Aa

Lỗ hổng của Luật Đất đai 2013: Nhìn từ các vụ án sai phạm động trời

Thứ Bảy, 25/04/2020 - 06:00

Việc hàng loạt quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bắt giam về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất thời gian qua cho thấy những lỗ hổng của Luật Đất đai đang hàng ngày, hàng giờ vô tình tiếp tay cho tham nhũng.

Lời tòa soạn

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, gần nhất là vào năm 2013. Giới nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng, sau 7 năm, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy nòi. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2019, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT…

Thậm chí, các vụ án hình sự rúng động dư luận, cán bộ vi phạm pháp luật gây thất thoát lãng phí lớn cho tài sản Quốc gia cũng đều “chạm” đến đất đai. Phải chăng, chính những kẽ hở trong Luật Đất đai hiện hành đã và đang, trực tiếp hay gián tiếp gây nên những bất ổn ấy của xã hội?

Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai đã được đưa ra bàn bạc nhiều lần. Nhưng cũng là từng ấy lần trì hoãn. Liệu có hay không việc né tránh trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo? Có hay không sự thờ ơ của các ngành chức năng khi mà doanh nghiệp đã “than trời” bao năm? Đặc biệt, trong bối cảnh của một nền kinh tế đầy những khó khăn, thách thức do tác động từ đại dịch lịch sử Covid-19, dường như đã đến lúc không thể chậm trễ hơn – cần bàn sâu rõ đến câu chuyện sửa đổi Luật Đất đai, bắt tay vào tháo gỡ những vướng mắc khốn cùng của doanh nghiệp, cũng như thẳng tay chặn đứng những kẽ hở tạo nên tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực thúc đẩy và vực dậy nền kinh tế nước nhà.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Doanh nghiệp “than trời” vì Luật Đất đai, cơ quan soạn thảo vẫn "bình chân như vại"?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

NHIỀU QUAN CHỨC SA LẦY VÌ ĐẤT

Thời gian qua, hàng loạt các vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất - một trong những lĩnh vực xảy ra tiêu cực và tham nhũng nặng nề nhất.

Điển hình tại TP.HCM, tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco). Theo đó, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và các cán bộ liên quan bị khởi tố và bắt tạm giam vì có những sai phạm liên quan về quản lý đất đai. Theo thông tin mới nhất, vụ án này mới khởi tố thêm 3 bị can. 

Tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hoài Nam - nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và ông Trương Văn Út, Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1).

Đặc biệt, nhiều quan chức TP.HCM giai đoạn 2010 - 2016 bị đề nghị xem xét kỷ luật, có người bị cách chức vì những sai phạm nghiêm trọng tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tại Đà Nẵng, trong vụ việc để Vũ Nhôm thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật, các cựu lãnh đạo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng bị đưa ra xét xử với mức án đề nghị thấp nhất là 3 năm tù, nhiều nhất là 11 năm tù. 

Liên quan đến sai phạm đất đai tại Khánh Hoà, cuối năm 2019 Ban Bí thư cũng đã công bố kết luận kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những sai phạm trong cấp đất và phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước...

Cũng vào cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết về những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, tùy tiện làm trái quy định, vi phạm pháp Luật Đất đai.... Cùng với đó, tiến hành kỷ luật với ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; ông Phạm Thanh Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ liên quan đến sai phạm đất đai. 

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng nghìn vụ sai phạm về quản lý đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Nhưng đều cho thấy, đất đai như miếng mồi ngon để những chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng bám lấy. Vậy pháp luật về quản lý đất đai của nước ta đang có vấn đề hay vì những chuyện gì mà sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai lại nhiều và nghiêm trọng như vậy?

Dõi theo những chiêu trò "phù phép" với đất, có thể nhận thấy những bất cập của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật là lỗ hỗng rất lớn để cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. 

Điều này cho thấy nhu cầu bức thiết cần phải sửa đổi Luật Đất đai để bịt các lỗ hổng. Bởi lẽ, lỗ hổng càng để lâu sẽ càng làm cho tình trạng tham nhũng gia tăng, số tiền thất thoát cũng sẽ đội lên theo cấp số nhân. Càng trì hoãn thì hệ quả phải sửa lỗi sẽ càng nghiêm trọng. 

Để hiểu thêm câu chuyện lỗ hổng và thực thi Luật Đất đai 2013, Cà phê cuối tuần ghi nhận quan điểm, góc nhìn của các chuyên gia: GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội; Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

CÂU CHUYỆN THỦ THIÊM - "HÀN THỬ BIỂU" LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước

Việc kiềm chế, đẩy lùi vi phạm trong quản lý đất đai ở nước ta chưa được như mong muốn, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. 

Thứ nhất là hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta quy định "đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Tuy nhiên, khi đất đai ngày càng có giá thì dễ phát sinh những tiêu cực, đặc biệt là việc nhóm lợi ích câu kết để xâu xé tài sản công.

Thứ hai là việc quản lý đất đai của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Đơn cử là nước ta chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau.

Thứ ba, trong việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền. Tuy nhiên là mức phạt tiền so với giá trị đất đai mà họ thu lợi từ vi phạm lại không đủ sức răn đe. Tôi cho rằng cần có chế tài xử phạt kiên quyết và phải nặng hơn nữa, phải quyết tâm đưa các vụ sai phạm đất đai ra xử lý hình sự với chế tài nghiêm khắc. Với chế tài hiện nay thì liều thuốc chưa đủ để chữa căn bệnh trầm kha này.

Nếu nhận định rằng quy định của Luật Đất đai 2013 hoàn chỉnh không tạo ra kẽ hở khiến người ta trục lợi thì đó là sự lạc quan tếu. Luật Đất đai 2013 dường như chưa xác lập được cơ chế để kiểm soát quyền đại diện, tức là kiểm soát những cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất, thu hồi đất.

Thứ nữa là chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật.

Như vậy, cần phải sửa Luật Đất đai để ngăn chặn những sai phạm đất đai đang gây nhức nhối xã hội. Trong đó đặc biệt phải quan tâm là vấn đề giá đất và bồi thường đất.

Câu chuyện người dân ở Thủ Thiêm đã cho luật pháp của Việt Nam rất nhiều bài học. Câu chuyện này là hàn thử biểu để kiểm nghiệm lại các quy định của Luật Đất đai 2013. Qua đây thấy rằng việc thu hồi đất để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước là tất yếu nhưng phải giải quyết được vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Không thể đẩy người dân đến bên lề của sự phát triển. Đó không phải là mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng.

Khi sửa Luật Đất đai cũng cần lưu tâm đến một số vấn đề như khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất, tháo gỡ các rào cản pháp lý để cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI có thể đầu tư vào nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, cũng phải có những quy định nhằm ngăn chặn việc thâu tóm, chuyển nhượng đất đai. Điều này đã xảy ra tại TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng. Phải có quy định chặt chẽ về việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, ví dụ như vụ Alibaba cho thấy rõ vấn đề này. Luật Đất đai cũng phải bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nữa để quản lý chặt chẽ đất quốc phòng an ninh. Vừa qua đã có những vụ sai phạm đất đai tiêu biểu như Vũ Nhôm và nhiều vụ kỷ luật về vi phạm đất đai cũng cho thấy lĩnh vực này đang có những bất cập. 

BỆNH NHỜN LUẬT VÀ YÊU CẦU CẤP BÁCH "VÁ LỖ HỔNG"

GS. Đặng Hùng Võ: Trong vài năm qua, khá nhiều vụ "động trời" liên quan tham nhũng đất đai đã được xử lý. Nhiều quan chức cấp cao của Trung ương, địa phương, kể cả cán bộ cấp cao thuộc lực lượng vũ trang đã phải đối mặt với lao lý hoặc đã bị kỷ luật ở mức độ nặng.

Trong cơ chế thị trường, giá trị đất phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên ở nước ta, tư duy quản lý đất đai theo cơ chế bao cấp còn tồn đọng theo thói quen hoặc nhiều người cố tình lợi dụng chính sách, lách luật để tham nhũng. Để ngăn chặn tình trạng này, phải có một hệ thống pháp luật đất đai rõ ràng, được thực thi nghiêm và có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Đánh giá sòng phẳng, pháp luật nước ta đã tiến bộ khá nhiều trong quản lý đất đai nhưng vẫn chưa thay đổi thỏa đáng từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Luật Đất đai cũng có bước đổi mới rất quan trọng về tài chính đất đai.

Từ chỗ không có giá, đến năm 1993, trong luật nhận thức đất có giá. Nhưng giá đất do Nhà nước quy định chứ không chấp nhận giá thị trường. Đến 2013, Luật Đất đai chấp nhận giá đất theo giá thị trường nhưng đến nay giá đất do Nhà nước quy định vẫn chưa ngang bằng giá thị trường.

Mặt khác, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tồn tại nhiều khoảng trống, chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật khác là do phương thức xây dựng pháp luật ở nước ta còn thiếu hiệu quả. Quá trình xây dựng và thẩm định các dự án luật, nghị định, thông tư không tận dụng được ý kiến của các chuyên gia có chiều sâu về luật pháp.

Trong khi đó, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật chưa được đề cao. Hệ thống hành chính gần như ngầm hiểu rằng mình có thể quyết định một số điều không thực sự phù hợp pháp luật. Bệnh "nhờn luật" từ đấy mà hình thành.

Giải pháp trước mắt cần làm ngay để cuộc sống không phải chờ đợi là dựa theo 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột.

Một là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn.

Hai là trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn.

Ba là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó.

Đối với các khoảng trống pháp luật, Chính phủ nên tổ chức rà soát để xác định các nội dung cần bổ sung nhằm lấp đầy khoảng trống. Từ đó, xây dựng gấp một Nghị định quy định bổ sung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành Nghị định này. Nghị định này cần tập trung vào quy định thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư.

BÀI TOÁN THU HỒI ĐẤT VÀ ĐỀN BÙ CHƯA CÓ LỜI GIẢI

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Hiện nay, tình trạng khiếu kiện tâp trung nhiều nhất ở đất đai, trong đó liên quan nhiều nhất cũng là lợi ích kinh tế đất đai. Một báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính về đất đai chiếm khoảng 80% vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Nguyên nhân là bởi mức đền bù khiến người dân không hài lòng, việc đền bù của nhà đầu tư cũng chưa thoả đáng. Thậm chí, Nhà nước phải bỏ tiền ra để đền bù cũng không đạt được thoả thuận với dân. Bài toán về thu hồi đất và đền bù bao lâu nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Thời gian qua, một số địa phương chuyển “đất vàng” công sản thành đất tư nhân sử dụng không thông qua đấu giá, không xác định đúng giá trị, thậm chí không đúng quy hoạch làm thất thoát, lãng phí. Rất nhiều người đã phải rơi vào vòng lao lý của pháp luật. Vấn đề quản lý, sử dụng đất công còn nhiều lỗ hổng dẫn tới hiện tượng thất thoát tài sản Nhà nước, minh chứng bằng nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra thời gian qua.

Một bất cập nữa liên quan đến thu hồi đất đai là Nhà nước chỉ thu hồi những dự án công cộng, còn các dự án khác nhà đầu tư và người dân tự thoả thuận. Như vậy vai trò của Nhà nước trong quản lý đất đai, trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất không còn nữa. Điều này vừa gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thoả thuận dự án, mặt khác cũng tạo ra bất bình đẳng giữa các dự án được đầu tư sinh lợi, đền bù giá cao với các dự án thu hồi đất với mục đích công cộng, đền bù thấp hơn.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng lại không triển khai, đã gây lãng phí về đất đai, nguồn lực, tạo bức xúc cho người dân. Do đó, cần đánh giá lại xem nguyên nhân vì sao những dự án này không triển khai được. Nếu là do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất đai chậm, hoặc không được phê duyệt quy hoạch thì về mặt chính quyền cần xử lý, không thể kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.

Còn nếu những dự án này do chủ quan của nhà đầu tư như không đủ tiền, không có phương án kinh doanh cụ thể thì luật đã quy định rằng quá 12 tháng không triển khai thì phải thu hồi.

Có thể nói, việc thay đổi điều tiết của thị trường cũng như việc quy hoạch sẽ tạo ra kỳ vọng phát triển ở nhiều vùng khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến lệch pha cung cầu. Chính vì vậy, không thể sử dụng công cụ bình thường mà cần chính sách rõ ràng hơn để kiểm soát và quản lý giá cả đất đai.

Luật Đất đai hiện nay đã nói về đền bù theo giá thị trường, nhưng thế nào là giá thị trường thì chưa biết được. Do đó quy định phải làm sao xác định được giá trị thị trường. Bên cạnh đó là phần giá trị gia tăng, phần này được xác định như thế nào cũng cần phải quy định rõ. Cuối cùng là thuế sử dụng đất thu như thế nào khi thay đổi hạ tầng. Cơ quan định giá là đơn vị nào?... Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có những biện pháp xử lý thoả đáng vấn đề này khi sửa Luật Đất đai.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Sai phạm về đất đai chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước... Sai phạm về đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và các cấp quản lý, tổ chức, cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Có những sai phạm kéo dài và chậm xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”…

Mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) ban hành Quyết định về việc ban hành chi tiết thanh tra của Tổng cục năm 2020 việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai đối với một số địa phương, trong đó, có một số dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Trong đó, tại tỉnh Bình Thuận, thanh tra việc chấp hành pháp Luật Đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại 4 dự án, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty Liên doanh Du lịch Kê Gà làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình do Công ty TNHH Delverton Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch Bàu Trắng - Hòn Hồng tại xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình của Công ty CP Thái Vân; Dự án Khu sân Golf và Biệt thự Hàm Thuận Nam tại xã Tân Thành và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thế Giới Xanh làm chủ đầu tư.

Tại Hà Nội có 4 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Vinaconex - Posco). Dự án Khu đô thị “Thành phố Giao Lưu” tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA. Dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại Học Vân Canh tại huyện Hoài Đức của Công ty CP Đầu tư An Lạc.

Còn tại TP.HCM có 3 dự án bị thanh tra gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc tại khu đất Chợ Bình Phú cũ (số 116 Lý Chiêu Hoàng phường 10, quận 6) do Công ty TNHH quản lý Bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; Khu nhà ở 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu tại phường Đa Kao, quận 1 do Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư và du lịch, văn hóa, giải trí tại phường An Phú, quận 2 do Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ số 21 làm chủ đầu tư.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top