Phát triển chuỗi đô thị sông, biển vùng di sản miền Trung: Cơ hội và thách thức

Phát triển chuỗi đô thị sông, biển vùng di sản miền Trung: Cơ hội và thách thức

Thứ Hai, 11/07/2022 - 06:06

Quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị sông, biển ở miền Trung đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của chuyên gia, nhà khoa học.

*******

LTS: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam, trong đó có chuỗi đô thị sông, biển vùng di sản tại miền Trung chứa đựng nhiều nội hàm, xu thế, thực tiễn cần phân tích, định vị. Xung quanh nội dung này, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners đã dành cho Reatimes cuộc trao đổi hữu ích và nhiều thú vị.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch với trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế và nghiên cứu - giảng dạy tại các nước vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia… Là người Huế, ông am tường về vùng đất miền Trung và đã có nhiều đóng góp xây dựng, phát triển các tỉnh, thành phố của quê hương, nhất là lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, bảo tồn di sản, kiến trúc...

PV: Thưa KTS. Ngô Viết Nam Sơn, xây dựng đô thị gắn với sông, biển là xu thế phát triển tất yếu tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung nhiều đô thị có cả sông, biển và có hệ thống di sản lớn nên khái niệm mới về đô thị sông, biển vùng di sản được một số chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đặt ra. Loại hình đô thị này nên được hiểu và định vị như thế nào thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đô thị sông, biển là những đô thị gắn kết với sông, biển hoặc cả sông lẫn biển. Còn đô thị di sản thì không phải vùng nào cũng có di sản. Chẳng hạn như Huế, Hội An, Đà Lạt thì có tính chất đô thị di sản, còn các đô thị khác như Hà Nội, TP.HCM thì đô thị có một phần di sản mà thôi, còn lại thì nó phát triển đô thị mới nhiều hơn. Vì vậy khái niệm này thì tùy theo nơi chốn, tùy theo nhu cầu phát triển và điều kiện tự nhiên, điều kiện của từng hiện trạng các đô thị và tùy vào đó mà xác định nó di sản hay không di sản.

KTS Ngô Viết Nam Sơn
TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận trong một cuộc hội thảo tại Huế gần đây. (Ảnh: Đình Toàn)

Đối với miền Trung, tôi lấy ví dụ là Huế và Đà Nẵng. Với Huế, tính chất di sản khá là rõ. Bờ Bắc sông Hương thì có khu thành nội Huế là khu di sản; có khu “đô thị đảo” như Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Cát. Ở bờ Nam sông Hương thì thời Pháp, sau phát triển sang thế kỷ XX có khu trung tâm hiện hữu với nhiều công trình di sản ở đó, cộng thêm các khu lăng tẩm. Nói chung Huế thì tính chất di sản là rất rõ, khá đậm nét.

Còn với Đà Nẵng thì tính chất di sản ít hơn, Đà Nẵng không giữ nhiều giá trị di sản. Đà Nẵng chỉ có một số khu vực như thành cổ (thành Điện Hải) thì giữ được một phần và họ đang làm những bảo tàng; cũng có những công trình mới xen vào nên phần di sản có phần bị lấn át. Đà Nẵng cũng có Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng và một số công trình khác... Nói chung là tính chất di sản ít và không gìn giữ được nhiều. Vì thế nếu nói về phát triển đô thị thì Huế và Đà Nẵng phát triển như hai thái cực. Đà Nẵng thì có nhiều công trình mới hơn. Đô thị Đà Nẵng có cả núi, cả sông và cả biển.

Trong khi ở Huế có sông với núi mà thôi. Gần đây biển Thuận An ở thị trấn Thuận An mới sáp nhập vào TP. Huế sau khi thành phố này mở rộng địa giới hành chính. Do đó TP. Huế có tính chất phát triển mới về giáp biển. Nhưng cần nhấn mạnh là khu trung tâm của Huế hiện nay chủ yếu là cái phần di sản, nên định hướng của Huế là nên ưu tiên cho gìn giữ di sản. Huế có muốn phát triển thì tập trung vào bảo tồn cái mình đang có và phát triển các khu đô thị mới về hướng An Vân Dương về hướng Thuận An, hay về phía Phú Bài, hay về phía đồi núi chẳng hạn. Nói chung quỹ đất của Huế còn rộng hơn Đà Nẵng nhiều.

Vậy nên khi phát triển thì Huế nên phát triển những khu vực mới chứ không nên phát triển đan xen nhà cao tầng vào các khu di sản hiện nay để rồi phá vỡ di sản thì rất uổng. Huế hiện nay cũng đi đúng hướng. Khu trung tâm hiện hữu Huế đang được giữ gìn, không cao tầng hóa nhiều mà chỉ chỉnh trang một số, chỉ cao tầng hóa phát triển về hướng An Vân Dương, phía Đông, sắp tới là phát triển về phía Thuận An... Nói về di sản thì Huế đậm nét hơn nhiều so với Đà Nẵng.

Một góc đô thị biển Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Trình)

PV: Các yếu tố sông, biển với đô thị có vùng di sản có làm nên các giá trị khác biệt so với loại hình đô thị khác không, thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Yếu tố sông với biển nó có ảnh hưởng đến đô thị. Tôi lấy ví dụ như con sông Hương, cái đoạn đi ngang trung tâm TP. Huế thì bên bờ Bắc là Đại nội Huế, còn bên bờ Nam thì có một số công trình di sản của Pháp ở thế kỷ XX thì đoạn đó nên bảo tồn di sản. Hay đi lên một chút thì có chùa Thiên Mụ, một số lăng tẩm và các phần khác thuộc về di sản thiên nhiên gắn liền với kiến trúc.

Tôi nghĩ rằng hướng phát triển tương lai của Huế gắn với một đoạn sông khác, hướng sông phát triển ra biển Thuận An chẳng hạn, thì mình phát triển đô thị mới. Như vậy trên cùng một con sông mình không bảo tàng hóa con sông này, không phải mình không cho làm gì hết. Trên cùng một con sông mình sẽ thấy dấu ấn của các công trình thế kỷ XX, XXI và đô thị mới trên cùng một con sông sẽ có những đoạn có những bản sắc khác nhau. 

Sông Hương là trục cảnh quan quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị Huế, bờ Bắc thuộc khu vực ưu tiên bảo tồn, phía bờ Nam sông Hương thuộc khu vực phát triển đô thị mới. (Ảnh Hoàng Ngọc Quý)

Về phía biển cũng vậy. Thật ra Thừa Thiên - Huế chưa phát triển về phía biển nhiều như những khu vực phía trong, vì vậy nói về bảo tồn di sản thì không có yêu cầu nhiều như đoạn sông Hương phía trong thành phố. Tuy nhiên, cần có những khu vực mà có bản sắc di sản khác nhau.

Nhìn rộng ra miền Trung thì những khu vực sông gắn với biển đậm nét nhất là Hội An. Nó là đô thị ven sông, nhưng con sông này nó mở ra đến cửa biển. Đậm nét nhất phần bảo tồn là ở Hội An, hay đi qua bên kia chút là Điện Bàn có một vài công trình đậm nét về di sản. Nhưng mà từ Hội An mình bước sang một tí ở phía Tam Kỳ, Chu Lai thì lại không có nhiều công trình di sản.

Hay đi về phía Bắc thì là Đà Nẵng, rồi đi lên phía Bắc nữa là khu vực Chân Mây - Lăng Cô của Thừa Thiên - Huế thì đó là những cơ hội để chúng ta phát triển những khu đô thị mới. Như vậy cũng là gắn với biển, nhưng đoạn ở gần Hội An thì nó cần bảo tồn nhiều hơn, còn những đoạn khác thì là cơ hội để phát triển các khu đô thị mới với bản sắc mới.

PV: Xem ra Hội An đang đi đúng hướng, thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đó thật sự là một điều tốt và hiện nay khu vực Hội An thu hút rất đông khách du lịch. 

PV: Vậy Huế có nên kế thừa kinh nghiệm gì của Hội An trong phát triển và thu hút khách du lịch không?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Ở Huế cần chính sách minh bạch đối với khu vực thành nội, với đô thị trung tâm hiện hữu hiện nay thì nên ưu tiên cho vấn đề bảo tồn di sản. Huế vẫn còn có nhiều quỹ đất để phát triển đô thị mới. Vậy nên đừng có hiện đại hóa ở những khu di sản này mà nên hiện đại hóa ở những khu đô thị mới. Chẳng hạn như là ở An Vân Dương, đô thị sân bay ở Phú Bài, đô thị cảng biển du lịch ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Hay với lợi thế là có đầm phá Huế cũng cần chú trọng phát triển các cụm hay đô thị du lịch ven đầm phá.

PV: Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế mới đây đã có một động thái ý nghĩa là lần đầu tiên quy hoạch, hệ thống hóa và công bố bước đầu 171 hồ, ao trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Ông đánh giá việc này có ý nghĩa như thế nào trong phát triển các không gian xanh, đô thị xanh?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Điều đó rất tốt! Không gian đô thị xanh tại Huế đang được giữ gìn khá tốt so với mặt bằng chung của cả nước. Huế nên cố gắng phát huy vì đó sẽ là nền tảng để phát triển sau này.

PV: Miền Trung có đặc điểm các đô thị gắn với chuỗi các con sông lớn, có biển. Vậy theo ông khu vực này có lợi thế gì khi xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái, thân thiện môi trường?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Nếu có nhiều sông ngòi, kênh rạch, biển thì có nhiều cơ hội phát triển các khu vực có giá trị cảnh quan cao. Đấy là điểm cộng rất là lớn để chúng ta phát triển du lịch, sinh thái. Vì thế càng về phía biển thì nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng cao. Xu hướng không nên phát triển dân số phân tán, mà nên tập trung ở vùng đất địa hình cao. Nếu xây dựng đô thị mới thì nên ưu tiên những nơi có độ nền cao để tránh nguy cơ ngập lụt. Đó là yêu cầu khá quan trọng đối với sự phát triển tương lai.

Đô thị sinh thái ở Hội An. (Ảnh: H.T)

Miền Trung có khí hậu khá khắc nghiệt, mùa hè thì rất nóng, lại có gió Lào. Vậy nên mình dành không gian cho những giá trị xanh thì nhiệt độ ở các đô thị sẽ dễ chịu hơn. Nó không bị nóng như những khu thiếu không gian xanh.

Thứ hai, nếu có nhiều không gian mặt nước thì ngập lụt ở đô thị nó đỡ đi, giảm mạnh. Chẳng hạn tại Huế, phát triển về phía Đông là cần thiết. Tuy nhiên, không nên bê tông hóa diện rộng, mà tạo thành những đảo đô thị và chung quanh nó là sông rạch, không gian xanh để khi thủy triều dâng cao, nguy cơ ngập cao thì chúng ta có đồng ruộng, hay vùng đất thấp nó thu nước lại thì nguy cơ ngập lụt đô thị giảm mạnh. Đấy là lợi ích đầu tiên của đô thị xanh. Lợi ích tiếp theo khi xanh nhiều thì tiết kiệm được năng lượng, giảm áp lực cho đầu tư hạ tầng.

Thứ ba, khi có không gian xanh, đô thị xanh thì cuộc sống của người dân, cộng đồng sẽ được tiếp cận không gian công cộng, không gian thiên nhiên nhiều hơn. Đấy là điều giúp nâng cao bản sắc đô thị

TP. Huế đang chú trọng phát triển hướng về phía Đông, khu vực An Vân Dương và về phía biển để ổn định khu trung tâm hiện hữu. (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

PV: Không ít đô thị ở khu vực miền Trung vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhất là áp lực về phát triển, giải quyết những nhu cầu bức bách nên đã xây dựng với mật độ xây dựng nhà cao tầng, mật độ bê tông quá lớn khiến mất đi sự hài hòa trong kiến trúc đô thị. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Việc phát triển đô thị hóa nông thôn cần có vai trò điều tiết của Nhà nước. Các dự án địa ốc phải từ nhu cầu thật, chứ không phải nhu cầu ảo. Bởi vì khi làm dự án địa ốc thì nhiều nhưng có tình trạng là người mua lại ở các tỉnh, thành phố khác. Đó là điều không khuyến khích, bởi nó dẫn đến nguy cơ là tạo ra thành phố “ma”, như ở Bình Dương, hay Hà Nội, TP.HCM vẫn xảy ra. Phát triển đô thị nhưng nhu cầu người dân định cư ở đó không cao thì những dự án như vậy cần rà soát lại và hạn chế.

Việc phát triển và chuyển hóa thì nông thôn cũng cần giải quyết bài toán tái định cư cho người dân ra sao, cần đảm bảo nhà ở, nhu cầu tái đào tạo để chuyển nghề cho người dân, rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Khi chuyển hóa cần gìn giữ giá trị xanh, đừng bê tông hóa nhiều quá. Tức là khi chuyển hóa từ nông thôn qua đô thị cần xem đây là cơ hội để tạo ra những không gian xanh cho đô thị để đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam là ít nhất 10m2 cây xanh/đầu người, hoặc tốt nữa ở mức cao hơn như các nước tiên tiến là vài chục mét vuông/đầu người.

PV: Tình trạng thu hồi đất nông nghiệp, kênh rạch, sông ngòi để phân lô bán nền hay thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, dân sinh, kinh tế vẫn tiếp diễn ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung, điều này đặt ra nhiều thách thức trong phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái. Cần giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Phải nhìn sự phát triển đô thị là nhu cầu thật của người dân. Đó là nhu cầu an cư lạc nghiệp chứ không phải nhu cầu đầu tư địa ốc để kiếm tiền. Thành ra khi cấp phép, thực hiện các dự án thì cần phải chú trọng việc giao đất theo phân kỳ. Khi nhà đầu tư xin giao đất thì giao theo giai đoạn. Anh làm giai đoạn 1 xong, tôi giao giai đoạn 2. Mình vẫn trữ đó chứ không phải giao đất theo kiểu cam kết. Để rồi nhà đầu tư ôm tất cả diện tích đất lớn nhưng thật sự người ta không làm, không có ý định đầu tư, mà gom đất chờ lên giá để bán kiếm tiền.

Thành Điện Hải, thành cổ ở TP. Đà Nẵng bị lấn át bởi một số công trình hiện đại nên đã làm giảm bớt giá trị di sản. (Ảnh: Nguyễn Trình)

PV: Hiện nay, rất dễ nhận thấy các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung đã, đang xây dựng các tuyến đường ven biển và xem đây là những đột phá có tầm chiến lược đối với nền kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Đi kèm với những cơ hội luôn có những nguy cơ, thách thức. Theo ông các địa phương này nên làm gì để phát triển bền vững?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Thứ nhất là đường ven biển sẽ kích thích cho sự phát triển. Nhưng sự kích thích này cần có sự cân đối để phát triển bền vững, trong đó cần chú trọng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cần hạn chế xây dựng đô thị mới hay những khu vực dân cư ở vùng có nguy cơ cao, cần khuyến khích đưa khu dân cư về vùng đất cao. Khu vực đất thấp hơn, có thể làm du lịch sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hay nông nghiệp công nghệ cao...

Có nhiều cách phát triển kinh tế để ứng phó về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tránh trả giá quá cao. Bên cạnh đó lưu ý tuyến đường ven biển theo hướng Bắc – Nam cần chú ý về vị trí, chú ý hướng tuyến cũng như mặt cắt chúng như thế nào để không cản trở việc thoát lũ ra phía sông, biển Đông. Bởi thực tế là những con đường ven biển Bắc - Nam khi xây trên nền đất thì chúng như những con đê ngăn cản nước thoát tự do về phía Đông. Vậy nên cần cẩn trọng, tránh biến chúng thành những tác nhân làm tăng nguy cơ ngập lụt.

PV: Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế mới đây đã có một động thái ý nghĩa là lần đầu tiên quy hoạch, hệ thống hóa và công bố bước đầu 171 hồ, ao trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Ông đánh giá việc này có ý nghĩa như thế nào trong phát triển các không gian xanh, đô thị xanh?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Điều đó rất tốt! Không gian đô thị xanh tại Huế đang được giữ gìn khá tốt so với mặt bằng chung của cả nước. Huế nên cố gắng phát huy vì đó sẽ là nền tảng để phát triển sau này.

PV: Các tỉnh miền Trung nên liên kết như thế nào để phát huy thế mạnh của mình, trong đó có vấn đề liên kết để tạo ra các đô thị sinh thái, đô thị xanh, thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Tôi thấy các đô thị ven biển miền Trung, đặc biệt là Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, xuyên suốt chuỗi từ Huế xuống Đà Nẵng, Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi... thì đặc điểm là dải đất bị hẹp theo hướng Đông Tây, mà lại trải dài theo hướng Bắc – Nam. Thêm nữa là có dãy Trường Sơn ở phía Tây nữa, nên quỹ đất miền Trung không có nhiều.

Điều này dẫn đến tính chất liên kết vùng ở miền Trung nó khác so với miền Bắc và miền Nam - nơi liên kết vùng theo dạng là hướng tâm. Chẳng hạn Vùng Thủ đô Hà Nội hay đô thị TP.HCM thì có đô thị trung tâm Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác thì bao quanh theo hình dáng hình sao hướng tâm. Nhưng với miền Trung đâu có làm như vậy được, do địa hình hẹp trải dài hướng Bắc – Nam.

Vì vậy Huế, xuống Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xuống các tỉnh, thành khác của miền Trung nữa chỉ có thể phát triển theo liên kết hướng tuyến theo hướng Bắc - Nam thôi. Vậy nên bài toán liên kết đặt ra không như hai đầu đất nước. Chẳng hạn sân bay Phú Bài, sân bay Đà Nẵng hay sân bay Chu Lai thì quy mô cũng nên là vừa phải thôi. Không nên đặt ra mục tiêu đạt hàng trăm triệu hành khách mỗi năm giống sân bay Nội Bài, hay sân bay Long Thành phía Nam ở đô thị hướng tâm. Mà miền Trung nên hình thành các chuỗi sân bay hỗ trợ cho nhau. Chẳng hạn Huế thì sân bay Phú Bài liên kết sân bay Đà Nẵng, cũng liên kết sân bay Chu Lai, liên kết sân bay Quy Nhơn... Người dân ở gần sân bay nào họ đi sân bay đó, chứ không làm sân bay quá lớn, chỉ nên là công suất 30 – 40 triệu hành khách mỗi năm thôi.

Về cảng biển cũng tương tự. Miền Trung không nên làm cảng biển thật lớn ở mỗi địa phương, mà nên tạo thành chuỗi nhiều cảng liên kết với nhau. Như cảng Chân Mây liên kết với cảng Liên Chiểu, liên kết với cảng Chu Lai, Dung Quất... Các cảng hỗ trợ nhau, hàng hóa thuận tiện cảng nào đến với cảng đó và vận chuyển đường sông. Xu hướng liên kết vùng nên là như vậy, vì quỹ đất miền Trung hẹp nên tổ chức quy hoạch theo hướng tiết kiệm quỹ đất, tạo hiệu quả cho việc đầu tư và phát triển đô thị.

Đô thị Đà Nẵng. Ảnh: HT

PV: TP. Đà Nẵng với tốc độ phát triển nhanh, mật độ xây dựng khá cao, quỹ đất còn lại ít. Việc phát triển đô thị xanh đặt ra với Đà Nẵng nên như nào, thưa ông?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Thật ra việc phát triển đô thị với Đà Nẵng chưa phải là cao lắm đâu, chỉ có một giai đoạn thành phố làm các dự án và giao quỹ đất nhưng chưa phát triển. Mô hình phát triển của Đà Nẵng không có nhiều giá trị di sản phải bảo tồn, đang phát triển đô thị theo chiều đứng. Tại Đà Nẵng có sân bay nên phát triển theo chiều cao nhưng phù hợp với hoạt động của sân bay. Tức là phát triển theo hình phễu, nó cao dần về phía hai bên sân bay. Khi phát triển theo chiều đứng thì diện tích còn lại của Đà Nẵng nên ưu tiên cho việc phát triển không gian xanh. Nếu làm được vậy thì đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng bền vững. Tức là không nên bê tông hóa nhiều quá mà nên kết hợp nhà cao tầng với giao thông công cộng và với các công viên lớn phục vụ cho dân sinh.

PV: Như vậy với quỹ đất của Đà Nẵng hiện nay vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển đô thị xanh, không gian xanh?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đúng vậy, Đà Nẵng vẫn còn dư địa khá nhiều. Hiện nay không gian đô thị Đà Nẵng phát triển theo kiểu nhà phố, đất trống còn khá nhiều. Quỹ đất có giao cho các dự án, nhưng các dự án này chưa phát triển lên nên dư địa còn khá lớn. Sắp tới, Đà Nẵng cần có những chính sách là những dự án nào kéo dài quá lâu, hàng chục năm mà không chuyển đổi thì nên có chính sách thu hồi lại để giao cho nhà đầu tư có tiềm lực làm thật.

Không gian xanh sát biển luôn được chú trọng giữ gìn tại Khu du lịch phức hợp Laguna Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: Đình Toàn)

PV: Còn các tỉnh, thành phố miền Trung nói chung, nhất là Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thì sao, thưa ông? 

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Các tỉnh, thành cần xây dựng các giá trị xanh và có sự liên kết với nhau. Mật độ dân số của miền Trung hiện nay phát triển chưa phải là cao và thử thách lớn nhất là thu hút được dân cư có trình độ cao, chất lượng cao. Làm đô thị thì phải có người ở, muốn vậy phải tạo được công ăn việc làm, có thu nhập cao để thu hút được dân. Mình không thể phát triển đô thị mà toàn dự án địa ốc mua đi bán lại, hay dành cho những người mua hoặc cho thuê nhưng lại không có người thuê hoặc người ở thật. Vậy phát triển đô thị bền vững là phát triển cho những cư dân có thật. Miền Trung dân số phát triển không phải quá cao để dẫn đến có những áp lực lớn trong phát triển đô thị. Vì vậy thay vì phát triển theo số lượng thì nên phát triển theo chất lượng, nên ưu tiên phát triển theo chất lượng.

PV: Ý ông là chính quyền các địa phương cần phải hết sức thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư để phát triển với tầm nhìn dài hạn như vậy?

KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đúng thế! Khi phát triển đô thị đưa vào sử dụng thì phải tính toán xem có dân cư không, có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế không. Đó mới là điều quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Các đô thị nằm trong vùng di sản Trung Trung Bộ gắn với sông, biển có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng như TP. Đồng Hới, TP. Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Tam Kỳ, TP. Hội An... Đây là “Chuỗi đô thị” gắn với sông, biển nằm trong vùng Trung Trung Bộ - Vùng Di sản, thuộc Duyên hải miền Trung… trong tổng thể cấu trúc mạng lưới đô thị quốc gia.

Trong Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, dự kiến đến năm 2025 toàn vùng có 86 đô thị, trong đó có 43 đô thị mới. Đồng thời quy hoạch cũng xác định các cực phát triển kinh tế - đô thị (như TP. Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành, Vạn Tường, Quy Nhơn), các cụm đô thị động lực (như cụm Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền; Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An; Núi Thành - Dốc Sỏi - Châu Ổ - Vạn Tường; TP. Quy Nhơn và phụ cận...). Trong đó, các đô thị Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn là các đô thị động lực quan trọng trong vùng.

(TS.KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)

 
07/10/2022 11:43

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top