Aa

Loạn điều chỉnh quy hoạch: Mỗi ngày Hà Nội sẽ thêm bao “vết sẹo”?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 06/06/2019 - 06:01

Mặc dù đã có nhiều quy hoạch bài bản, nhiều quy định, chế tài xử lý vi phạm xây dựng, nhưng khi thực hiện lại nửa vời, thiếu giám sát, quản lý, khiến quy hoạch đô thị Hà Nội bị "băm nát".

Những điểm nóng phá vỡ quy hoạch

Không phủ nhận những thành quả trong quy hoạch của Hà Nội nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, bất cập, mà lỗi lớn nhất là về mặt quản lý, nên mới xuất hiện những sai phạm lớn. Rõ ràng, khi làm quy hoạch, các nhà quy hoạch đã hoạch định rõ ràng, đúng học thuật, mỗi khu được quy định số tầng, diện tích xây dựng phù hợp, khác nhau, nhưng do quản lý có “kẽ hở”, nên để sai phạm xảy ra, làm phá vỡ quy hoạch, diện mạo đô thị Hà Nội trở nên xấu xí, thậm chí dẫn đến việc quá tải hạ tầng ở một số khu vực.

Một số điểm nóng phá vỡ quy hoạch phải kể đến khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khu đô thị được công bố là có mật độ xây dựng chỉ 30 - 33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa. Tuy nhiên, giờ đây quy hoạch đã bị thay đổi kiểu nhồi chung cư, khu công cộng biến mất.

Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm…

Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay bị điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.

Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn căng băng rôn

Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn căng băng rôn "phản đối chủ đầu tư Hancorp thay đổi quy hoạch". 

Dư luận cũng đã từng bức xúc trong suốt một thời gian dài khi chỉ ra nguyên nhân khiến khu đô thị Linh Đàm bị băm nát, dẫn đến hạ tầng quá tải nghiêm trọng. Được khởi công năm 1997 với quy mô trên 200ha, khu đô thị Linh Đàm là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó đã có hàng loạt những điều chỉnh quy hoạch, thay đổi về mục đích sử dụng đất tại khu đô thị.

Khu đất ở trung tâm bán đảo dự kiến xây dựng văn phòng đã bị chuyển đổi thành đất ở. Trong đó, tòa nhà VP3 và VP5 với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng, vượt tám tầng so với quy hoạch.

Khu đất 5ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm và cả khu Nam Linh Đàm đã nhường chỗ cho khu nhà ở gồm 12 tòa chung cư cao 36 - 42 tầng. Chỉ riêng khu nhà ở này đã bổ sung khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm, hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên.

Sự xuất hiện của quá nhiều các toà nhà cao tầng đã khiến quy hoạch của khu đô thị Linh Đàm hoàn toàn bị phá vỡ. Đặc biệt, sau khi các tòa nhà chung cư giá rẻ được đưa vào sử dụng, dân số tại đây đã lên tới trên 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của đô thị loại III. Trong khi đó, diện tích cây xanh giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 4m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chí của đô thị kiểu mẫu mà Bộ Xây dựng ban hành.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý việc vỡ quy hoạch tại Ciputra. Thông báo dẫn phản ánh của các hộ dân Ciputra kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ, chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.

Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch trong khu đô thị. Trong đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.

Ngoài ra, lô đất rộng 13.400 m2 có chức năng bãi đỗ xe cũng đã được doanh nghiệp xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại.

Còn ô đất TM-13 rộng 55.000 m2, vốn được quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ lại được doanh nghiệp đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người.

Trên thực tế, việc các dự án khu đô thị thay đổi quy hoạch xảy ra rất phổ biến trên địa bàn Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng và đã gây nhiều hệ quả nặng nề.

Điều chỉnh quy hoạch do công tác dự báo chưa tốt?

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, tỉnh Bình Dương, quy hoạch tại nhiều đô thị lớn hiện nay đang bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng, phá nát quy hoạch đô thị, giao thông và không gian công cộng. Ông Nhân dẫn chứng trong thời gian vừa qua có 1.390 dự án được điều chỉnh quy hoạch từ một đến sáu lần, trong đó có dự án nâng mật độ xây dựng từ 4,6% lên 40% và tầng cao bình quân 20 - 33 lên đến 40 tầng.

Theo ông Nhân, việc điều chỉnh quy hoạch được chính quyền chấp thuận khiến không gian chung cho người dân ngày càng bị thu hẹp, nhà cao tầng mọc san sát ngay trong nội đô khiến giao thông ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đô thị, chất lượng cuộc sống.

Ông Nhân cho hay: "Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước đã được phê duyệt thì quy hoạch tại các dự án lại bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời". 

hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt,

Hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt 

Đại biểu Đinh Duy Vượt, tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, làm nát quy hoạch ban đầu.

“Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải ngày càng tăng”, ông Vượt nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, trả lời các đại biểu trong phiên chất vấn chiều 4/6 về vấn đề phá vỡ quy hoạch đô thị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: "Bộ chưa có thông tin đầy đủ, song không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, cũng có thể có tác động ở giai đoạn nào đó, bằng biện pháp nhất định".

Việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền. Cụ thể, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).

Bộ trưởng xác nhận, tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến hơn. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó, khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần.

Một nguyên nhân của việc phải điều chỉnh quy hoạch nhiều như vậy là vì công tác dự báo khi làm quy hoạch chưa tốt, dẫn tới việc lựa chọn chỉ tiêu áp dụng cho dự án, xác định cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị, sử dụng đất và tổ chức hạ tầng kỹ thuật không phù hợp với thực tế, với yêu cầu phát triển, nhất là ở các thành phố lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top