Aa

Lợi nhuận các đại gia phân phối ôtô giảm sâu

Thứ Năm, 20/02/2020 - 11:22

Nhiều công ty phân phối ôtô ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận giảm do thị trường bị cạnh tranh gay gắt, các công ty phải chạy đua xử lý tồn kho, tăng cường các chương trình ưu đãi, cạnh tranh giá bán…

Tổng doanh số ôtô bán ra toàn thị trường năm 2019 ghi nhận mức tăng 12% đạt hơn 322.300 chiếc, theo báo cáo của VAMA. 

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Công ty ôtô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX) ghi nhận doanh thu thuần 5.153 tỷ đồng trong năm qua, tăng 8%. Riêng mảng phân phối xe, công ty bán được 2.670 chiếc Mercedes, tăng hơn 11% và có doanh số 4.776 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Công ty cũng cho biết năm 2019 thị trường xe ôtô Việt Nam tăng trưởng về số lượng xe bán ra. Nhằm gia tăng doanh số và tăng thị phần xe Mercedes, Haxco không ngừng đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về giá và chương trình khuyến mãi… trong chính sách bán hàng.

Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng cho biết giai đoạn cuối năm 2019 càng bán càng lỗ, do công ty không dám chạy chỉ tiêu mà quyết định dừng doanh số do đạt định mức thưởng.

Đây là khó khăn chung của nhóm phân phối Mercedes trong năm 2019 bởi đúng thời điểm cuối chu kỳ của nhiều dòng xe nên các đại lý phải xử lý tồn kho, chấp nhận bán lỗ.

Haxaco đứt mạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019.

Chính sách bán hàng tác động ngay đến doanh nghiệp. Lợi nhuận gộp của riêng mảng bán xe gần 130 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ và ứng với biên lợi nhuận gộp chỉ 2,7%. Cộng thêm việc các chi phí lãi vay, bán hàng tăng cao khiến đơn vị phân phối Mercedes chỉ còn lãi gần 51 tỷ đồng, giảm phân nửa cùng kỳ.

Dù gặp khó khăn, Haxaco vẫn có nhiều kế hoạch mở rộng thị trường. Công ty dự kiến triển khai rộng rãi mô hình cho thuê xe sang với 50 đầu xe tại Hà Nội và Sài Gòn, mua lại một số đại lý phân phối khác, tăng cường mảng sửa chữa được xem là điểm mạnh của doanh nghiệp…

Công ty dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC) cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi doanh thu thuần tăng 23% đạt 18.290 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận lại giảm 22% về mức 233 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp thấp hơn cùng các chi phí tài chính và bán hàng gia tăng.

Theo công ty, thị trường ôtô cuối năm 2019 chứng kiến sản lượng cung ứng từ các nhà sản xuất ra thị trường tăng đột biến, giá bán liên tục giảm tác động đến hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống Savico vẫn gia tăng được thị phần và hoàn thành được kế hoạch năm.

Savico là một trong những đơn vị phân phối ôtô lớn nhất tại Việt Nam với 11% thị phần. Khác với Haxaco chỉ chuyên phân phối hãng Mercedes, Savico phân phối hầu hết dòng xe trên thị trường. Các thương hiệu công ty phân phối là xe Volvo, Toyota, Ford, Honda, Chevrolet, Hyundai, Suzuki, Mitsubishi, Hino, Isuzu.

Công ty City Auto (HoSE: CTF) có doanh thu thuần tăng 86% lên 6.326 tỷ đồng trong năm vừa qua, một phần nhờ hợp nhất thêm hai đại lý Hyundai. Biên lợi nhuận gộp chỉ còn 5,6% so với mức 7,1% của năm trước.

Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý cũng đều tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 42 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. City Auto cho biết thị trường cuối năm biến động lớn khi cung nhiều hơn cầu, các thương hiệu tranh bán nhằm giảm tồn kho và khoản thưởng từ Ford thấp hơn ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh.

City Auto cũng là đơn vị đang mở rộng nhanh trong năm qua. Ngoài là đại lý ủy quyền chính thức của Ford, công ty còn kinh doanh thương hiệu Hyundai. Một số khoản đầu tư mới của công ty như mua lại 58% vốn Auto Trường Chinh, rót thêm vốn vào ôtô Nha Trang, nâng sở hữu ôtô Phú Mỹ và lập công ty con City Auto Vũng Tàu. Công ty mới đây còn quyết định huy động vốn từ cổ đông để mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng như bổ sung vốn lưu động cho việc nhập thêm xe ôtô với Ford Việt Nam.

Ngành ôtô phân hóa

Tình trạng cạnh tranh gay gắt và thanh lý các dòng xe cũ dự kiến tiếp tục gây áp lực trong năm nay. Ngành ôtô cũng sẽ phân hóa theo hướng các công ty lắp rắp và thương mại gặp khó trong khi các công ty nhập khẩu xe có thể hưởng lợi.

Báo cáo của VAMA cho thấy doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12% trong năm qua khi chỉ tiêu thụ được 189.450 chiếc, trong khi xe nhập khẩu lại tăng 82% so với cùng kỳ đạt 132.872 chiếc.

Nguồn Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA.

Tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) tiêu thụ xe nhập khẩu tại Việt Nam khoảng 15% trong 5 năm gần đây, theo báo của chứng khoán BSC. Sự tăng trưởng này nhờ nhu cầu sử dụng ôtô tăng lên, ưu đãi thuế 0% từ các nước ASEAN và các hiệp định mới như CPTPP, EVFTA. Điều này có thể khiến cho ôtô nhập khẩu tăng sức cạnh tranh và gây áp lực đến sản xuất nội địa.

Xe thương mại gặp khó do tác động quy định siết tải trọng năm 2015, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và giá thành xe sử dụng động cơ Euro 4 cao hơn Euro 2 khoảng 200-300 triệu đồng một chiếc ảnh hưởng nhu cầu mua xe.

Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát cũng có tác động nhất định đến ngành ôtô. Chứng khoán BSC cho rằng dịch bệnh đang khiến nhiều nhà sản xuất lớn (tập trung ở Trung Quốc) trì hoãn hoạt động sản xuất, có thể giảm áp lực dư cung đến các nước lân cận.

Với các doanh nghiệp có sẵn lượng hàng tồn kho hợp lý, BSC dự báo các công ty này sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sức cầu suy giảm là yếu tố gây áp lực lên ngành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top