Aa

Lo ngại lạm phát, nhà đầu tư trú ẩn vào bất động sản: Giá nhà tại TP.HCM tăng vọt

Thứ Sáu, 11/03/2022 - 06:30

Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở tại TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA, giá nhà phố/biệt thự và căn hộ mở bán trong hai tháng đầu năm tại TP.HCM ghi nhận tăng 5 - 10% so với giai đoạn mở bán trước đó.

Theo báo cáo mới đây của DKRA, hai tháng đầu năm 2022, phân khúc biệt thự/nhà phố có 7 dự án cung cấp ra thị trường 375 căn, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hấp thụ đạt 74%.

Đơn vị nghiên cứu này cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, nguồn cung và sức cầu thị trường ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với những tháng cuối năm 2021, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Riêng Bình Dương và Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.

Lượng tiêu thụ hai tháng đầu năm tập trung chủ yếu ở những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín, có thương hiệu trên thị trường. Nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu người mua.

Đáng chú ý, mức giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 5 - 10% so với giai đoạn trước (mỗi giai đoạn cách nhau 3 - 4 tháng).

Riêng tại TP.HCM có tới 5 dự án, cung cấp 209 căn (tăng 83% so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ tiêu thụ đạt 78%.

Nguồn cung và sức cầu thị trường có sự cải thiện so với những tháng trước và tiếp tục tập trung tại hai khu vực chính là khu Nam và khu Đông, trong đó khu Nam chiếm 57% tổng nguồn cung mới hai tháng qua.

Về phân khúc căn hộ, nguồn cung của TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đến từ 10 dự án. Trong đó, có hai dự án mới và 8 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Tổng số lượng căn hộ mới được cung cấp ra thị trường khoảng 1.175 căn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ tiêu thụ đạt 72%.

Nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại Bình Dương và TP.HCM, trong đó TP.HCM dẫn đầu khi chiếm 58% tổng nguồn cung và 57% lượng tiêu thụ mới.

Trong thời gian qua, các sự kiện mở bán, training, kick-off sales đã được triển khai trở lại, góp phần gia tăng hiệu quả bán hàng ở các dự án, tuy nhiên chưa thật sự hiệu quả do người mua vẫn có tâm lý e ngại dịch bệnh tái bùng phát.

Đáng chú ý, mặt bằng giá bán sơ cấp ở hầu hết các dự án được nâng lên, cá biệt một số dự án có mức tăng 5 - 8% so với giai đoạn mở bán trước đó trong năm 2020 - 2021.

Riêng đối với thị trường căn hộ TP.HCM, nguồn cung mới trong hai tháng đầu năm đạt khoảng 686 căn hộ, sụt giảm so với tháng 12/2021. Các căn hộ chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ hạng A khu vực TP Thủ Đức và khu phía Tây thành phố, các khu vực còn lại khan hiếm nguồn cung mở bán mới. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực tiếp tục “vắng bóng” trên thị trường.

Theo DKRA, nút thắt pháp lý phần nào được tháo gỡ sẽ tạo tiền đề cho một số dự án trên địa bàn TP.HCM tái khởi động triển khai trong năm 2022. Trong khi đó, tâm lý lo ngại lạm phát đã khiến một bộ phận nhà đầu tư chọn bất động sản làm tài sản trú ẩn, đặc biệt là phân khúc căn hộ.

Đánh giá về triển vọng thị trường trong năm 2022 tại toạ đàm "Triển vọng đầu tư năm 2022", ông Phạm Anh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA) cho rằng, cơ hội đầu tư bất động sản vẫn luôn luôn còn, dù giá bất động sản đã tăng cao trong suốt năm 2021. Về lâu dài, thị trường bất động sản còn được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng, đầu tư công với gói hỗ trợ kinh tế lên đến gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng phát triển đến đâu, bất động sản sẽ tiềm năng đến đó.

Bên cạnh đó, bất động sản có mối tương quan với lạm phát, một khi lạm phát gia tăng, giá bất động sản thường có xu hướng tăng theo, bởi đây là kênh “trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có hai loại lạm phát mà các nhà đầu tư nên quan tâm là lạm phát kỳ vọng và lạm phát vượt kỳ vọng. Do đó, đây là giai đoạn cần phải hết sức thận trọng và có chiến lược đầu tư lâu dài. Bởi rất có khả năng sắp tới, lãi suất sẽ tăng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top