Cư dân đua nhau “hất cẳng” Ban quản lý cũ
Diễn ra từ năm 2016 nhưng đến thời điểm này, những mâu thuẫn trong việc tranh chấp quyền quản trị chung cư tại tòa CT3 Lê Đức Thọ do Công ty C’land làm chủ đầu tư vẫn không hạ nhiệt.
Thời gian đầu, căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư xoay quanh vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, bàn giao hồ sơ nhà chung cư. Thế nhưng đến nay, chuyện cũ chưa xong thì cư dân chung cư này lại “bốc hỏa” khi chủ đầu tư khẳng định, 2 tầng hầm để xe là thuộc sở hữu riêng của doanh nghiệp.
Sau nhiều lần đối thoại qua lại không giải quyết được vấn đề, quá bế tắc trong cách giải quyết, mới đây, đại diện BQT chung cư CT3 Lê Đức Thọ đã có đơn kêu cứu gửi UBND TP. Hà Nội, các cấp có thẩm quyền đề nghị vào cuộc giải quyết những vấn đề bức xúc kéo dài đang xảy ra tại chung cư này do chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định của pháp luật.
Mẫu thuẫn giữ chủ đầu tư và cư dân ngày càng phức tạp. Theo ông Tạ Văn Giang, Trưởng BQT chung cư CT3 Lê Đức Thọ, ngày 18/6/2017, BQT chung cư đã tổ chức buổi bàn giao công tác quản lý vận hành cho Công ty TNHH quản lý tòa nhà Việt (Công ty Vietbuildings) theo hợp đồng.
Tuy nhiên, phía C’land không hợp tác, thậm chí bố trí nhân viên cản trở việc bàn giao, dẫn đến tình trạng tòa nhà đang tồn tại hai đơn vị vận hành (một đơn vị được BQT ký hợp đồng theo ủy quyền của cư dân và đơn vị khác của chủ đầu tư đã bị cư dân biểu quyết thay thế).
Ngoài việc không chịu bàn giao công tác quản lý vận hành tòa nhà, theo ông Giang, chủ đầu tư còn đang xâm phạm quyền sở hữu chung đối với hai tầng hầm B1 và B2 của cư dân.
Đáng chú ý, trước căng thẳng giữa chủ đầu tư và cư dân, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã 2 lần có văn bản đốc thúc chủ đầu tư là Công ty C’land bàn giao quyền quản trị tòa nhà cho Ban quản trị. Tuy nhiên, phía C’land vẫn cố tình "phớt lờ".
“Việc tồn tại hai đơn vị quản lý vận hành như hiện nay gây ra nhiều bức xúc, lo lắng cho đông đảo cư dân. Nếu để kéo dài tình trạng hai đơn vị quản lý vận hành tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ như hiện nay thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đó là mất an ninh, an toàn, cháy nổ, tính mạng tài sản của cư dân bị xâm hại... thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, đại diện BQT nhấn mạnh.
Một dự án khác cũng nằm trong tình trạng tương tự, đó là chung cư C14 Tố Hữu - Trung Văn của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Bắc Hà.
Bà Đặng Kim Ngân, Trưởng ban BQT C14 cho biết, BQT được thành lập ngày 18/4/2017, được UBND quận Nam Từ Liêm công nhận qua Quyết định số 2385/QĐ-UBND.
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Thông tư số 02/2016/TT-BXD thì sau khi tòa nhà đi vào hoạt động 12 tháng, chủ đầu tư phải bàn giao công tác quản lý cho BQT tòa nhà. Về phía chủ đầu tư, đơn vị này cũng có Công văn số 086/2016/BH-BQL gửi tới các hộ dân với nội dung thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà do Công ty Friendly từ ngày 31/7/2016 và bàn giao cho BQT quản lý.
Tuy nhiên, đến nay đã tròn 1 năm, dưới sự hậu thuẫn của chủ đầu tư, Công ty Friendly vẫn là đơn vị quản lý, vận hành. Điều khiến các cư dân bức xúc là thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của đơn vị quản lý, công tác vận hành tòa nhà trở nên hỗn loạn, lộn xộn.
Hiện, theo phản ánh của các cư dân, tình trạng mất trộm đồ xảy ra khá phổ biến, có những xe máy bị kẻ gian lấy trộm IC, có chủ hộ bị mất xe đạp. Nguy hiểm hơn, có dấu hiệu của sự phá hoại trong khu dân cư, lốp xe ô tô bị chọc thủng, lấy dao cắt lốp xe, đập vỡ kính hậu… tạo tâm lý bất an cho các cư dân. Cả các thành viên của BQT như ông Vũ Đỗ Hồng Dương, bà Nguyễn Ánh Tuyết cũng bị phá hoại đồ đạc.
Công tác vận hành tòa nhà cũng còn nhiều hạn chế, cư dân phản ánh, có trường hợp mất điện, kẹt thang máy mất 50 phút, hệ thống máy phát dự phòng không kết nối được với nguồn cấp. Hay việc Công ty Friendly tự ý phá khóa phòng vận hành thanh máy và sử dụng thang máy của cư dân để vận chuyển hàng…
Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý và các cư dân đã lên đến đỉnh điểm khi mới đây, để phản đối chủ đầu tư và Công ty Friendly, BQT chung cư đã họp bàn và thống nhất các hộ dân không đóng các loại phí, cho đến khi nhận được những phản hồi của chủ đầu tư.
Được biết, đã có nhiều cuộc họp diễn ra, tuy nhiên đến nay, các mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết. Điển hình là cuộc họp tối 26/7/2017, mặc dù có gửi giấy mời nhưng phía chủ đầu tư vẫn tiếp tục sử dụng quyền… vắng mặt để tránh đối thoại với cư dân.
Đâu là lối thoát?
Theo luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Phú, càng ngày các tranh chấp tại chung cư càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, chủ đầu tư, cũng như sự tăng trưởng của thị trường BĐS nói chung và phân khúc chung cư nói riêng.
Phổ biến nhất trong các tranh chấp chung cư nằm ở phần sở hữu diện tích chung. Việc phân định sở hữu chung, riêng mặc dù đã được quy định khá rõ trong Luật Nhà ở nhưng lại phát sinh nhiều tranh chấp nhất. Một loại tranh chấp cũng phổ biến và đa dạng không kém đó là tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư.
Bên cạnh đó, còn có các tranh chấp về việc góp vốn mua nhà, tiến độ xây dựng, thanh toán, chất lượng xây dựng, bầu BQT, đến tranh chấp về các dịch vụ cung cấp độc quyền như gas, điện, nước, Internet…
“Chủ đầu tư luôn áp đặt các điều khoản trong hợp đồng nên đã nảy sinh các tranh chấp. Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhà chung cư là quá chậm, chưa bắt kịp sự phát triển của nhà chung cư. Trong khi đó, văn bản quá nhiều, lại vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn khi áp dụng giải quyết các tranh chấp”, luật sư Trần Quang Khải nhận định.
Theo luật sư Trần Quang Khải, cần sớm ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến nhà chung cư. Việc tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp hạn chế và giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư./.