Tuy mới chỉ có MBBank công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2017, nhưng nhiều ngân hàng cỡ lớn khác cũng đã sơ kết kết quả kinh doanh với những con số vô cùng ấn tượng.
Hàng loạt ngân hàng lãi kỷ lục
Mới đây nhất, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết lãi trước thuế của ngân hàng này năm 2017 là hơn 9.200 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hơn 30 năm kinh doanh của ngân hàng.
Trước đó, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cũng cho hay lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2016. Ông Dũng cho hay đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử của Vietcombank.
Một “ông lớn” ngân hàng khác là BIDV cách đây không lâu cũng công bố mức lãi trước thuế kỷ lục 8.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến nay, MBBank là NHTM duy nhất đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo đó, năm qua MBBank ghi nhận khoản lãi trước thuế tăng tới 44% đạt 5.355 tỷ đồng, cùng với đó khoản lãi ròng sau thuế cũng đạt 4.294 tỷ đồng, tăng tương ứng 44%.
Không chỉ nhóm ngân hàng có phần vốn Nhà nước báo lãi lớn, các ngân hàng TMCP tư nhân cũng có những khoản lợi nhuận cao đột biến năm qua như HDBank lãi trước thuế 2.420 tỷ đồng. Cùng với nhiều ngân hàng khác như VPBank, Techcombank… đã báo lãi kỷ lục hàng nghìn tỷ đồng sau 9 tháng năm 2017.
Lợi nhuận đến từ đâu?
Việc các ngân hàng báo lãi tăng trưởng hai con số, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi những khoản lãi đột biến này đến từ đâu.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - cho biết năm vừa qua các ngân hàng báo lãi đột biến đa phần vẫn là đến từ tín dụng.
“Cứ nhìn tăng trưởng tín dụng thì sẽ thấy, hầu hết mọi người đều tăng trưởng kịch kim hết, từ 19-20%, nên lợi nhuận tăng nhiều chính là từ đây”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết lợi nhuận các ngân hàng Việt đã bắt đầu manh nha, nhưng chưa thể hiện rõ, từ phi tín dụng. “Nhiều ngân hàng hiện nay định hướng phát triển mô hình công nghệ mới, họ không chỉ tập trung cho vay mà còn tập trung vào công nghệ giải pháp để tăng lợi nhuận phi tín dụng”, vị Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết.
Theo tổng giám đốc HSBC Việt Nam, sẽ phải mất một thời gian tương đối dài nữa thì các ngân hàng Việt mới có thể tạo ra phần thu nhập từ tín dụng và phi tín dụng một cách cân đối để duy trì khoản lợi nhuận ổn định hàng năm, chứ không phải theo kiểu nay lãi mai lỗ.
“Khi kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, thì ai cũng kinh doanh tốt hết, bất kể là mạnh hay yếu, chỉ có điều lãi nhiều hay ít. Nhưng khi thị trường đi xuống, kinh tế vĩ mô giảm tốc thì mới thấy rõ ai là người có vấn đề”, ông Hải lưu ý.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB - cũng cho rằng lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh năm qua có phần rất lớn từ tín dụng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng còn nhiều khoản khác khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng cao đột biến như vậy.
Theo ông Toại, các ngân hàng cần phải minh bạch lợi nhuận. Những người trong ngành chỉ cần đọc báo cáo tài chính là biết ngân hàng nào lãi hay không, lỗ thì là lỗ thật nhưng lãi có thể là lãi giả.
Ông Toại cũng cho biết việc ngân hàng hạch toán lợi nhuận cao có thể phục vụ mục đích khác như tác động đến dòng cổ phiếu. Vị lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, lợi nhuận ngân hàng cần phải nhìn bằng con mắt chuyên môn để phân tích như thế nào chứ không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận.