Aa

Lợi nhuận ngân hàng không chỉ màu hồng

Thứ Bảy, 12/12/2020 - 06:15

Có 12 ngân hàng thương mại đang trải qua lợi nhuận tăng trưởng âm, có những mức giảm sâu hai chữ số, cá biệt đà rơi tính bằng lần…

Sau kỳ báo cáo tài chính quý 3/2020, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đạt tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ, thậm chí đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Nhưng đó không phải là điểm chung của toàn ngành. Lợi nhuận ngân hàng năm nay dự kiến không hẳn “khủng” như cảm quan khi nhìn vào đơn vị hàng nghìn tỷ.

Môi trường khó khăn và rủi ro bộc lộ. Khách hàng chống chọi với đại dịch Covid-19, lợi nhuận các nhà băng tổng thể cũng suy giảm mà trong đó có phần hỗ trợ qua giảm lãi suất và phí dịch vụ, cũng như trích lập dự phòng rủi ro tăng lên.

Lát cắt lớn từ trích lập dự phòng

Ở một nguồn tập hợp dữ liệu tin cậy mà PV tham khảo, tính đến 31/10/2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh toàn hệ thống NHTM trước chi phí dự phòng rủi ro vẫn đạt tăng trưởng, với 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đã suy giảm rất mạnh so với tốc độ 32% của cùng kỳ 2019.

Ngược lại, chi phí dự phòng toàn hệ thống ước tính đến thời điểm trên đã tăng khoảng 17,1%, trong khi cùng kỳ năm trước lại giảm nhẹ 0,9%. Diễn biến này đặt trong môi trường kinh doanh có rủi ro bộc lộ từ ảnh hưởng của Covid-19, nợ xấu có xu hướng tăng lên thời gian qua, các NHTM tăng cường nguồn lực phòng thủ.

Tổng thể, với mức tăng nói trên, tổng số trích dự phòng đến 31/10/2020 của hệ thống ước khoảng 121.048 tỷ đồng, “cắt” đi gần phân nửa tổng lợi nhuận trước dự phòng, và theo đó lợi nhuận trước thuế sau khi trích dự phòng toàn hệ thống chỉ còn khoảng 124.539 tỷ đồng.

Với lát cắt chi phí trích lập dự phòng nói trên, mặc dù tổng lợi nhuận trước dự phòng vẫn tăng trưởng khoảng 11,5% như đề cập ở trên, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế sau đó đã sụt giảm -5,6% so với cùng kỳ 2019. Mức suy giảm đó trở nên chênh lệch lớn khi so với mức tăng trưởng tới 32,8% cùng kỳ năm trước đạt được.

Nguồn dữ liệu thống kê PV tìm hiểu cho thấy, như thể hiện ở kỳ báo cáo tài chính quý 3 vừa qua, một số NHTM tiếp tục có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 10 tháng đầu năm nay là MSB, SeABank, VIB, HDBank với mức tăng từ 35% đến gần 90% với cùng kỳ; một số thành viên giữ tốc độ tăng trưởng khả quan như VietinBank, VPBank, Techcombank, TPBank, BIDV, ABBank, VietABank, ACB… với mức độ hai chữ số. Hoặc có trường hợp lợi nhuận trước dự phòng tăng rất cao như SHB, nhưng tại đây có xu hướng tập trung thêm nguồn lực trích lập dự phòng trong năm nay nên ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận sau dự phòng.

Tuy nhiên, khá nhiều thành viên có tăng trưởng lợi nhuận 10 tháng ước tính sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ 2019. Thống kê cho thấy có 12/35 NHTM đang có xu hướng tăng trưởng lợi nhuận âm qua 10 tháng đầu năm. Trong đó có Vietcombank như đã thể hiện ở kỳ báo cáo quý 3, hay “ông lớn” Agribank, Sacombank.

Một số thành viên trong nhóm 12 NHTM nói trên ước tính có mức sụt giảm khá lớn so với cùng kỳ 2019, thậm chí giảm từ 30% đến 60%, cá biệt tính bằng lần và nhiều lần, tạm tính đến 31/10/2020.

Như vậy, trong nhóm có lợi nhuận tăng trưởng âm có những thành viên quy mô lớn và tạo trọng số chung kéo lợi nhuận trước thuế toàn ngành sụt giảm.

Những cấu phần hỗ trợ giảm lãi vay và phí dịch vụ

Các dữ liệu trên cập nhật sơ bộ vào tháng 10, chỉ mang tính tương đối, cũng như chưa phản ánh đầy đủ mức độ cần phải trích lập dự phòng mà các NHTM thường tập trung thực hiện vào cuối kỳ, đặc biệt ở kỳ chốt sổ năm 2020 sắp tới.

Tuy nhiên, mức độ “cắt gần một nửa” lợi nhuận bởi chi phí trích lập dự phòng cho thấy môi trường kinh doanh rủi ro đã và đang ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống.

Mặt khác, lợi nhuận toàn ngành ước tính sụt giảm như trên còn gắn với việc thực hiện các chương trình giảm lãi suất cho vay, cùng miễn giảm chi phí nhiều loại dịch vụ, thực hiện qua các đợt từ đầu năm đến nay nhằm hỗ trợ khách hàng trước đại dịch Covid-19.

Dữ liệu cập nhật cho thấy, mức thu nhập lãi thuần, gắn trọng tâm với tín dụng, của toàn hệ thống đã suy giảm hẳn về tốc độ tăng trưởng sau 10 tháng, ước chỉ còn tăng 3,7% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ 2019 vẫn đạt tới 10,8%.

Ở nguồn khác, cùng với chính sách giảm lãi suất cho vay, thu từ hoạt động dịch vụ của toàn hệ thống 10 tháng dù có tăng trưởng khá (13,2%), nhưng đã suy giảm mạnh so với tốc độ lên tới 37,2% của cùng kỳ năm trước đạt được. Điều này được nhìn nhận có một phần hệ thống đã chia sẻ qua các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng trước tác động của đại dịch.

Dù vậy, thu dịch vụ tiếp tục gia tăng đáng kể giúp toàn hệ thống bớt dựa vào thu tín dụng, cũng như gián tiếp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Cùng đó, một trụ cột đang thể hiện sức đỡ lợi nhuận hệ thống nổi bật là kinh doanh ngoại hối.

Dù chỉ đóng góp ước tính 13.729 tỷ đồng cho lợi nhuận toàn hệ thống 10 tháng đầu năm nay, nhưng tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đã đạt tới 25,6% so với cùng kỳ. Điểm sáng này đặt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND gần như ổn định suốt từ đầu năm, nhưng lãi biên mua - bán ngoại tệ đã nới rộng, cùng đó quy mô giao dịch của thị trường này nở theo quy mô ngoại thương, đầu tư nước ngoài… của nền kinh tế.

Ngoài ra, lãi thuần từ các hoạt động khác, gắn với hoạt động đầu tư và khối kinh doanh nguồn vốn… cũng có đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận hệ thống, 10 tháng ước tính đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ 2019 đã thấp hơn nhiều mức độ của một năm trước trong cùng so sánh (84,8%).

Về tổng thể, tỷ trọng thu ngoài lãi trong lợi nhuận toàn hệ thống đã chiếm trên 28%; trong đó, như trên, các nguồn thu phi tín dụng, từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… tiếp tục đạt tăng trưởng khá cao, phản ánh xu hướng bền vững hơn về lợi nhuận, thay vì nhiều năm trước đây chủ yếu tập trung vào khai thác cho vay (chiếm tỷ trọng trên 80%, thậm chí trên 90% cơ cấu lợi nhuận)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top