Aa

Lợi thế vẫn dành cho ngân hàng

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 30/07/2020 - 10:10

Mặc dù đa phần cổ phiếu ngân hàng đều bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố tiêu cực và giảm giá theo thị trường, nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tương đối ổn định.

 Nhiều ngân hàng tăng 20% lãi nửa đầu năm

Gói lãi suất cho vay ưu đãi, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng; cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán; nợ xấu đòi hỏi tăng trích lập dự phòng… là những yếu tố tác động mạnh đến lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng vẫn cho thấy bức tranh khả quan hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Theo báo cáo sớm của FiinGroup, 8 ngân hàng đã đưa ra kết quả kinh doanh ước tính, trong đó có 5 ngân hàng đã thực hiện được trên 50% kế hoạch năm gồm VPBank (58,7%), VIB (55,6%), ACB (52,4%), MBB và SHB (đều khoảng 50%).

Các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 20% trong quý II gồm có VIB (41%), HDBank (39,7%), VietinBank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%). Các ngân hàng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank là “ngôi sao” trong việc triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

FiinGroup cũng lưu ý, đây là con số kế toán theo quy định hiện hành của Việt Nam. Dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các nhà băng hạch toán các khoản nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích dự phòng.

Giá cổ phiếu ngân hàng biến động trong 7 tháng đầu năm.

Theo thông tin từ ngân hàng TPBank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 25% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Được biết, kết quả kinh doanh nửa đầu 2020 của TPBank tiếp tục khả quan bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 là nhờ chiến lược tập trung phát triển ngân hàng số, giúp giảm thiểu lệ thuộc vào tín dụng và tăng được tỷ trọng thu ngoài lãi.

Ngân hàng Quân đội (MBBank) công bố, 6 tháng đầu năm, tín dụng giữ ở mức khá với mức tăng 8,3% so với cuối năm trước. Huy động vốn phù hợp với nhu cầu tín dụng, đồng thời, ngân hàng chú trọng thu hút nguồn vốn giá rẻ, CASA trong quý II/2020 tăng 2% so với quý trước.

Đại diện MB cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng doanh thu trong kỳ vẫn tăng trưởng nhờ tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh từ thị trường 2, đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ, trái phiếu, theo đó mảng này đóng góp tới 20% doanh thu của MBBank.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, MBBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 4.539 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước và hoàn thành trên 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất cũng tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu sinh lời vẫn thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu với ROE đạt 18,32%, ROA là 1,81%.

Theo thông tin từ lãnh đạo Vietcombank, lợi nhuận 6 tháng dự kiến tương đương mức cùng kỳ năm trước, khoảng 11.300 tỷ đồng. Về chất lượng tín dụng, nợ xấu vẫn đang được kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,82% dư nợ. Được biết, Vietcombank đang thực hiện một loạt các gói hỗ trợ với quy mô lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Còn ngân hàng VietinBank dự kiến 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 12% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Hay như ACB, đến cuối tháng 6/2020, ngân hàng có thể đạt tối thiểu 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (7.636 tỷ đồng)

Ngân hàng vẫn có cơ hội bứt phá

Đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 3,26%, bằng một nửa so với năm trước; trong khi mục tiêu năm 2020 là 14%.

Tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại ngân hàng thương mại quốc doanh như VietinBank (1,5%), Vietcombank (3,4%), BIDV (1,3%). Điều này có thể xuất phát từ việc các ngân hàng thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.

Theo FiinGroup, một số ngân hàng phá vỡ quy tắc, ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao như TPBank 11%, VIB 6%, MB 5% và Techcombank 4,8%. Đây đều là các ngân hàng có mảng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng.

Tính đến 20/7, NHNN đã chấp thuận nới room tín dụng lên mức 18 - 22% cho các ngân hàng thương mại (NHTM), bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB và HDBank.

Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), quan sát kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhóm ngân hàng vừa được NHNN chấp thuận nới room tín dụng cho thấy, đặc điểm chung của nhóm nhà băng này là có tình hình tài chính lành mạnh và khả năng tăng trưởng tín dụng khá tốt.

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, việc nới room tín dụng cho các NHTM vào thời điểm này sẽ tạo hiệu ứng tích cực. Bởi hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu được ghi nhận hồi phục từ cuối quý II và dự báo sẽ tăng mạnh trong quý III. Từ nay đến cuối năm là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng, vì vậy, việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế.

Việc NHNN chấp thuận nới room tín dụng cho hàng loạt NHTM ở thời điểm hiện tại tạo ra cơ sở rất thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các tháng còn lại của năm 2020. Các ngân hàng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.

Phân tích cụ thể ở từng TCTD vừa được NHNN chấp thuận tăng room tín dụng, FiinGroup cho rằng, mặc dù những tác động của dịch Covid-19 đến chất lượng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ có độ trễ, một số ngân hàng có khả năng cao sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vào các tháng cuối quý IV/2020, tuy nhiên, nhóm nhà băng vừa được điều chỉnh tăng room trong tháng 7 sẽ có nhiều thuận lợi để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Được biết, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20%. Thống kê trong năm 2020 có 4 ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 20% trở lên nếu được NHNN cho phép gồm MaritimeBank (20%), NamABank (21%), VIB (24%) và OCB (25%). Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 16% trong năm nay, có thể kể đến như VietBank, TPBank, SHB hay HDBank. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top