Aa

Lên phương án tháo dỡ chùa Cầu 400 tuổi ở Hội An

Thứ Tư, 17/08/2016 - 13:30

Sau 7 lần đại trùng tu, Chùa Cầu 400 tuổi - Biểu tượng của kiến trúc di sản văn hóa Hội An - đang có nguy cơ sụp đổ.

Ngày 16/8 tại Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế “Trùng tu chùa Cầu - quan điểm và giải pháp" với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản.

Di sản oằn mình chịu lũ

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh, Chùa Cầu đã trải qua 7 đợt tu bổ lớn, nhưng hiện di tích này đang xuống cấp trầm trọng. Hằng ngày, Chùa Cầu phải đón tiếp trung bình 4.000 lượt khách. Dưới cầu là sự chuyển biến của dòng chảy Khe Ồ Ồ và môi trường ẩm ướt của sông nước

Những tác động này khiến các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu mục rỗng, hư hỏng…

Hơn nữa, chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, vị trí này có dòng nước chảy rất mạnh, nên mỗi khi có lũ lụt càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích.

Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, tên chữ tại di tích là Lai Viễn Kiều, tức là cầu của những người bạn từ phương xa đến, tên cầu do Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719. Chùa Cầu dài 20,4m, rộng 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ.  Chùa Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới.

Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hiện kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng chịu được trọng tải của thân cầu trong điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, bị mục cần gia cố, thay thế. Đặc biệt, một số đầu và cuối các bộ phận kết cấu hoặc đầu cột và chân cột bị nứt và mục. Các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn. Kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy xuất hiện một số vùng không đủ khả năng làm việc an toàn trong điều kiện bất lợi và có dấu hiệu nguy hiểm. Một số kết cấu dầm thép được thay thế đã bị gỉ và đứt gãy…

Trùng tu thế nào?

Việc trùng tu chùa Cầu đứng trước khó khăn, nếu không cẩn thận sẽ biến chùa Cầu thành di tích mang lối kiến trúc của thế kỷ XXI.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, việc bảo quản, sửa chữa di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau: Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành của công trình; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch nội dung vốn có của di tích lịch sử; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là sử dụng vật liệu, chất liệu mới.

Việc trùng tu cần phải theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hại nặng rồi phục dựng. Không nên kéo dài dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng.

GS-TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN nêu quan điểm: “Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mọi mặt, nhất là về phương diện kiến trúc. Tiếp đó nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc lúc nào không hay”.

“Phải đối xử với Chùa Cầu như một di sản văn hóa có giá trị, cần tính đến chuyện chấm dứt công năng giao thông của cây cầu và trước khi tu sửa nên làm cầu thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân” - Ông Giang nói thêm.

Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, tên chữ tại di tích là Lai Viễn Kiều, tức là cầu của những người bạn từ phương xa đến, tên cầu do Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719. Chùa Cầu dài 20,4m, rộng 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ.

Chùa Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top