Lúng túng trong quản lý
Kiến trúc đô thị thời kỳ sau chiến tranh khoác một màu đơn điệu nhưng trật tự và ngăn nắp. Bằng chứng là các khu nhà tập thể được quy hoạch bài bản theo mô hình tiểu khu nhà ở của Liên Xô và xây dựng bằng phương pháp lắp ghép bê tông tấm nhỏ, tấm lớn, có cấu trúc căn hộ khép kín rộng từ 24 đến 36 m2 ở khu vực Thanh Xuân, Thanh Nhàn, Quỳnh Mai, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ…
Sau đó, sự xuất hiện Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm ở Hà Nội và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM đầu thập niên 90 là khởi đầu đầy ấn tượng cho việc hình thành các khu nhà ở kiểu mới, cao tầng, kiến trúc hiện đại và tiện nghi tại các đô thị mới những năm tiếp theo, góp phần làm cho kiến trúc đô thị đổi thay tích cực theo hướng văn minh hiện đại.
Nhiều người đánh giá kiến trúc công trình ở ta khá đẹp, dù bị sắp xếp trong những quần thể xấu xí. Tuy nhiên, số công trình như vậy chưa nhiều và thường có quy mô nhỏ lẻ. Chưa thấy có nhiều những bứt phá về triết lý, về triển khai các công nghệ tiên tiến, về giải pháp thích nghi khí hậu nóng ẩm, sử dụng năng lượng rẻ, vật liệu tại chỗ… trừ một số ít toà nhà được ưu tiên đầu tư chu đáo, có những thành công nhất định về công nghệ và hình thức kiến trúc.
Các công trình do nhà tư vấn nước ngoài thực hiện ở nước ta thường lạm dụng kính bao che, máy điều hoà nhiệt độ, ít phù hợp khí hậu, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm thế người sử dụng.
Xét một cách toàn cục, cái hiện đại trong quy hoạch - kiến trúc của ta hiện nay thường ít tính Việt Nam, còn cái tưởng như có chất Việt thì lại chưa hiện đại. Đầu tư phô trương hình thức, ít chú ý đến hiệu quả bền vững và thân thiện môi trường.
KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ rõ sự lúng túng, mất định hướng trong sáng tác cùng sự yếu kém trong quản lý quy hoạch đô thị đã làm cho bộ mặt kiến trúc nhiều TP, đô thị của chúng ta trở nên hỗn độn, na ná nhau, trở thành những bản sao 3D vô hồn xa lạ, không bản sắc.
Đã xuất hiện tràn lan theo kiểu phong trào xây dựng những tượng đài, biểu tượng, công trình điểm nhấn đồ sộ, hoành tráng với vốn đầu tư hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lạc lõng với văn hóa dân tộc.
Tìm "khối u" ngành kiến trúc
KTS người Tây Ban Nha Sanvador Perez Arroyo - Một KTS nổi tiếng đã chỉ ra “một lỗ hổng” của kiến trúc Việt Nam hiện đại: “Kiến trúc Việt Nam khác với kiến trúc đương đại của châu Âu và Bắc Mỹ có lẽ do thiếu một cơ sở lý luận làm nền tảng. Trong một thế giới toàn cầu hóa, với mạng lưới thông tin vô cùng dễ dàng và thuận tiện cùng sự hiện hữu vô biên của không biết bao nhiêu là hình ảnh, người ta rất dễ sao chép và tái diễn những dự án do người khác đề xuất. Vì lý do này mà vào thời điểm hiện nay, kiến trúc Việt Nam có vẻ đang ngập ngụa trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng”.
Cách đây vài năm có một khẩu hiệu của người Pháp tuyên bố: Không có kiến trúc nào tốt mà không có một chủ đầu tư tốt - khi mà họ không bị chi phối bởi các vấn đề tài chính. Điều đó rất đúng! Và sự kém cỏi của chủ đầu tư – ở đây hay bất kỳ đâu – thực sự là một rào cản tới sự phát triển định tính của kiến trúc.
Nhận xét của ông có thể không nhận được sự đồng tình nhưng nó như lưỡi dao sắc bén của nhà giải phẫu học trích vào một cơ thể người để tìm ra khối u bệnh tật.
Cho rằng phát triển đô thị là một động lực tăng tưởng mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng bao giờ cũng đi trước một bước. Nếu không có đô thị được quy hoạch tốt, phát triển bền vững thì đất nước không phát triển.
Thủ tướng đề nghị Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch phát triển đô thị trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; nắm bắt những xu hướng hiện đại trong quy hoạch phát triển đô thị của thế giới, ứng dụng phù hợp thực tiễn đất nước. Đặc biệt, Hội cũng cần tư vấn, phản biện, nhất là đóng góp ý kiến trực tiếp, có cơ sở khoa học, thuyết phục để phát triển đô thị Việt Nam xứng tầm.