Lỗ hổng pháp luật hay sự “tha hóa” quyền lực?

Lỗ hổng pháp luật hay sự “tha hóa” quyền lực?

Thứ Ba, 28/07/2020 - 15:00

Một buổi sáng tinh mơ năm 2018, cả xóm Phú Ninh (Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa) bỗng thức giấc sớm hơn mọi ngày bởi tiếng xe, tiếng người nói inh ỏi đầu xóm. Đoàn cưỡng chế gồm nhiều ban bệ ở xã, thôn cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ, trên tay chuẩn bị sẵn cưa máy, dao chặt cây, chờ lệnh cưỡng chế khu vườn của vợ chồng ông Lê Công Sử. Đây là mảnh vườn rộng 1.000m2, do vợ chồng ông khai hoang mấy chục năm về trước, hiện đang trồng cây ăn quả. Trước đó, chính quyền xã đã đặt vấn đề về thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng khu đất để đem ra đấu giá nhưng vì đây là đất khai hoang, là “của để dành” nên đôi vợ chồng già không đồng ý. Vì thế mà một cuộc cưỡng chế nhằm “chiếm đoạt” đất của dân đã diễn ra.

Tiếng cưa máy vang lên cũng là lúc cây non bị đốn hạ. Ông Sử thất thần nhìn đoàn cưỡng chế của xã Quảng Yên tàn phá mảnh vườn mà bấy lâu nay ông cùng vợ đã dành tất cả tâm huyết và sức lực để chăm sóc. Những nhát cưa sắc lẹm như cắt cứa vào từng thớ thịt, tâm can lão nông, bởi bấy lâu nay ông coi khu vườn cây là như đứa con đẻ và cũng là nguồn sống chính của gia đình.

Ông Sử ú ớ, gào thét, như khẩn cầu lực lượng cưỡng chế, xin giữ lại khu vườn. Người đàn ông mếu máo không thành tiếng, chạy đôn chạy đáo cầu cứu sự trợ giúp, nhưng rồi đành bất lực, bởi ông không còn đủ sức để can ngăn.

Đất bị mất, cây bị đốn hạ nằm la liệt, nguồn thu nhập chính là mảnh vườn do vợ chồng ông bà khai hoang không còn, người đàn ông có tiền sử mắc bệnh tâm thần - thần kinh đối diện với nỗi cơ cực dài lê thê khi sắp đến mùa giáp hạt…

Đi không nổi, nói chẳng thành tiếng, ông Sử đành giao phó nhiệm vụ đi tìm công lý cho vợ và em vợ. Ông nói: “Dù phải khổ, bần cùng đến mức nào, tôi cũng phải đòi lại đất vì tôi vẫn có niềm tin vào Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Sau nhiều lần mò mẫm, đơn kêu cứu của ông bà Sử cũng đến được tay chính quyền địa phương (huyện Quảng Xương). Đơn thư của ông Sử bà Thông nhanh chóng được xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Gia đình ông bày tỏ vui mừng khi cơ quan thanh tra khẳng định mảnh vườn rộng hơn 1.000m2 là đất khai hoang của gia đình ông bà, đồng thời, huyện, xã cam kết đền bù cho gia đình số cây đã bị đốn hạ trước đó. Hướng giải quyết vụ việc theo phương án thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng cho gia đình cũng sẽ được được thực hiện theo đúng quy định. Mặt khác trách nhiệm của cá nhân có liên quan trước những vi phạm trên cũng bị xử lý.

Trên đây chỉ là một minh chứng điển hình trong số nhiều vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Thanh Hóa nói riêng, trên phạm vi cả nước thời gian qua. Qua đó cũng cho thấy, nếu những vụ việc nhỏ không được xử lý dứt điểm rất dễ tạo nên điểm nóng về xung đột lợi ích.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, tỉnh này có số lượng khởi tố các vụ vi phạm liên quan tới đất đai nhiều nhất trong lịch sử. Quá trình giải quyết vụ việc liên quan tới nhiều người, cả người có thẩm quyền và người có trách nhiệm có liên quan. Quá trình giải quyết vụ việc liên quan tới nhiều người, cả người có thẩm quyền và người có trách nhiệm có liên quan.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm trong lĩnh vực đất đai: "Nếu những vụ việc không đến mức xử lý hình sự thì xử lý hành chính, nếu đến mức độ phải khởi tố thì sẽ khởi tố và đề nghị truy tố trước pháp luật. Nếu có thông tin về vụ việc nào mà cơ quan có trách nhiệm xử lý chưa đúng người đúng tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì đề nghị cho chúng tôi thông tin, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và xử lý theo quy định”, Đại tá Khương Duy Oanh cho biết.

Tại buổi họp báo hồi cuối tháng 12/2019, phóng viên Reatimes đặt vấn đề: "Cử tri và người dân tại một số địa phương trong tỉnh cho rằng, vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại một số địa phương trong tỉnh còn nhiều, còn khá phức tạp và nghiêm trọng nhưng việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn chưa tương xứng với hành vi vi phạm, dẫn đền tình trạng “nhờn” luật. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh như thế nào về việc này? Tỉnh Thanh Hóa có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng nói trên?".

Về việc này, Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn chỉ rõ: "Trong số đơn khiếu nại tố cáo có khoảng 60 - 70% khiếu nại liên quan tới đất đai. Việc xử lý các vấn đề liên quan tới đất đai đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật".

Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm “tháo ngòi nổ” xung đột, không để phát sinh trở thành “điểm nóng” gây mất ổn định chính trị, tình hình trật tự an toàn xã hội.

Không riêng gì Thanh Hóa mới có vi phạm đất đai. Thời gian qua, cả nước sôi sục với những vụ án vi phạm nghiêm trọng, trong đó, đa số đều liên quan đến đất đai. Việc hàng loạt cán bộ bị xử lý, thậm chí khởi tố thời gian qua cho thấy, đất đai dường như trở thành miếng mồi ngon để tiêu cực tham nhũng có điều kiện tồn tại, nếu việc thực thi, giám sát bị buông lỏng.

Hệ quả là hàng loạt cựu quan chức cấp cao dính dáng đến “bê bối” về đất đai bị phát giác. Cán bộ vi phạm bất kể là ai, ở địa phương hay trung ương, nghỉ hưu hay đương chức đều bị xem xét, làm rõ trách nhiệm khi bị phát hiện vi phạm.

Còn nhớ, năm 2014, một cựu cán bộ tương đương hàm Bộ trưởng bị kỷ luật cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ. Cán bộ này khi ấy có lẽ là số ít quan chức cấp cao bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm sau khi về hưu.

Sau vị này, nhiều cựu quan chức khác tại Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng… cũng bị phát hiện và xử lý vì có vi phạm trong quản lý đất đai.

Việc hàng loạt cựu quan chức có liên quan trực tiếp tới vi phạm trong quản lý đất đai thời gian qua bị đưa ra xử lý trách nhiệm một lần nữa cho thấy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị là không có vùng cấm. Quan chức cũng không thể “hạ cánh an toàn” nếu bị phát hiện vi phạm. Việc xử lý nghiêm, công khai vi phạm nói trên cũng là hành động tuyên chiến mạnh mẽ đối với cán bộ tha hóa, biến chất, đồng thời là bài học để cán bộ tự soi mình, từ bỏ ý định… tham nhũng.

Việc xử lý nghiêm, công khai, không có vùng cấm đối với các cán bộ từng giữ vị trí cao và cán bộ đương chức trong hệ thống chính trị cũng là “cú đấm thép”, bác bỏ các luận điệu có tính xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà họ từng rêu rao rằng chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam là hình thức hoặc mới chỉ “tắm từ vai trở xuống”.

Thực tế có thể thấy, sai phạm trong quản lý đất đai diễn ra đối với hầu hết các loại đất và nhiều hành vi như: Biến đất công thành đất tư, thâu tóm đất vàng của nhà nước rồi bán cho doanh nghiệp kiếm lời, vi phạm đất quốc phòng…

Vậy đâu là nguyên nhân của những vi phạm trên? Do buông lỏng quản lý hay do người thực thi công vụ không liêm chính?

Bình luận về việc này, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đền vi phạm nói trên, trong đó cốt lõi nhất vẫn là lòng tham của cán bộ.

“Những sai phạm về đất đai liên quan tới cựu quan chức, đặc biệt là những người từng là cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua có thể một phần do cơ chế thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Cơ chế thay đổi tạo ra sơ hở trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được cho là nhạy cảm này. Không ít người lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp giữa cơ chế cũ và mới để làm sai, hưởng lợi.

Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những sai phạm trên là do cán bộ thoái hóa biến chất, coi đồng tiền hơn tất cả. Do lòng tham vô đáy, nhiều người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết để tư lợi”, ông Thuyền nói.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, người được giao quyền nhưng không kiểm soát quyền lực sẽ dẫn đến vi phạm:

“Có những người làm sai vì cấp trên chỉ đạo dưới phải làm. Người ký là người phải chịu trách nhiệm, do vậy nhiều khi người ta (cấp trên) chỉ đạo miệng thì cấp dưới làm theo, dẫn đến vi phạm.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật mà dựa vào các mối quan hệ với những người có quyền để dễ bề làm ăn. Nhiều doanh nghiệp rất thích “bám” quan chức cấp cao vì họ có quyền chỉ đạo. Cho nên, khi xảy ra sai phạm là sai từ trên xuống dưới và sai phạm có tính xâu chuỗi.

Những vi phạm của quan chức từ Trung ương đến địa phương thời gian vừa qua cho thấy dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, tha hóa quyền lực.

Quyền lực sẽ gắn liền với sự tha hóa nếu không có sự giám sát chặt chẽ. Do đó, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới công tác nhân sự và lựa chọn nhân sự là hoàn toàn đúng đắn. Công tác nhân sự sẽ quyết định mọi vấn đề. Nếu công tác nhân sự làm tốt thì những tiêu cực sẽ hạn chế. Nếu chọn sai cán bộ thì mọi thứ sẽ hỏng hết”, ông Nguyễn Bá Thuyền nói.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã từng cảnh báo về sự “sa ngã” của quan chức trước “cám dỗ” về nguồn lợi đất đai.

“Tôi đã từng cảnh báo trên diễn đàn Quốc hội rằng, đất đai là tài sản sinh lợi rất lớn, giá trị luôn tăng vọt theo từng thời điểm. Vì thế, nguồn lợi từ đất đai làm lóa mắt nhiều quan chức và cán bộ quản lý đất đai. Người ta đã thẳng thắn gọi tên những vi phạm về đất đai bằng cụm từ 'quan ăn đất'”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nhận định, sai phạm về đất đai có nguyên nhân chính từ con người. Do đó, ngoài việc chọn cán bộ tốt, cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức đoàn thể để đảm bảo quyền lực được thực thi nghiêm túc.

“Chúng ta có đầy đủ hệ thống, cơ chế giám sát (cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan dân cử…) nhưng tại sao vi phạm vẫn diễn ra, hoặc phát hiện chậm vi phạm? Có phải do giám sát yếu hay chỉ giám sát hình thức? Tại sao cán bộ vi phạm nhiều như vậy mà không kịp thời phát hiện, xử lý?

Do đó, ngoài việc lựa chọn cán bộ tốt, thì phải làm tốt công tác giám sát để quyền lực được giao không bị tha hóa. Nếu trao quyền mà không có giám sát, hoặc việc giám sát không công tâm thì quyền lực rất dễ bị tha hóa.

Muốn giám sát tốt phải có cơ chế giám sát. Tức là tạo ra cơ chế cho người giám sát có đầy đủ quyền lực. Giám sát phải đi vào thực chất chứ không phải thiên về hình thức”.

Bên cạnh đó, cần làm rõ chế độ trách nhiệm để xử lý nghiêm những cán bộ có vi phạm. Đảng phải hóa thân vào Nhà nước xác lập chế độ trách nhiệm. Một chính sách được quyết định ở cả hai nơi thì nơi nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Cho nên, anh là Bí thư, Chủ tịch ở địa phương phải chịu trách nhiệm trước vi phạm, chứ không thể một người chịu trách nhiệm”.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, để hạn chế vi phạm trong quản lý đất đai cần lưu ý 6 vấn đề chính: “Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đất đai như Luật, Nghị định, văn bản hướng dẫn, thi hành… để bịt khe hở trong quản lý, thực thi chính sách pháp luật nói chung, trong đó có vấn đề quản lý đất đai.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hơn ai hết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất về những vi phạm đất đai, không thể đổ lỗi cho cấp dưới mỗi khi có vi phạm. Bí thư, Chủ tịch ở địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất trước những vi phạm về đất đai. Tiếp đến là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thứ ba, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thanh tra các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Thứ tư, tăng cường vai trò giám sát, trong đó nòng cốt là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, coi nhân dân là “tai mắt” để cơ quan Nhà nước làm tốt hơn vai trò quản lý của mình.

Thứ năm, phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông khi họ không quản ngại khó khăn, dũng cảm xông vào những “trận địa” chống tiêu cực cam go, thậm chí phải đổi bằng cả xương máu, tính mạng của mình để đưa những vấn đề tiêu cực ra ánh sáng.

Thứ sáu, khi đã phát hiện ra được thì các cơ quan bảo vệ pháp luật gồm điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phải vào cuộc, xử lý thật nghiêm minh, dù người đó là bất kỳ ai”, ông Lê Như Tiến nói rõ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, nếu cán bộ tốt, thì vi phạm tiêu cực sẽ không có đất để tồn tại. Do đó, công tác nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan tới vấn đề quản lý đất đai, mà nó là vấn đề then chốt trong Đảng và hệ thống chính trị.

“Việc lựa chọn nhân sự cần thực hiện chặt chẽ, lấy ý kiến của người dân về đánh giá cán bộ để hiểu đúng, hiểu rõ hơn về cán bộ đó trước khi thực hiện việc sắp xếp, lựa chọn nhân sự.

Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra, thanh tra, từ Trung ương đến địa phương đối với công tác cán bộ nói chung, vấn đề tiêu cực tham nhũng nói riêng. Thậm chí, nếu phát phát hiện đơn thư không rõ nguồn, địa chỉ liên quan tới cán bộ thì vẫn cần kiểm tra, làm rõ, mặc dù người đó đang nắm giữ chức vụ hay đã về hưu.

Đối với cơ quan giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, khi có thông tin thì phải kịp thời có ý kiến tới các cơ quan có trách nhiệm, đề nghị vào cuộc, kiểm tra, xử lý một cách dứt điểm”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay. 

Quốc Toản - Viết Huy 
Quyên Lê - Thanh Thảo 
28/07/2020 15:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top