Tính từ nửa cuối năm 2016 và đầu năm 2017, việc góp vốn liên doanh giữa các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều.
Trả lời phỏng vấn trên trang DealStreetAsia, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh BĐS cho rằng việc các công ty nước ngoài mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp địa phương dưới hình thức liên doanh, liên kết là con đường để giúp các công này “đặt chân” vào thị trường BĐS Việt Nam một cách dễ dàng, đồng thời tránh được việc hàng loạt các quỹ đầu tư tư nhân phải đóng cửa hay đi đến phá sản.
"Hình thức góp vốn kinh doanh này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn vốn cổ phần tư nhân. Nếu nhìn vào dòng tiền đổ vào từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì hình thức này còn phổ biến hơn rất nhiều”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành của Savills Việt Nam nói.
Theo ghi nhận của CBRE, trong 4 thương vụ sáp nhập và mua lại gần đây nhất thì đã có tới 3 thương vụ là liên doanh giữa công ty nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Giao dịch đình đám nhất là việc Tập đoàn Nam Long bắt tay hợp tác với hai công ty Nhật Bản gồm Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad trong dự án Mizuki Park tại TP.HCM có tổng giá trị đầu tư lên đến 348 triệu USD, trong đó, Nam Long sở hữu 50% cổ phần của dự án.
Tiếp theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Kỹ thuật hạ tầng TP.HCM đã thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh với một công ty BĐS đến từ Hồng Kông có tên là Hồng Kông Land với tổng giá trị hợp tác là 115 triệu USD.
Tương tự, trong dự án Manor Central Park trị giá 290 triệu USD, Công ty Cổ phần Bitexco và Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản đã cùng nhau bắt tay thành lập liên doanh.
Chỉ có một giao dịch đầu tư tư nhân duy nhất trong nửa đầu năm 2017 đó là lần hợp tác thứ hai của Sơn Kim Land và EXS Capital. Theo đó, hai “ông lớn” này đã hoàn tất việc huy động vốn đầu tư từ thị trường quốc tế trị giá 100 triệu USD, trong đó có 46 triệu đã được giải ngân.
Ngoài ra, trong tháng trước, thị trường BĐS Việt Nam cũng đã chứng kiến thỏa thuận hợp tác giữa Indochina Capital Việt Nam và công ty phát triển không gian làm việc chung có tên là Toong.
Cũng theo Savills, các hợp đồng liên doanh trên khu vực đất nền cũng khá sôi động trong thời gian đầu năm trở lại đây, trong đó chủ yếu là những thương vụ mua bán của các doanh nghiệp Nhật Bản như việc mua lại 70% quyền sở hữu tòa nhà văn phòng A&B tại trung tâm nội thành TP.HCM; Misubishi Estates mua lại hạng mục văn phòng của của dự án Le Meridien - Tiến Phước hay AEON Mall hoàn tất việc mua lại khu đất có diện tích 95.000 m2 tại Hà Nội từ Tập đoàn BMI.
Trong 2 năm trở lại đây, tính đến cuối năm 2016, các hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư vốn cổ phần tư nhân diễn ra khá sôi động, chủ yếu thống qua các quỹ đầu tư.
Năm 2015, Gaw Capital đã thành lập quỹ riêng Gaw NP Capital Vietnam Fund 1 LP, đồng thời mua lại một danh mục đầu tư của Indochina Capital có tổng giá trị 106 triệu USD. Một năm sau, Indochina Capital và Tập đoàn Kajima của Nhật Bản đã cho ra đời quỹ đầu tư tư nhân trị giá 1 tỉ USD. Tiếp theo đó là hai cái bắt tay hợp tác trị giá hàng tỷ đô nữa giữa Warburg Pincus và VinaCapital hay giữa Sunwah và Saigon Asset Management.
Theo CBRE, mặc dù các quỹ tư nhân này vẫn hoạt động khá tích cực trên thị trường nhưng hình thức hợp tác liên doanh, liên kết vẫn là con đường tiến vào thị trường Việt Nam được nhiều nhà đầu tư BĐS ưa thích.
“Điều này không chỉ gỡ khó cho các dự án trong việc tìm nguồn vốn cung ứng mà còn đảm bảo cho tiến độ các dự án được trôi chảy”, CBRE nhấn mạnh.
Trong thời gian từ giờ đến cuối năm 2017, Savills dự báo các giao dịch, hợp tác đầu tư sẽ vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nhất là các thương vụ liên doanh, liên kết. “Các giao dịch sẽ tiếp tục sôi động cho đến hết năm. Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều bài báo cáo nhằm giúp ích cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đang là thị trường rất hấp dẫn”, ông Griffiths nói.