Aa

Lo thiếu vốn, Hà Nội đề xuất làm dự án giao thông PPP

Thứ Sáu, 15/09/2017 - 10:32

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3; cầu Mễ Sở (vành đai 4); hoàn thiện nút Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3, Hà Nội mong muốn được kêu gọi theo hình thức PPP.

Chiều 12/9, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đồ án quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 là cơ sở thực hiện quy hoạch.

Hà Nội đã hoàn thành và khởi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn (12 công trình cầu yếu; một số đoạn tuyến của đường hướng tâm, vành đai, trục đường chính đô thị, đường liên khu vực trên địa bàn...).

Thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ GTVT trong việc triển khai thực hiện các dự án do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn như: đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; cầu Việt Trì-Ba Vì nối QL32, QL32C; cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình; tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A, dự án mở rộng đường Pháp Vân-Cầu Giẽ...

Đối với danh mục 8 công trình giao thông cấp bách, Hà Nội thực hiện 7 công trình, Bộ GTVT thực hiện 1 công trình. Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện thành công và có hiệu quả trong việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến các tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng đã được phê duyệt, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trong nội đô.

Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý, duy tu, duy trì hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Đến thời điểm hiện nay, Thành phố đã giải quyết được 6/41 điểm ùn tắc.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường gian đoạn 2017-2020, tầm nhìn năm 2030” nhằm làm tiền đề cho việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thành phố.

Bộ GTVT đề xuất khôi phục vòm cầu đường sắt nhưng phải đảm bảo an toàn.

Bộ GTVT đề xuất khôi phục vòm cầu đường sắt nhưng phải đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố, các ban ngành của Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội.

Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến đề xuất cũng như giải đáp của lãnh đạo các ban ngành của UBND TP.Hà Nội đối với lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đồng tình với nhiều đề xuất của Lãnh đạo Thành phố trong lĩnh vực GTVT.

Theo đó, thống nhất ủng hộ TP. Hà Nội thực hiện phương án khôi phục lại các vòm cầu đường sắt đoạn Phùng Hưng đến Ga Long Biên, khu vực quận Hoàn Kiếm, để trang trí, phục vụ du lịch.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam lưu ý, đoạn này liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 1 nên cần chú ý để tránh xung đột.

“Tổng Công ty ĐSVN cũng đồng tình với đề xuất này nhưng trong quá trình thi công, Thành phố cần tính toán chịu lực để đảm bảo an toàn vì một số vòm cầu đã có hiện tượng nứt”, ông Vũ Tá Tùng, TGĐ TCT Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.

Về đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm tuyến xe khách du lịch 2 tầng (City Tour) trong khu vực nội đô, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là thống nhất việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hướng dẫn thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

“Doanh nghiệp nào đủ điều kiện tham gia Đề án thí điểm này là do địa phương có cơ chế toàn quyền lựa chọn, Bộ GTVT không can thiệp”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thống nhất với đề xuất, yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở GTVT có tuyến đi qua địa bàn thành phố để thống kê các tuyến cần điều chỉnh, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh trong lần bổ sung quy hoạch gần nhất. Giao Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp trình Bộ. Nguyên tắc cố gắng 1 tỉnh về 1 bến xe tạo kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3; cầu Mễ Sở (vành đai 4); hoàn thiện nút Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3.

Thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3; cầu Mễ Sở (vành đai 4); hoàn thiện nút Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng cần thiết phải triển khai ngay quy hoạch Sân bay Nội Bài dài hạn bởi chỉ trong vòng vài năm tới nếu không triển khai sân bay Nội Bài gần như “vỡ trận..".

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cam kết sẵn sàng ứng vốn ra trước để đơn vị của Bộ GTVT làm quy hoạch sân bay Nội Bài.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT các cơ chế, giải pháp thực hiện các dự án công trình giao thông khung quan trọng của Thành phố liên quan đến hạ tầng đường sắt và giao thông đường bộ đã được UBND thành phố đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháng 8/2017.

Theo đó, Thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; cầu Mễ Sở (vành đai 4); hoàn thiện nút Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.

Trong trường hợp Bộ GTVT chưa cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án này, Thành phố mong muốn được kêu gọi theo hình thức PPP. Đồng thời, Bộ xem xét thống nhất cùng Hà Nội trình Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế giao thầu đối với 14 công trình cầu yếu cần cấp bách triển khai…

Những đề xuất này về cơ bản đã được lãnh đạo Bộ GTVT đồng thuận, thống nhất chủ trương giao lại UBND TP Hà Nội kêu gọi thực hiện đầu tư theo hình thức PPP các công trình nêu trên, sớm đưa vào khai thác, giảm ách tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3 – TP Hà Nội; Thống nhất cùng UBND Thành phố đồng trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu đối với 14 công trình cầu yếu cấp bách cần triển khai để đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, do hiện nay ngân sách nhà nước còn khó khăn, vì thế Hà Nội cần lưu ý về cách thức triển khai các dự án dưới hình thức BT.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giao các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Sớm khởi công tuyến đường Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long) và tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên)...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top