Aa

Lợi nhuận ngân hàng bước vào thời kỳ phân hóa sâu

Thứ Tư, 13/09/2017 - 14:01

Nới tăng trưởng tín dụng cùng với việc thuận lợi hơn trong xử lý tài sản bảo đảm là 2 yếu tố mới khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng bước vào thời kỳ phân hóa sâu hơn.

Cơ hội chung, sức bật riêng

Nới tăng trưởng tín dụng lên trên 21% là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo sự chỉ đạo, tất nhiên phải nới tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại. Đây là cơ hội chung cho “giới buôn tiền”.

Theo một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), một số ngân hàng đã được phép tăng trưởng tín dụng tới 24%. Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank và ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng mới dao động từ 18-20%. Trong khi đó, các ngân hàng khác như MB hay VPBank có thể được phép đặt kế hoạch tăng trưởng cao hơn.

Lợi nhuận ngân hàng đang bước vào thời kỳ phân hóa sâu

Lợi nhuận ngân hàng đang bước vào thời kỳ phân hóa sâu

Muốn dồn nhiều tiền hơn vào tín dụng, hoặc là các ngân hàng phải “lấy chỗ nọ bù vào chỗ kia”, hoặc là phải tăng vốn (chủ yếu thông qua tăng tiền gửi khách hàng), hoặc cả hai. Nhưng dù là cách nào thì rủi ro tài chính của các ngân hàng cũng tăng, bởi một mặt, tín dụng là tài sản rủi ro cao, mặt khác, tăng tiền gửi khách hàng đồng nghĩa với tăng đòn bẩy tài chính (trong bối cảnh triển vọng tăng vốn chủ sở hữu từ nguồn bên ngoài của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc).

Nếu ví giới ngân hàng có một “trần rủi ro tài chính” chung thì những ngân hàng ở gần “trần” sẽ có ít dư địa tận dụng cơ hội nới tăng trưởng tín dụng hơn các ngân hàng ở xa “trần”. 

Khó có ngân hàng nào quyết định “vượt trần” bởi đi liền theo đó là nhiều hệ lụy khôn lường, hơn nữa, bản thân NHNN cũng căn cứ vào tình hình tài chính từng ngân hàng mà quyết định trần tăng trưởng tín dụng cụ thể cho mỗi ngân hàng.

Đơn cử như “tam trụ” ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV. Xét trên khía cạnh đòn bẩy tài chính, tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Vietcombank gấp 15,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, con số này ở VietinBank và BIDV lần lượt là 16,2 lần và 21,8 lần.

Riêng trên khía cạnh này, có thể thấy ngay BIDV sát “trần rủi ro tài chính” nhất, đồng nghĩa ít tận dụng được cơ hội nới tăng trưởng tín dụng nhất.

Nhiều ngân hàng được nới tăng trưởng tín dụng, nhưng với mức độ khác nhau

Nhiều ngân hàng được nới tăng trưởng tín dụng, nhưng với mức độ khác nhau

Ở một khía cạnh khác, đến hết ngày 30/6/2017, dư nợ tín dụng chiếm 72,2% tổng tài sản của BIDV, trong khi con số này ở Vietcombank và VietinBank chỉ là 60,5% và 69,7%. Một lần nữa, BIDV sát “trần rủi ro tài chính” nhất.

Ngược lại, Vietcombank được nhìn nhận là ngân hàng có nhiều dư địa tận dụng cơ hội nới tăng trưởng tín dụng nhất trong số “tam trụ”.

Càng xa “trần rủi ro tài chính”, sức bật của ngân hàng trước cơ hội nới tăng trưởng tín dụng càng lớn. Đây cũng là yếu tố mới khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng tiếp tục phân hóa sâu hơn.

Lãi, lỗ bất thường từ xử lý nợ xấu

Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đã chính thức có hiệu lực được 1 tháng. Việc thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC và các ngân hàng đang diễn ra ngày một quyết liệt. Mở màn là diễn biến VAMC thu giữ tài sản bảo đảm là cao ốc Saigon One Tower để xử lý khoản nợ 7.000 tỷ.

Với Techcombank, tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, ngân hàng này đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của nhiều cá nhân và tổ chức.

Hay như Agribank cũng thông báo kế hoạch phối hợp với Agribank chi nhánh Sở Giao dịch áp dụng chế tài tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo của công ty Vinalines Đông Đô là trạm biến áp tại xã Tam Hưng, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. 

Thu giữ tài sản bảo đảm thuận lợi, nợ xấu chắc chắn sẽ được xử lý nhanh hơn, đấy cũng là sứ mệnh của Nghị quyết 42. Một khoản nợ xấu khi đã được xử lý, đồng nghĩa là đã xác định được ngân hàng (hay các tổ chức tín dụng nói chung) chịu thiệt hại bao nhiêu. Nếu thiệt hại thấp hơn lượng dự phòng đã trích lập, ngân hàng sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng, làm tăng lợi nhuận kinh doanh.

Ngược lại, nếu thiệt hại nhiều hơn lượng dự phòng đã trích lập, ngân hàng sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận kinh doanh.

Nhiều ngân hàng có thể ghi nhận lãi bất thường từ xử lý nợ xấu, nhưng ngược lại, nhiều ngân hàng cũng sẽ buộc phải ghi nhận lỗ bất thường từ hoạt động này

Nhiều ngân hàng có thể ghi nhận lãi bất thường từ xử lý nợ xấu, nhưng ngược lại, nhiều ngân hàng cũng sẽ buộc phải ghi nhận lỗ bất thường từ hoạt động này

Báo cáo mới đây của HSC chỉ ra rằng, nhiều ngân hàng thương mại đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu trong vài năm qua, có thể hạch toán lợi nhuận bất thường khi tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu được bán.

Chẳng hạn như Vietcombank đã trích lập xong cho 3.228 tỷ đồng trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm 2016. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi là 30% thì ngân hàng này có thể hạch toán được 998 tỷ đồng lợi nhuận bất thường; tương đương 9,17% lợi nhuận trước thuế năm 2017.

Một trường hợp khác là Techcombank đã trích lập xong cho 2.992 tỷ đồng trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối tháng 6/2017. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi là 30% thì Techcombank có thể hạch toán được 897 tỷ đồng lợi nhuận bất thường; tương đương 17,8% lợi nhuận trước thuế năm 2017.

Với ACB, ngân hàng này sẽ trích lập toàn bộ cho 3.500 tỷ đồng nợ nhóm G6 từ trước để lại vào cuối năm 2017. Nếu giả định lệ thu hồi chỉ là 30% thì ACB có thể hạch toán được 1.050 tỷ đồng lợi nhuận bất thường; tương đương 45% LNTT năm 2017. 

Đó là một số trường hợp tiêu biểu có thể lãi bất thường từ xử lý nợ xấu, và còn có thể có những trường hợp khác nữa. Bản thân điều này đã có thể tạo thêm sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng.

Thế nhưng, trường hợp ngược lại thậm chí còn tạo phân hóa lớn hơn, đó là việc lỗ bất thường từ xử lý nợ xấu. Trường hợp này được nhìn nhận rằng phổ biến hơn, bởi rất nhiều khoản nợ xấu hiện nay vẫn còn tiềm ẩn (nghĩa là chưa được trích lập dự phòng), được cơ cấu lại (nghĩa là trích lập dự phòng chưa đầy đủ), nhiều khoản nợ xấu khác được giãn thời gian trích lập dự phòng (theo các đề án tái cơ cấu).

Ví dụ tiêu biểu nhất có thể kể đến 3 ngân hàng là Agribank, Sacombank và SCB. Đây là 3 ngân hàng được đánh giá là có lượng nợ xấu được giãn thời gian trích lập dự phòng, nợ xấu được cơ cấu lại và nợ xấu tiềm ẩn lớn nhất hệ thống. 

Với Sacombank, nợ xấu thực tế được Chủ tịch Dương Công Minh ước tính là khoảng 60.000 tỷ. Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết nợ xấu năm 2015 của Agribank là hơn 73.000 tỷ. Còn SCB hiện đang có lượng các khoản phải thu và lãi dự thu lên đến gần 58.000 tỷ đồng.

Cùng với nới tăng trưởng tín dụng, việc xử lý tài sản bảo đảm thuận lợi hơn theo Nghị quyết 42 cũng là yếu tố khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng phân hóa sâu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top