Hàng năm cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương , hành trình về một miền đất phật . Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh .
Hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP.
Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.
Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng, của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hêt tháng 3 âm lịch.
Năm 2017, Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 2/2/2017) với chủ đề "Lễ hội Kỷ cương – Văn minh du lịch".
Lễ hội chùa Hương bao gồm những gì?
Phần lễ: thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ" thờ bà chúa Thượng Nàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền.
Phần hội: Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian khi vào hội, Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn. Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập.
Thông tin mới nhất về Lễ hội chùa Hương 2017
Thông tin đáng chú ý nhất của Lễ hội chùa Hương 2017 chính là việc thay đổi trong mức giá vé thắng cảnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức và cũng đồng thời là Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017, vé thắng cảnh cho toàn di tích (gồm 21 di tích) sẽ tăng từ 49.000 đồng lên 78.000 đồng đối với vé thường và từ 24.000 đồng lên 38.000 đồng đối với vé ưu đãi. Ngoài ra, khách tham quan sẽ phải cộng thêm 2.000 đồng tiền phí bảo hiểm trong vé thắng cảnh. Cùng với đó, vé đò tuyến Hương tích tại Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ là 50.000 đồng.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ không cho phép bất cứ một thuyền, đò nào hoạt động nếu không trang bị các phao cứu sinh. Cùng với đó, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc hoạt động của các xuồng máy. Các xuống máy chỉ hoạt động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, và không được tiến hành chở khách.
Đường đi chùa Hương
Bạn có thể chọn đi ô tô, xe máy hoặc sinh viên có thể đi xe buýt. Có 2 con đường có thể đi từ Hà Nội.
Thứ nhất, theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương.
Hai là theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Tuy nhiên, đường này chỉ dành cho ô tô, nếu bạn đi xe máy thì nên chọn cách thứ nhất hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn xe bus làm phương tiện di chuyển đến chùa Hương.
Về vấn đề di chuyển, khách tham quan Lễ hội chùa Hương 2017 có thể sẽ bớt lo lắng hơn về vấn đề tắc đường khi đường từ huyện đến chùa đã được mở rộng đến 19m.
Một số kinh nghiệm đi chùa Hương
Để đi được hết các đền chùa ở đây, bạn phải mất tới 2 ngày mới có thể khám phá hết. Nếu đi trong ngày bạn nên thăm đền Trình, chùa Thiên Trù, và động Hương Tích. Đây là những ngôi chùa chính và linh thiêng nhất. Bạn có thể leo núi hoặc với hệ thống cáp treo hiện đại sẽ giúp bạn di chuyển nhanh chóng hơn.
Giá vé cáp treo chùa Hương áp dụng cho lễ hội những năm gần đây cũng không có nhiều thay đổi. Cụ thể, giá vé cáp treo dành cho người lớn và trẻ em khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé; một chiều lần lượt là là 90.000đ/vé và 60.000đ/vé. Trong đó, trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Dọc đường từ bến đò cho đến động Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng phục vụ với thực đơn khá hợp lý cho bạn lựa chọn, tuy nhiên hãy khảo giá trước để tránh bị chặt chém nếu vào mùa lễ hội và lựa chọn nhà hàng hợp lý nhất.
Khi đi lễ chùa Hương, đồ cúng lễ nên gọn gàng và bạn nên chuẩn bị sẵn từ nhà mang đi để tiết kiệm thời gian và chi phí.