Aa

Liệu nhà nghèo có muốn ở chung với nhà giầu?

Thứ Sáu, 05/05/2017 - 21:21

Câu chuyện có nên tạo cho người có thu nhập cao và thu nhập thấp cùng chung môi trường sống hay không tưởng như đã dịu đi sau cơn sóng gió của dư luận cách đây gần hai năm thì nay lại nổi lên. Điều đó có nghĩa đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và lâu nay vẫn âm ỉ trong đời sống xã hội.

Sự việc bắt đầu từ quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, nêu ra từ một cuộc trao đổi với báo chí hồi cuối năm 2015. Ông cho rằng, xây nhà thu nhập thấp trong các khu trung tâm lõi của một khu đô thị là “rất phí” và chỉ nên xây nhà bán giá cao cho người giàu, không nên tiếp tục thực hiện chính sách dành 20% quỹ đất hoặc diện tích sàn của các dự án nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội.

Sau đó, báo điện tử Vnmedia đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Đại gia bất động sản Nguyễn Văn Đực: Phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu” và báo Năng lượng mới đã đăng bài viết “Apartheid” ở chung cư”.

Thế là dư luận ầm ầm nổi lên sóng gió. Bên ủng hộ thì coi đây là bài học duy ý chí cho chính sách vĩ mô trong việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp đã ì ạch nhiều năm, phần vì nhiều nhà đầu tư không mặn mà, phần nữa vì người nghèo ở chung với những dịch vụ cao cấp thì những túi tiền hạn hẹp không đủ sức gánh vác!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn ông Nguyễn Văn Đực thì cảm thấy tư tưởng về thị trường này của mình bị hiểu sai lệch thành “cách ly”, thành “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” mà bên phản đối đã bày tỏ.

Vậy tại sao vấn đề này nay lại được nêu ra? Cái gốc của vấn đề này là gì?

Tôi cho rằng, khi tranh luận về vấn đề này, chúng ta hãy xác định mục tiêu chung là tìm giải pháp để ngày càng nhiều người thu nhập thấp có nhà ở trong hoàn cảnh hiện tại của nền kinh tế đất nước, chứ không phải xuất phát từ một mong muốn gượng ép, duy ý chí.

Có lẽ xin bắt đầu từ một quy định của Chính phủ trong việc phát triển nhà ở cho tầng lớp những người có thu nhập thấp, rằng đối với dự án có quy mô trên 10 ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ đem lại hy vọng là một giải pháp có tính khả thi cao về nhà ở xã hội gắn liền với sự phát triển của thị trường BĐS trong cả nước.

Bởi vì nhu cầu nhà ở của những người thu nhập thấp chiếm số phần trăm khá cao trong dân chúng đang là áp lực lớn trong xã hội.

Thực hiện chủ trương này, tháng 7/2013, HĐND TP. Hà Nội đã quy định chính sách ưu tiên cho nhà ở xã hội. Theo đó, mỗi dự án thương mại phải dành ít nhất 25% diện tích đất ở, hoặc 25% diện tích sàn nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Nhưng chỉ 2 năm sau, việc thực hiện những mong muốn vô cùng tốt đẹp ấy ở Hà Nội đã bị thực tiễn chối bỏ. Qua nhiều đợt kiểm tra, số dự án nhà ở xã hội được trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay, như nhà ở xã hội Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)…

Một báo cáo của UBND TP. Hà Nội nhận định: “Quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội là không tương thích với nhau trong khi chung hạ tầng kỹ thuật, hơn nữa do chung hạ tầng kỹ thuật nên giá căn hộ, giá dịch vụ trong khu đô thị hoặc dự án nhà ở cao cấp là rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân là đối tượng được mua nhà xã hội”.

Kết quả, tại Hà Nội, một cánh cửa khác được hé mở rằng, nếu các Chủ đầu tư  không muốn dành quỹ đất cho nhà ở xã hội theo quy định thì được phép “nộp tiền tương đương với giá diện tích phải dành phát triển nhà ở xã hội”.

Như vậy, có thể nhận xét, việc ông Nguyễn Văn Đực nêu ra quan điểm không nên có chính sách gượng ép khiến để người có thu nhập cao và thu nhập thấp cùng chung môi trường sống trong một khuôn viên hạn chế là có căn cứ lý luận và thực tiễn chứng minh, và cũng không phải của riêng ông.

Sự việc trên đây thêm một lần nữa chứng minh rằng, những quy định cứng nhắc bằng con số trong chính sách vĩ mô thường rất dễ lạc hậu với cuộc sống luôn thay đổi trong  muôn hình muôn vẻ của nền kinh tế thị trường.

Hy vọng rằng những lực cản ấy sớm được sửa đổi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top