Máy MacBook bán trên thị trường hiện nay có xuất xứ rất đa dạng. Không phải ai cũng có khả năng mua máy mới nguyên hộp hoặc chính hãng, do vậy nhiều người lựa chọn mua máy cũ từ người dùng hoặc các cửa hàng.
Tuy nhiên khi mua MacBook cũ, người dùng cần kiểm tra rất kỹ trước khi quyết định. Ngoài ngoại hình, bảo hành thì người mua MacBook cũ cũng cần kiểm tra kỹ xem máy có bị "dính" MDM hay không, bởi đây là tình trạng tiềm ẩn nguy cơ bị khoá máy, không thể sử dụng nữa.
Tình trạng MDM là gì
Thiết lập MDM (viết tắt của Mobile Device Management) là một thiết lập dành riêng cho các quản trị viên IT. Hiểu đơn giản, khi một công ty mua MacBook hay iPhone, iPad số lượng lớn từ Apple để cấp phát cho nhân viên, họ có thể thiết lập các hồ sơ và cài đặt riêng cho những thiết bị này theo chính sách công ty.
Như vậy, các máy MacBook "dính" MDM là máy vẫn còn nằm trong danh sách thiết bị mà một công ty đang quản lý, nhưng bằng cách nào đó lại được bán ra ngoài với hình thức máy lẻ. Điều này tiềm ẩn một số rủi ro.
Máy MDM về lý thuyết vẫn là tài sản của công ty, và tuỳ theo chính sách có thể được thiết đặt để chia sẻ dữ liệu hoặc giới hạn một số quyền khi sử dụng. Đây là những điểm khiến quá trình sử dụng khó chịu, không thoải mái.
Bên cạnh đó, một số trường hợp thiết bị MDM còn có thể bị khoá từ xa, giống như cách mà iPhone, iPad còn tài khoản iCloud của người khác. Trong trường hợp bị khoá, cách hợp pháp duy nhất là nhập mã từ phía quản lý IT để mở khoá.
"Xài Mac có MDM khác gì iPhone mà có tài khoản iCloud của người khác", người dùng Trần Doãn Thiết chia sẻ trong một nhóm chuyên về MacBook.
"Đối với MDM, không có cách nào kiểm tra chính xác 100% là máy có dính hay không. Khi mua mà cài đặt lại từ đầu, active và kết nối Wi-Fi thì có khoảng 80% là trạng thái MDM sẽ hiện lên. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 20% sơ suất", ông Nguyễn Quốc Phúc, chủ cửa hàng sửa chữa laptop xách tay ở quận một, TP HCM chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Phúc, nếu máy có dính MDM và chưa bị khoá thì vẫn có cách xử lý là dùng công cụ đổi mã định danh (serial) của máy. Việc này giúp thiết bị tránh hiện trạng thái MDM, nhưng phải làm lại mỗi lần cài đặt lại máy. Đây cũng là lỗ hổng để nhiều cửa hàng, người dùng lợi dụng để bán MacBook dính MDM cho những người không rành.
Phải làm sao khi lỡ mua máy còn MDM
"Một số cửa hàng bỏ qua khâu active MDM khi bán máy cho khách. Tới lúc bị phát hiện thì họ lại bày cách đổi serial rồi bảo khách đây là cách xài bình thường. Đây là số nhỏ, còn đa số cửa hàng làm ăn đàng hoàng sẽ tư vấn, giải thích rõ cho khách", ông Phúc chia sẻ.
Trên nhóm bàn về MacBook trên mạng xã hội gần đây cũng có bài viết của một người dùng mua nhầm MacBook dính MDM. Theo chia sẻ của người dùng này, người bán cho anh khẳng định máy không phải dạng MDM, đã kiểm tra ở một nhà cung cấp dịch vụ của Apple.
Khi mua, người dùng này cũng cài đặt lại máy từ đầu và không phát hiện thấy hồ sơ MDM trong máy. Tuy nhiên, sau ba ngày sử dụng, máy lại hiện thông báo. Lúc này, người bán cho rằng không chịu trách nhiệm vì không thể biết sau ba ngày dùng có tác động gì đến máy.
"Nếu nói máy MDM từ đầu thì không sao. Đằng này bán máy MDM với giá như máy thường thì không được", người dùng này chia sẻ trong nhóm.
"Máy MDM có thể đổi serial để dùng tiếp. Kể cả khi bị khoá, nếu là MacBook trước đời 2017 thì vẫn có thể mở được. Tuy nhiên nếu là máy từ đời 2018, có chip T2 thì hiện chưa can thiệp được", ông Phúc cho biết.
Khi mua máy, người mua cần kiểm tra thật cẩn thận bằng cách cài đặt lại, kết nối Wi-Fi và hoàn tất các bước thiết lập. Ngoài ra, theo ông Phúc thì khi mua nên thống nhất với cửa hàng hoặc người bán về việc bảo hành MDM cũng như các chi tiết quan trọng như mainboard, màn hình.
"Anh em mua máy làm việc thì nên tránh mua những máy bị MDM. Khi mua ở các shop cứ găm điều khoản máy bị MDM hoàn tiền 100%", người dùng Thịnh Cao chia sẻ.