Theo công bố mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc thì hiện đang có hàng trăm triệu trẻ em và người lớn tại các đô thị ở châu Á đang phải hứng chịu hậu quả của hội chứng suy dinh dưỡng. Ngay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tốc đô thị hóa nhanh nhất toàn cầu, hiện đang chiếm đến 50% trên tổng số 821 triệu người chịu suy dinh dưỡng trên thế giới. Tình trạng này sẽ không thể nào được cải thiện nếu các nhà quy hoạch đô thị không hướng đến việc phát triển bền vững ngay lúc này.
Trích bản báo cáo của FAO: "Các nỗ lực tiêu diệt nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu đã chậm lại đáng kể trong vòng vài năm trở lại đây. Ở châu Á, do càng ngày có nhiều gia đình nghèo chuyển từ nông thông lên thành phố sống nên tỷ lệ suy dinh dưỡng trong dân vì thế cũng tăng mạnh theo".
Số người chịu nạn đói trên toàn cầu năm 2017 đã tăng. Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ số này tăng, trong khi kế hoạch của Liên Hợp Quốc là tìm cách xóa bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030.
Ngược lại, cứ 1 trong 8 người lớn ở các thành phố châu Á - Thái Bình Dương đang bị béo phì do tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu muối, mỡ và đường. Việc cả tỷ lệ suy dinh dưỡng và béo phì tăng cao đều có một phần là do quá trình đô thị hóa, và Trung Quốc lẫn Ấn Độ - hai quốc gia đô thị hóa nhanh nhất đô thị - đều đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của suy dinh dưỡng và béo phì. Theo bản báo cáo của FAO thì:
"Nếu việc kiểm soát đô thị hóa không được làm tốt, tình trạng béo phì lẫn suy dinh dưỡng đều sẽ còn tăng mạnh. Đã đến lúc các thành phố nghĩ đến việc quy hoạch lại theo hướng bền vững về mặt dinh dưỡng hơn".
Vấn đề thực phẩm khó khăn nhất là ở các khu ổ chuột. Có đến 1/3 số dân đô thị trên toàn cầu đang sống tại những khu ổ chuột, không được tiếp cận với các dịch vụ công liên quan đến y tế và an toàn lương thực - thực phẩm. Đặc biệt là ở các đô thị tại Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, người dân nghèo đang phải dựa vào thực phẩm cung cấp từ những khu chợ nhỏ không đảm bảo cả về mặt an toàn lẫn dinh dưỡng.
Việc đầu tiên để giải quyết vấn đề trên mà các nhà quy hoạch đô thị có thể làm là thiết kế lại hệ thống đường bộ, chợ, nhà ở, bệnh viện,v.v... sao cho người dân tại các khu "ổ chuột" có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các dự án đưa nước sạch và điện về những khu vực này cũng phả được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu, cùng với việc cải tạo môi trường.