Aa

Đạt 7.000 tỷ đồng trong quý I, Hòa Phát ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận trong suốt 30 năm

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Năm, 22/04/2021 - 16:45

Trong quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý I/2020.

Ngày 22/4/2021, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. 

Lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, nhà sản xuất thép đứng thứ 48 trên thế giới 

Tham dự Đại hội có gần 500 đại biểu, đại diện cho 774 cổ đông trên tổng số trên 62.000 cổ đông, nắm giữ 2,48 tỷ cổ phần, chiếm 74,9% cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc, năm 2020 đại dịch Covid-19 càn quét trên phạm vi toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy về việc làm và tổn thất kinh tế. Tuy nhiên, năm 2020 lại là năm ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất của Hòa Phát. Hệ sinh thái Hòa Phát được tạo dựng trên nền tảng chuỗi sản xuất khép kín đã thể hiện sức bật mạnh mẽ của mình. 

Đại hội đồng cổ đông Hòa Phát 2021

Lợi nhuận sau thuế cả năm của Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch đề ra, tăng 78% so với cùng kỳ và cao gấp gần 10 lần so với năm 2010. Doanh thu đạt trên 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và  gấp 6,3 lần sau 10 năm (so với  năm 2010). Đây là con số kỷ lục đối với một doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát, đặc biệt kỷ lục này đã được ghi trong một năm đặc biệt như 2020.

Với kết quả kinh doanh cao, Hòa Phát đóng góp cho Ngân sách Nhà nước 7.300 tỷ tương đương với tỉnh nằm trong Top 40 nộp thuế cao nhất. Tổng số tiền Hòa Phát dành cho các hoạt động xã hội, từ thiện năm 2020 đạt 32 tỷ đồng

Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, đóng góp 84% doanh thu và 82% lợi nhuận sau thuế 2020. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vượt 300% so với công suất của Hòa Phát.

Từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 8 triệu tấn/năm Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu (theo World Steel 2020).

Doanh thu và LNST Hòa Phát

Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những bước tiến vượt bậc khi tăng trưởng doanh thu đạt 32% và đóng góp 12% doanh thu của Tập đoàn. Đặc biệt, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2019. Bò Úc giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu của thị trường. Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Các Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy lên tới 100%. Hòa Phát cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư mở rộng KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ II. 

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành bao gồm Gang thép, Sản phẩm thép, Nông nghiệp và Bất động sản. 4 nhóm ngành được quản lý theo từng Tổng công ty độc lập tuy nhiên các lĩnh vực đều phát triển với tính tương hỗ cao trong hệ sinh thái các sản phẩm của Tập đoàn. 

Lợi nhuận quý I/2021 đạt kỷ lục mới 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ

Tại Đại hội, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận và thông qua như kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021, phương án chia cổ tức năm 2020 và dự kiến cổ tức năm 2021; phương án dự kiến trích lập các quỹ năm 2021, dự án sản xuất vỏ container,…

Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch tiêu thụ 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng, 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng, 920.000 tấn ống thép và trên 300.000 tấn tôn mạ các loại. Về chỉ tiêu kinh doanh, Đại hội thông qua kế hoạch 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức tăng 31,4% và 33% so với thực hiện năm 2020. 

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long thông tin, trong quý I, Tập đoàn Hòa Phát đã ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý I/2020. Trong tổng lợi nhuận trên có 6.500 tỷ là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 500 tỷ từ việc thoái vốn mảng nội thất.

Trong quý đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với quý I/2020. Sản phẩm HRC trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý IV/2020. Nhờ tự chủ được nguyên liệu HRC, sản phẩm ống thép và tôn mạ của Hòa Phát cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản cũng có những tăng trưởng khả quan. 

Thời gian qua, giá nguyên liệu sản xuất chính như quặng sắt, than có biến động mạnh. Tuy nhiên, với nền tảng hệ sinh thái vững vàng và những giải pháp đồng bộ, Hòa Phát vẫn đạt mức sản lượng sản xuất và bán hàng rất cao, biên lợi nhuận được giữ ở mức tốt. Tập đoàn đã sở hữu đội tàu cỡ lớn đầu tiên, có hệ thống cảng biển nước sâu,… Hơn nữa, trình độ quản trị sản xuất tại doanh nghiệp ngày càng được nâng cao và hiệu quả, đem lại sức cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm của Hòa Phát trên thị trường.

Trả lời cổ đông về dự án sản xuất vỏ container, ông Trần Đình Long nói: “Có nhiều yếu tố thuận lợi để Hòa Phát làm container. Thép chiếm 60% chi phí sản xuất container, Hòa Phát làm được loại thép HRC đặc chủng kháng thời tiết. Nhu cầu thị trường lại cao nên Tập đoàn quyết định làm. Thuận lợi là rất nhiều, là cơ bản. Nếu làm đúng mục tiêu 500.000 container thì cũng tiêu thụ được lượng lớn thép của Dung Quất”.  

Ra mắt HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026, cổ tức năm 2020 là 40%

Đại hội đồng cổ đông đã bầu các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2016, thông qua việc đầu tư dự án Dung Quất 2; Điều lệ Công ty sửa đổi, quy chế hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát và một số nội dung quan trọng khác. 

Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới của Tập đoàn Hòa Phát có 7 thành viên bao gồm: Ông Trần Đình Long, ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường, ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang và ông Nguyễn Việt Thắng.  

Ban Kiểm soát giai đoạn 2021 - 2026 gồm 4 thành viên gồm: Bà Bùi Thị Hải Vân, bà Ngô Lan Anh, bà Lê Minh Thúy và bà Thái Thị Lộc.

Các cổ đông HPG cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 40%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong quý II - quý III năm 2021. Tỷ lệ cổ tức 2021 dự kiến là 40%. Tỷ lệ chia cổ tức 2020 và dự kiến 2021 đều tăng lên so với tờ trình của HĐQT trước khi Đại hội diễn ra.

Triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ năm 2022

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại (Dung Quất 1) và dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Dung Quất 2) nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các cổ đông. Dung Quất 1 đã hoàn thành và bắt đầu hoạt động thử nghiệm đồng bộ từ tháng 1/2021. Tấn thép HRC thứ 1 triệu đã ra đời một tháng sau đó. Các nhà máy hiện tại đều đã chạy hết công suất thiết kế nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thị trường.

Theo Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, dự án Dung Quất 2 đã nằm trong kế hoạch phát triển 10 năm của Hòa Phát và làm tương đối thuận lợi trong giai đoạn này. Tổng nhu cầu HRC 12 triệu tấn, tăng trưởng 10%/năm. Hòa Phát và Formosa làm được khoảng 8 triệu nên mới quyết định đầu tư Dung Quất 2. Hiện nay mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000 - 300.000 tấn HRC nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết. 

Chính vì vậy, Tập đoàn đang đẩy nhanh thủ tục pháp lí, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC); 01 triệu thép thanh, thép dây chất lượng cao. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng. 

Với diện tích 283,73ha, Dung Quất 2 dự kiến có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng. Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn/năm, dự kiến lọt vào Top 25 Doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top