Trong trận bão vừa qua, rất nhiều người đi xe máy đã bị hất đổ giữa đường Phạm Hùng khu vực trước tòa tháp cao nhất Hà Nội Keangnam. Không chỉ ở gần các tòa tháp như Keangnam, Lotte (Đào Tấn), khi đi qua những tòa chung cư như M3 – M4 (Nguyễn Chí Thanh), Udic (Trung Hòa)... hay một số chung cư khác, nhiều người cho biết cảm giác như gió thôi bay cả người và xe, cố gắng lắm mới không đổ nhào xuống đường. Ngày gió to đã thế còn ngày mưa bão thì đổ xe là chuyện không lạ ở các đoạn đường cạnh các tòa nhà này.
Trong các thành phố lớn, khi đến gần những tòa cao ốc thường bị những cơn gió mạnh không biết từ đâu thổi đến. Những cơn gió bên cạnh các cao ốc không những rất to, mà chúng thường đến một cách bất ngờ, nó chẳng màng đến thời tiết hôm nay có gió hướng nào, đôi lúc chúng đến từ khắp bốn phía. Không những thế, có lúc những cơn gió có thể thồi từ trên tầng sân thượng xuống dưới mặt đất, cũng có lúc lại từ mặt đất thổi lên trên.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến những cơn gió bên những tòa cao ốc này không thổi theo một quy luật nào, chủ yếu là vì các luồng không khí trong quá trình chuyển động đã bị tòa nhà cao tầng này cản trở, khiến chúng phải chuyển hướng.
Còn một nguyên nhân khác là do những luồng không khí có tốc độ di chuyển chậm, trong lúc len lỏi vào những khoảng trống của các tòa nhà, tốc độ di chuyển bổng tăng lên.
Vì vậy những cơn gió đi ra từ những khoảng trống của các tòa nhà cao ngất bao giờ cũng lớn hơn những nơi khác. Nhưng cơn gió mạnh nổi lên từ các hẻm núi, các eo biển cũng từ do nguyên nhân trên dẫn tới.
Những ngày mưa to, gió lớn, chúng ta nên hạn chế đi qua khu vực cạnh các tòa nhà cao tầng để giảm bớt sự nguy hiểm.