Nói đến địa danh này, không mấy người Việt Nam lại không biết đó là nơi gắn với một vụ án oan thảm khốc bậc nhất trong lịch sử nước Việt. Vụ tru di ba họ nhà đại công thần của cuộc kháng chiến chống quân Minh: Nguyễn Trãi.
Thế nhưng Lệ Chi Viên ở đâu, thì thật ra rất nhiều người lại không biết rõ, hoặc rất lơ mơ. Nhiều người cho rằng nó đâu đó gần mạn Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ẩn cư khi trí sĩ từ quan. Nhưng thực tế địa danh có tên nôm là “Vườn vải” này, lại ở một nơi mà khá nhiều người bất ngờ: Đó là hành cung của các vua được xây dựng từ triều nhà Trần trên đất xã Đại Lai thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Hành cung này nằm cạnh đê sông Đuống - Thiên Đức, cách núi Thiên Thai khoảng 3km theo đường đê xuôi. Và cách Côn Sơn khoảng trên dưới 30km theo đường sông.
Ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông sau khi đi tuần miền Đông và duyệt quân ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn rồi về hành cung Lệ Chi Viên nghỉ tại đây hôm đó, cùng với nữ quan Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vốn là vợ của Nguyễn Trãi. Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Nguyễn Thị Lộ bị bọn gian thần trong cung vốn ganh ghét sẵn vu cho tội giết vua để nhân đó giết luôn vị Khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Theo sử sách chép lại thì có tới 400 người trong ba họ nhà Ức Trai tiên sinh phải rơi đầu. Riêng người vợ lẽ tài hoa Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, bị nhốt cũi dìm xuống sông…
Sau vụ án oan thảm khốc như vậy, hành cung Lệ Chi Viên dần bị quên lãng. Có lẽ chẳng vị quân vương nào muốn đến ở cái nơi đã từng xảy ra một sự kiện bi thảm nhường vậy. Dù cho sau đó không lâu, vị vua anh minh bậc nhất triều Lê, đức vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo - Ức Trai tâm sáng tựa sao Khuê”! Nhà cửa nơi đây dần tiêu điều đổ nát, vườn vải tàn lụi và đi vào quên lãng.
Câu chuyện vụ án oan Lệ Chi Viên, sau một độ lùi của thời gian và không gian, giờ đây chúng ta dùng con mắt khoa học biện chứng nhìn vào soi xét thì thấy cái chết của ông vua trẻ Lê Thái Tông (năm đó 20 tuổi) cũng không có gì bí hiểm lắm. Ngài vốn là một tay phong tình, chắc chắn đã từng tòm tem với bà vợ lẽ văn hay chữ tốt đẹp người của quan đại thần Nguyễn Trãi: Nàng chẳng được phong là Lễ nghi học sĩ - một chức quan dạy dỗ các cung nữ trong triều, vào ở hẳn trong cung để ngày đêm hầu cận cạnh vua đó sao. Việc này lịch sử còn ghi lại đầy đủ.
Sau một chuyến tuần du lênh đênh sống nước dài ngày, lại diễn ngay một đêm truy hoan cùng người đàn bà đang rực lửa xuân (năm đó nàng Thị Lộ 42 tuổi). Nhà vua trẻ nhưng ẻo lả đã bị chứng “thượng mã phong” mà nay y học gọi là đột tử, chết ngay trên bụng người đẹp. Câu chuyện thực chất chỉ có thế, là một cái tai nạn “giường chiếu” vốn thường xảy ra xưa nay, với khá nhiều các đấng mày râu.
Nhưng vấn đề là lúc đó trong triều chính nhà Lê rất phức tạp. Chia bè kéo cánh năm bảy mối. Rất nhiều kẻ tham quan ô lại sẵn lòng căm ghét ông quan thanh liêm Ức Trai tiên sinh, luôn lên án và ngăn cản chúng bóp nặn dân lành. Cái chết của ông vua Lê Thái Tông là cái cớ bằng vàng cho chúng chớp lấy, đổ cho Nguyễn Trãi tội giết vua mưu phản cướp ngôi. Thế là tru di tam tộc!
Ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy đám hôn quan vô lại kia thật trơ trẽn, đại nghịch vô đạo khi đổ tiếng ác cho một vị trung thần. Dám chắc rằng ngay lúc đó dân tình Đại Việt và những vị quan có lương tri cũng thừa hiểu đó là án oan: Làm sao một vị quan văn trói gà không chặt, già yếu (năm đó Nguyễn Trãi đã 62 tuổi), trong tay không có quân quyền mà lại dám lập mưu thoán đoạt cho được? Thế nhưng trước sức mạnh của cường quyền bạo ngược khi đó, họ cũng đành nuốt nước mắt thầm khóc thương người trung nghĩa mà thôi.
Có một truyền thuyết trong dân gian vùng quanh núi Thiên Thai nói rằng, ngay chính bọn hôn quan dựng nên vụ án này cũng sợ hãi. Nên thay vì hành hình vào giữa trưa như thông lệ với phạm nhân, chúng đã ra lệnh giết 400 nhân mạng ba họ nhà Nguyễn Trãi vào lúc nhập nhoạng tối ngày 16/8 âm lịch, lúc trăng vừa lên. Bởi thế người ta nói rằng, trăng hôm đó ở núi Thiên Thai, Lệ Chi Viên… hình nhuốm máu người vô tội, đỏ màu máu. Người viết bài này vốn không tin lắm vào truyền thuyết này, thế nhưng nhiều năm nay, cứ đến 16/8 âm lịch là chiều tối lại đi về núi Thiên Thai ngắm trăng. Quả thật đỏ một màu tang tóc rùng rợn vào lúc đó.
Nhưng chính bọn giết người khi ấy cũng run sợ. Chúng thừa biết là không gì có thể che giấu mãi dưới ánh mặt trời. Chúng đã sai bọn văn nô bồi bút viết ra câu chuyện về con rắn báo oán để hòng chạy tội. Nhưng lịch sử rất công minh. Và nhân dân càng thông minh hơn hết thảy những cái đầu u tối vì tham lam của chúng. Nhân dân nước Việt đã ghi lại tất cả. Công và tội rõ ràng. Anh hùng giúp nước được hương khói ngàn năm. Kẻ tội đồ cũng ngàn năm sau dân vẫn còn nguyền rủa!
Ngày nay, sau gần sáu trăm năm vụ án oan xảy ra, dân Đại Lai và những người yêu quý danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc Ức Trai tiên sinh, đã gom góp tiền của dựng lại trên mảnh đất Lệ Chi Viên xưa nơi thờ tự. Dựng tượng cặp tình nhân oan khuất thiên thu bất diệt Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ. Xây hồ bán nguyệt, cấy trong đó giống sen nhị sắc rất đặc biệt của vùng này. Và trồng lại những cây vải xanh tươi quả trái ngọt lành. Những mong linh hồn những con người chết oan uổng dưới lưỡi đao tàn bạo của lũ tham quan ô lại được mát mẻ nơi chín suối…