Lợi nhuận ngân hàng và sức khoẻ doanh nghiệp

Lợi nhuận ngân hàng và sức khoẻ doanh nghiệp

Thứ Bảy, 31/07/2021 - 06:00

Vốn là ngành kinh doanh tiền và đóng vai trò lớn trong việc điều tiết dòng tiền của nền kinh tế, sức khoẻ của các ngân hàng luôn cần trụ vững. Gần 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các ngân hàng vẫn luôn là điểm sáng khi ít nhất vẫn giữ cho lợi nhuận không giảm hoặc duy trì được đà tăng.

Tính đến cuối tháng 7/2021, có khoảng 20 ngân hàng công bố hoặc hé lộ lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng phổ biến từ 30 - 50% so với 6 tháng năm 2020. Tại một số ngân hàng nhỏ, lợi nhuận tăng bằng lần, như Kienlongbank tăng gấp 7 lần cùng kỳ, NCB và Viet Capital Bank lợi nhuận tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Ngân hàng vẫn có lợi nhuận ấn tượng nhất là Vietcombank với 6 tháng đạt 14.800 tỷ đồng, tiếp theo là Vietinbank với 13.000 tỷ đồng…

Con số các ngân hàng mới đây công bố có phần thấp hơn dự báo của các công ty chứng khoán hồi đầu tháng 7. Chẳng hạn như, SSI Research đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng ACB có thể đạt tốc độ tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo này được giải thích bởi tín dụng tăng tới 19 - 20% so với cùng kỳ và tỷ lệ thu nhập lãi thuần nới rộng so với cùng kỳ. Hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của ACB cũng vẫn phát triển mạnh.

SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của Ngân hàng BIDV đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 7% so với đầu năm (cao hơn mức 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020) và tỷ lệ thu nhập lãi thuần cũng nới rộng so với cùng kỳ. Với Ngân hàng Tiên phong (TPBank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB), SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của 2 ngân hàng này lần lượt đạt 57,6% và 58% so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Techcombank dự kiến đạt 5.671 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 57% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tổng thu nhập hoạt động.

Cùng trong bối cảnh dịch bệnh, khách hàng của các ngân hàng lại có kết quả kinh doanh kém khả quan, và số doanh nghiệp giải thể rất lớn. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cụ thể, có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.

Vấn đề này cũng đã được trao đổi vào phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 10/6; tình hình thực hiện các kết quả kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tại cuộc họp, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng việc sức khoẻ doanh nghiệp đang rất yếu, vấn đề sản xuất kinh doanh đình trệ nhưng tín dụng lại tăng cao, dẫn đến chưa biết tín dụng đang chảy vào đâu. Trong khi, có tín hiệu cho thấy không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà những doanh nghiệp lớn cũng rút khỏi thị trường.

Hồi đầu tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Dự thảo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi báo cáo Thủ tướng, cho thấy 8 ngành nghề kinh doanh: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Có tới 90% doanh nghiệp du lịch không hoạt động, 10% cầm chừng. Đặc biệt, vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản; Bamboo Airways, Vietjet Air thiếu hụt tài chính… Dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với năm 2019.

Theo quan điểm của các nhà phân tích tài chính như ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset hay các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), một trong những yếu tố trọng yếu nhất giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay là do nhiều nhà băng nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi (đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng).

Trong khi thu nhập lãi và thu nhập tương tự vẫn tăng tốt, tốc độ tăng chi lãi và các chi phí tương tự của một số ngân hàng (chủ yếu gồm chi lãi tiền gửi và chi lãi phát hành giấy tờ có giá) tăng chậm so với cùng kỳ, thậm chí ở một số đơn vị còn lần đầu giảm sau nhiều năm như MB (-6%), VPBank (-19%), Techcombank (-24%), ACB (-18%).

Ở đây, chênh lệch thu chi từ lãi được nới rộng nhờ sự cộng hưởng của hai yếu tố. Một là lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất tiết kiệm. Hai là tăng trưởng tiền gửi từ dân cư thấp kỷ lục trong nửa đầu năm, một số ngân hàng cũng gia tăng nguồn vốn giá rẻ khác ngoài tiền gửi có kỳ hạn giúp cải thiện chi phí vốn.

Chênh lệch thu, chi từ lãi nới rộng khiến biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng tăng cao. Đây cũng là nguồn gốc nảy ra những ý kiến về việc ngân hàng lãi cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân kiệt sức vì dịch bệnh, là hiện tượng thiếu thiện cảm. Tuy nhiên, khoản lãi này sẽ giảm từ quý III tới, lý do vì khi đó các ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu. 

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các ngân hàng nếu thực hiện đúng các yêu cầu quy định tại Thông tư 03 thì lợi nhuận có thể sẽ bị giảm đi trên sổ sách vì trích lập dự phòng bổ sung trong một số trường hợp.

Quý II/2021 cũng là thời điểm quan trọng đối với các ngân hàng trong việc hạch toán các con số kinh doanh bởi ngân hàng bắt đầu thực hiện việc trích lập dự phòng theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2021. 

Thông tư 03 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một số nội dung cơ bản của Thông tư 01 ban hành cách đây hơn 1 năm là quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và các quy định về việc thực hiện giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã có một số thay đổi so với trước kia.

 

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bối cảnh hiện nay cần cấp bách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vì họ đang đứng trước "cửa tử". Trong bối cảnh lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước huy động ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một "tổ hợp tín dụng" cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, chỉ 3 - 5%/năm.

Trên thực tế, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác.

Cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021.

Trước đó, Hội Doanh nhân trẻ đã có văn bản đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chỉ đạo để hỗ trợ doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, Hội đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát lại những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.

Hội Doanh nhân trẻ cũng đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.

Trao đổi với báo chí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, giảm lãi suất không thể là mệnh lệnh hành chính, vì ngân hàng thương mại có quyền riêng của mình trong kinh doanh.

Nhưng nếu không giảm được lãi suất, ngân hàng cũng khó cho vay, cũng ách tắc. Vì thế, ngân hàng cũng cần tìm dự án, doanh nghiệp nào có thể cho vay mà giảm được lãi suất. Như vậy, hai bên đều có lợi. Chính sách hỗ trợ lãi suất là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là tiền đó đầu tư vào đâu. Với các doanh nghiệp có dự án quan trọng trong lĩnh vực cần ưu tiên được phục hồi thì có thể hỗ trợ theo các dự án đó.

Về phương thức, có thể bù lãi suất và cũng có thể giao các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi các dự án đó. Phần ưu đãi này được giảm khi ngân hàng đóng góp nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Như thế, thực chất cũng là dùng ngân sách để hỗ trợ, song ngân hàng có trách nhiệm và tích cực hơn để tìm được các dự án cho vay phù hợp.

Bên cạnh đó, một số quan điểm hiện nay cho rằng, nếu ưu đãi lãi suất không kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì đầu ra không có. Họ sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, và giai đoạn tới sẽ chịu hệ lụy. Một số doanh nghiệp sẽ đi vay ngân hàng hỗ trợ lãi 5% để gửi ngân hàng khác lãi tiền gửi 7%. Ý kiến này cũng không phải không có lý, bởi trong lần bùng phát dịch năm ngoái, đã có nhiều doanh nghiệp phản hồi dù đủ tiêu chí được giảm lãi suất nhưng thực tế không đến tay họ mà lại vào doanh nghiệp sân sau của ngân hàng.

Trong cơ cấu dòng vốn kinh doanh của doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng có khi chiếm tới 70 - 80%, thậm chí thực tế còn hơn thế nữa. Con số trên cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, và nó cũng cho thấy lãi suất ngân hàng được các doanh nghiệp “chấp nhận” trong trạng thái bình thường. Có nghĩa lãi suất ngân hàng là chi phí tài chính không quá lớn so với lợi nhuận thu về từ dòng vốn vay. Tuy nhiên, nếu vẫn số tiền vay đó, doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh được do cách ly, không xuất khẩu được, không có khách hàng, không có nguồn thu…, lãi suất lại là gánh nặng lớn. 

Ngược lại đối với ngân hàng, khi doanh nghiệp bị phá sản, khối nợ xấu phình to, ngân hàng trích lập dự phòng và hàng loạt vấn đề gây mất cân đối tài chính khác; đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng “vạ theo”. Nhưng nếu, ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp khách hàng của mình; lợi nhuận có thể giảm nhưng khách hàng “sống” thì mình cũng khoẻ trong tương lai.

Do đó, đa phần các chuyên gia đồng quan điểm rằng, tới đây Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cần làm quyết liệt để doanh nghiệp được “hồi sinh” thật sự, nền kinh tế vì đó mới có thể sớm phục hồi.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, lãi suất phải vận động theo quy luật thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất đầu vào giảm sâu sẽ khiến dòng tiền "chảy" ra khỏi hệ thống ngân hàng. Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ như miễn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất. Chỉ khi nào, doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi./.

31/07/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top