Các chuyên gia cho rằng, sự việc không chỉ dừng lại ở câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị, mà còn nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến cấp phép tầng hầm và quy hoạch không gian ngầm.
Cần có quy định cụ thể
Câu chuyện quản lý TTXD đô thị vẫn luôn nóng khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Những năm qua, rất nhiều vi phạm TTXD được phát hiện và xử lý, song vẫn chưa chấm dứt triệt để. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 10.531 công trình, các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác. “Số lượng các vụ vi phạm TTXD tiếp tục có xu hướng giảm.
Đến nay, đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng”, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm nhưng hình thức vi phạm ngày càng phức tạp và khó lường hơn.
Đơn cử, trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3, số 13 phố Tây Sơn (Ba Đình, Hà Nội), chỉ với diện tích khoảng 317m2 nhưng lại xây dựng tới 4 tầng hầm, công năng sử dụng gồm: Tầng hầm 4 để xe ô tô (áp dụng công nghệ đỗ xe thông minh); Tầng hầm 3, 2 là diện tích kho chứa, kỹ thuật; Tầng hầm 1 để xe máy, chiều cao mỗi tầng hầm 2,4m.
Lý giải về điều này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, công trình được cấp phép dựa vào quy định tại Mục b, Điều 3, Văn bản số 4174/2017/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội về việc ban hành “hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội” và phụ lục kèm theo quy định tại Quy chuẩn 08:2009/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình ngầm đô thị (phần 2 - Gara ô tô).
“Căn cứ Mục 6.2.7 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 “Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế” được ban hành kèm theo Quyết định số 26/2004/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, chiều cao các tầng hầm 4, 3, 2, 1 là phù hợp với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 và Văn bản số 4174/2017/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội”, ông Bùi Thanh Bình cho hay.
Bình luận về về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định nhà ở riêng lẻ là công trình được phân loại thuộc cấp III chỉ được xây dựng tối đa 1 tầng hầm, Giấy phép xây dựng do UBND quận, huyện cấp. Đối với công trình được xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm là các dự án, không phải nhà ở riêng lẻ và thẩm quyền cấp phép thuộc về Sở Xây dựng tỉnh, TP.
“Đã có sự không rõ ràng trong việc áp những quy định của Nhà nước để cấp phép xây dựng tầng hầm công trình. Từ đó cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước cấp cơ sở”, luật sư Hoàng Văn Đạo nhìn nhận.
Sớm hoàn thiện đề án không gian ngầm đô thị
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc xây dựng không gian ngầm đô thị đang được TP Hà Nội khuyến khích để có thể tạo lập thêm những địa điểm để xe trước tình trạng hạ tầng đô thị ngày càng trở nên quá tải. Nhưng sự việc của công trình số 13 phố Tây Sơn không chỉ dừng lại ở câu chuyện vi phạm TTXD đô thị mà còn nảy sinh vấn đề về cấp phép xây dựng tầng hầm nói riêng và quy hoạch không gian ngầm của Hà Nội nói chung.
“Đây là trường hợp vi phạm TTXD chưa có tiền lệ từ trước tới giờ và phải khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ văn bản luật nào cho phép các công trình nhà ở riêng lẻ được xây dựng với số lượng tầng hầm lớn như vậy”, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có hầm sâu, đặc biệt trong nội đô thì không nên khuyến khích. Bởi nó liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, thoát nước... thi công ảnh hưởng đến nền móng những công trình lân cận và lưu lượng xe ra vào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an toàn cho cụm cư dân nơi công trình đó đứng chân.
“Đối với những công trình nhà ở riêng lẻ trong đô thị nên khuyến khích làm không gian bán hầm để bảo đảm các tiêu chí về xây dựng, an toàn cho chính chủ sở hữu và người dân xung quanh, không nên và không được làm những công trình có hầm sâu. Qua sự việc này, TP Hà Nội cần phải xây dựng ngay một đồ án quy hoạch để quản lý không gian ngầm đô thị. Vì hiện nay mới chỉ có quy định về quản lý hạ tầng ngầm về kỹ thuật”, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.
Ở khía cạnh khác, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải có chế tài mạnh hơn đối với những trường hợp vi phạm TTXD, đặc biệt là những cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan quản lý Nhà nước.
“Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ một số cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan công quyền có biểu hiện vì lợi ích cá nhân. Người dân và DN không dám làm sai nếu không có sự “bật đèn xanh”. Vì vậy, cần phải có chế tài kỷ luật mạnh tay đối với những cán bộ vi phạm sẽ giúp trong sạch bộ máy công quyền”, KTS Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
"Lịch sử quản trị đô thị của Hà Nội xưa đã có những chế tài rất mạnh tay, lúc đó chính quyền Pháp đô hộ đã thực hiện bãi chức các quan chức vi phạm. Sau đó, việc tuyển dụng cán bộ trong các cơ quan công quyền phải được sự tín nhiệm, bảo lãnh của lãnh đạo có uy tín tại cơ quan đó. Mỗi người vào làm việc phải nộp 50 lượng vàng để làm cam kết sẽ làm việc nghiêm túc, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách làm này để áp vào quá trình vận hành của bộ máy công quyền", KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội