Reatimes xin chia sẻ quan điểm của ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn trong bài viết dưới đây.
Vẫn còn nhiều người làm nhiễu loạn thông tin để trục lợi bất chính
Đây là thực tế hiện đang diễn ra rất phổ biến, một điểm đen nhức nhối của thị trường bất động sản. Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng này từ bộ phận môi giới như: kê giá, thổi giá, cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo giấy tờ pháp lý, tạo sốt ảo, truyền thông sai sự thật, treo đầu dê bán thịt chó, thậm chí là lừa đảo gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho người sở hữu cuối cùng nói riêng và hệ lụy đối với ngành bất động sản nói chung khiến các cơ quan quản lý hết sức đau đầu.
Sự bất minh bạch thông tin không chỉ xảy ra ở phía phân phối bán hàng mà còn tồn tại ở một số đơn vị sản xuất, các chủ đầu tư. Đó là những lời hứa hẹn, những cam kết hấp dẫn trong ngoặc kép mờ ảo, những góc khuất, những cạm bẫy ẩn mình trong hợp đồng để đến khi vỡ lẽ, khách hàng đành cắn răng chịu đựng và đành chấp nhận đau thương.
Khi môi giới và chủ đầu tư còn tồn tại sự thiếu minh bạch thì khách hàng lại càng hoang mang, càng thấy lo lắng trước những quyết định đầu tư và sở hữu bất động sản cho bản thân mình. Phân tích nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu minh bạch thông tin trong thị trường bất động sản, có thể thấy:
Thứ nhất là “đạo đức nghề nghiệp”, vẫn còn nhiều người bất chấp lương tâm để đổi lấy việc kiếm tiền một cách dễ dàng.
Thứ hai, thiếu minh bạch còn diễn ra vì nhận thức, trình độ chuyên môn và sự hiểu biết về bất động sản còn nhiều hạn chế chủ yếu ở môi giới và khách hàng. Điều này là hiển nhiên khi không nắm vững được kiến thức thì khó lòng để kiểm chứng thông tin.
Thứ ba, sự thiếu mình bạch đã hình thành có hệ thống và dần tạo thành... "văn hóa" trong thị trường bất động sản. Khi tất cả mọi người đều cung cấp thông tin không minh bạch thì người làm minh bạch sẽ bị thiệt hại, làm chộp giật thì lợi nhuận cao và thời gian xoay vòng vốn nhanh hơn rất nhiều so với làm việc minh bạch. Vô hình trung nhiều người đã chấp nhận bất động sản đi đôi với sự thiếu minh bạch.
Thứ tư, chế tài xử phạt sai phạm trong bất động sản là chưa đủ nghiêm khắc và sức nặng để doanh nghiệp và các cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản phải cân nhắc trước những sai phạm của mình. Nếu như làm sai phạt nặng và mất đi cơ hội kinh doanh chắc chắn thị trường sẽ được phần nào minh bạch hóa.
Thứ năm là một vấn đề ai cũng nhận rõ, nhưng nhiều năm qua chưa thể triển khai được đó là cần xây dựng hệ thống thông tin về bất động sản ứng dụng cho các cấp quản lý cũng như ứng dụng cho doanh nghiệp, để người dân có một nguồn thông tin chính xác, tin cậy đối chiếu. Làm tốt việc này sẽ giảm thiểu đáng kể những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ minh bạch hóa thông tin bất động sản
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn toàn có thể xây dựng giải pháp hệ thống thông tin giúp thị trường trở nên minh bạch hơn. Đây là cuộc cách mạng lớn của thị trường bất động sản, vì vậy muốn thành công đòi hỏi sự phối hợp và quyết tâm của nhiều chủ thể: cơ quan quản lý nhà nước, tài chính ngân hàng, chủ đầu tư, đơn vị phân phối, đối trọng truyền thông và cả khách hàng.
Cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách đi đầu, nên tạo ra cổng thông tin quản lý theo tỉnh, theo các dự án cần cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin pháp lý dự án, thông tin chủ đầu tư, các thông tin quan trọng khác. Những thông tin này trước đây là những vùng tối mà rất ít người tiếp cận được, muốn biết phải hỏi người thân làm trong các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, một cổng thông tin như vậy là rất cần thiết, để cho tất cả những ai quan tâm có thể đăng ký tài khoản và tìm kiếm thông tin, có thể thu phí như tại nhiều quốc gia khác đang áp dụng.
Về phía đơn vị tham gia sản xuất bao gồm: chủ đầu tư và ngân hàng thì cần đưa ra hệ thống thông tin riêng cho dự án của mình trên nền tảng ứng dụng (có thể là máy tính hoặc điện thoại) để khi khách hàng truy cập, họ dễ dàng nắm được các thông tin như: thông tin dự án, thông tin đơn vị phân phối, thông tin từng cá nhân tham gia bán hàng, thông tin khuyến mại của chủ đầu tư, cập nhật tiến độ dự án, thông tin tình trạng từng căn hộ (đã bán, chưa bán, đang giao dịch, thông tin tối thiểu chủ sở hữu (đã có tình trạng 1 căn hộ bán cho nhiều người vì không công khai thông tin khách hàng), chính sách ưu đãi cho vay…
Về các đơn vị thương mại điện tử và truyền thông trong bất động sản cũng cần ứng dụng các giải pháp AI để sàng lọc những thông tin trùng lặp, xóa bỏ những thông tin thiếu chính xác, sử dụng Block chain để xác minh chéo thông tin bất động sản từ nhiều nguồn khác nhau để dễ sàng lọc về thông tin, về con người, về sản phẩm bất động sản.
"Các doanh nghiệp luôn muốn biết thị trường hiện nay đang diễn ra như thế nào, nên thường phải tiến hành các khảo sát, điều tra, hoặc dựa trên cảm tính của họ, nhưng cảm nhận này không chính xác. Trong khi việc điều tra, khảo sát lại đòi hỏi chi phí lớn, mất thời gian và quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu cá nhân nằm trong các cơ quan quản lý, mạng xã hội, hoặc các nhà cung ứng dịch vụ là rất lớn. Vậy các nhà cung ứng có lượng dữ liệu cá nhân có được sử dụng dữ liệu này đưa cho các công ty khác để phân tích, tính toán hay không? Đây là câu hỏi mang tính pháp lý, đồng thời mang tính đạo đức. Nếu chúng ta chưa có một khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác dữ liệu, sẽ rơi vào một trạng thái hỗn loạn về số liệu. Việc sử dụng dữ liệu không có đạo đức, không có nguyên tắc, sẽ vi phạm đời sống riêng tư của cá nhân. Do đó, cần phải có hệ thống lập pháp song hành để kiểm soát hành vi, lượng truy cập vào dữ liệu cá nhân. Việt Nam đang còn thiếu điều này, vì thế với sự phát triển công nghệ, cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý cũng phải có sự phát triển thích hợp thì mới có thể quản lý được xã hội; nếu không, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội và đạo đức". PSG.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
"Vụ Thống kê giá đang thực hiện dự án phát triển chỉ số giá bất động sản ở Việt Nam. Trong đó, dự án đã sử dụng nguồn dữ liệu bigdata từ các tin rao bán hoặc cho thuê bất động sản để xác định những yếu tố ảnh hưởng tới giá của bất động sản tại từng khu vực, từ đó tính toán chỉ số giá bất động sản ở Việt Nam. Đây là chỉ số rất quan trọng có ảnh hưởng đến vấn đề tăng giảm của nền kinh tế, việc làm, sở hữu, giao dịch nhà, tăng nguồn thu cho thuế và tiêu dùng. Quốc gia có chỉ số bất động sản là cốt lõi về chiến sách tiền tệ, tài chính. Thống kê chỉ số bất động sản sẽ giúp các cơ quan quản lý có thể nhanh chóng định giá, chống lại nạn đầu cơ tích trữ. Cụ thể, từ tháng 6 -11/2018, Cục Thống kê đã thu thập được gần 200 nghìn bản ghi tin rao bán và cho thuê bất động sản. Đã phân tách thành các trường dữ liệu khác nhau về các loại hình bất động sản để ở như biệt thự, chung cư, đất, nhà liền kề, nhà mặt phố… Hiện tại Vụ Thống kê giá lựa chọn website dựa trên lượng tìm kiếm, lượng truy cập, số thành viên đăng kí, thu thập tin giáo sau đó về xử lý thông tin. Tuy nhiên, thông tin tại các website rất lớn nên chứa nhiều lỗi như chuẩn hóa về địa chỉ bất động sản, bởi nguồn thông tin được ghi ở dưới nhiều chữ tiếng việt khác nhau, viết tên phố, hoặc thiếu tên… Hơn nữa, do bất động sản là loại hình hàng hóa đặc biệt, mỗi ngôi nhà không giống nhau mất rất nhiều thời gian để lọa bỏ các thông tin trùng cũng như tách phân tích nhà mặt phố, chung cư, các đặc tính của căn hộ để có kết quả chính xác". Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê |