngành lựa chọn đưa vào, còn những nội dung chưa có thì đề xuất điều chỉnh ngay trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời về những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm sớm đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong xã hội. 

Bên cạnh những nội dung rà soát trong Báo cáo, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top