Lời trần tình của 8B Lê Trực

Lời trần tình của 8B Lê Trực

Thứ Ba, 29/10/2019 - 06:00

Họ tới Tòa soạn Reatimes với những đôi mắt thất thần, vô vọng. Người đã nghỉ hưu, người đang làm việc, có cả cựu chiến binh, rồi thương binh loại nặng… Họ trình bày rằng đã sống khắc khoải, lo âu, áp lực nặng nề 4-5 năm trời nay, đã bức xúc đến tận giới hạn của sự chịu đựng. Nhà xây hợp pháp, mua hợp pháp, giấy tờ đầy đủ… mà không được vào ở, mất không ra mất, còn không ra còn…

Thực ra, sự kiện Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) đã được Tạp chí Reatimes quan tâm từ mấy năm nay và đã có nhiều bài viết thể hiện quan điểm của mình, nhưng chủ yếu phân tích về lý lẽ. Còn giờ đây là cuộc sống của hàng chục gia đình, hàng trăm con người bị xâm phạm lợi ích, bị tổn hại về cả vật chất lẫn tinh thần trong một thời gian dài. Liệu có thể tiếp tục im lặng được chăng? Chẳng lẽ trong một đất nước mà bộ máy chính quyền là “của dân, do dân, vì dân” lại có thể lạnh lẽo, thờ ơ với sự kiện không đáng xảy ra này?

Được sự đồng ý của Ban Biên tập, chúng tôi quyết định đi tìm tới tận ngọn nguồn về số phận của Tòa nhà 8B Lê Trực, một địa chỉ mà cứ nói tới nó là nhiều người lại nghĩ đến một “tượng đài” của việc phá vỡ kỷ cương phép nước trong lĩnh vực quản lý xây dựng đô thị của Hà Nội.

Chúng tôi ngược về phía tây của Thủ đô, cách chừng 40km, đến xã Hòa Thạch nằm gần đáy cùng của huyện Quốc Oai, sát với huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Nhà bà Nguyễn Thị Hồng Xuân len lỏi tuốt vào trong quanh mấy quả đồi đầy ắp nhà cửa, vườn tược. Bà được những cư dân Tòa nhà 8B Lê Trực bầu làm Trưởng ban liên lạc cùng với 4 người nữa cặm cụi đi đòi công lý nhiều năm nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.

Bà kể rằng không ngờ cuộc đời bà lại vướng vào một cái ma trận không biết đâu là đúng, đâu là sai. Khi quyết định bán ngôi nhà 58 mét vuông, 4 tầng đang ở tại ngõ Giếng khu Hoàng Cầu năm 2014, bà đinh ninh rằng chỉ vài tháng sau là sẽ được vào ở căn hộ 1002 của Tòa nhà 8B Lê Trực. Bởi lẽ với hiểu biết của người đã từng đứng đầu một doanh nghiệp XNK của Nhà nước, bà khẳng định rằng, tòa nhà được xây dựng hợp pháp. Có quyết định quy hoạch 1/500 của Chủ tịch UBND Thành phố, có quyết định phê duyệt của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, có văn bản thẩm định của Sở Xây dựng… Chủ đầu tư lại là một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa hợp pháp.

Với hàng chục văn bản có dấu đỏ tươi của các cấp chính quyền như thế, bà tin, thậm chí rất tin là mình sẽ có nhà ở và quyết tâm bán ngôi nhà cũ của mình để mua một căn hộ của Tòa nhà 8B Lê Trực và một mảnh đất ở huyện Quốc Oai này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Xuân không khỏi nghẹn lời khi nhắc đến bà mẹ đã mất hồi đầu năm 2019, đúng vào năm cụ tròn 100 tuổi mà không được vào ngôi nhà của chính mình. Đã có lần, bà đèo xe máy chở mẹ đến chân tòa nhà 8B Lê Trực, chỉ dám nhìn ngước lên vì bảo vệ không cho vào. Đến bây giờ, bảo vệ có cho vào thì cụ cũng không vào được nữa rồi. Lời kể chuyện chen lẫn nỗi đau khổ, uất ức, nước mắt cứ ứa ra mà không nói được nên lời.

Bà kể, bố mẹ bà cả đời vất vả. Hồi kháng chiến chống Pháp, hai ông bà đều công tác ở nhà máy in tiền trên chiến khu Việt Bắc, sau hòa bình về Hà Nội thuộc Bộ Tài Chính. Hồi bà còn nhỏ, bác Phạm Văn Đồng (hồi ấy đang là Thủ tướng Chính phủ) hay đến thăm, thậm chí thấy chị em bà chơi ô ăn quan, bác còn ngồi xuống chơi cùng. Về già, bố mẹ bà mãi mới có một ngôi nhà tử tế để làm nơi thờ cúng. Vậy mà...

Đi ở thuê mãi cũng hết tiền, tháng 8/2018, bà Xuân phải đưa mẹ và đứa con trai mới ra trường về Quốc Oai làm cái nhà vườn để chống đỡ lâu dài với cái tai họa từ trên trời rơi xuống này. Đến tháng 3/2019, do bị trượt chân ngã, mẹ bà đã ra đi mãi mãi.

Đứa con trai thì mới ra trường, tìm được việc làm ở đường Láng Hạ. Vì không muốn mẹ ở một mình nên nó cứ xe máy sáng đi tối về trên quãng đường ngót 40km. Còn bà Xuân ngày thì chăm cây cối, nuôi chó, gà, tối thì đau đáu nhìn ra cổng chờ đứa con trai duy nhất mà lòng đầy lo âu. Chỉ khi nào ánh đèn xe máy lóa lên trên cánh cổng vắng, bà mới thở phào nhẹ nhõm…

Thắp hương trước vong linh của mẹ mình, bà Xuân luôn cầu khấn được cụ tha lỗi vì đã để cụ không về được căn nhà mà mình mơ ước, và phải ra đi trên mảnh đất chưa kịp ấm hơi người.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà lẽ ra người ta không còn phải lo toan hay bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền, đến việc an cư lập nghiệp mà phải được an hưởng tuổi già, thảnh thơi, quây quần bên gia đình, con cháu. Thế nhưng, điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại là ước muốn xa vời của vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Duyên, một thương binh hạng 2/4, mất sức tới 55%.

Người thương binh ấy cũng đang là “nạn nhân” bị “mắc kẹt” khi mua nhà tại dự án số 8B Lê Trực suốt từ năm 2015. Ở cái tuổi 72, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình vẫn phải đi thuê nhà, rồi lại đi ở nhờ. Vậy mà điều chua chát ấy lại xảy ra với vợ chồng ông.

Hiện tại, vợ chồng ông đang phải ở cùng gia đình đứa con gái và các cháu trong căn nhà số 25, ngõ 477 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Căn nhà với diện tích khá chật chội, chỉ khoảng 40m2 nằm tít sâu trong con ngõ nhỏ đang là nơi sinh hoạt của 6 con người. Nói về hoàn cảnh và cuộc sống của mình, giọng ông như chùng xuống.

Ông kể, năm 1963, nghe theo tiếng gọi của non sông, ông tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ mà hào hùng như vẫn hằn in trong tâm trí của người chiến sĩ và được ông kể lại bằng cảm xúc đầy tự hào. 

Sự khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi một phần cơ thể ông. Hiện tại, ông Nguyễn Sỹ Duyên đang là cán bộ về hưu và được hưởng chế độ chính sách nạn nhân chất độc da cam dioxin, thương binh hạng 2/4, mất sức 55%. Mới đây, ông cũng vừa được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chỉ tay về phía tấm bằng công nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng đang được treo tại nhà cô con gái, giọng ông chua xót: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi, mua cái nhà tại dự án 8B Lê Trực ấy là muốn vợ chồng, con cái cuối đời thì về đấy ở, các con nó ủng hộ. Rồi tôi bán cái nhà đang ở tại khu vực Mỹ Đình đi, tập trung vào mua cái nhà chung cư nhưng cũng không đủ. Tôi phải nhờ các con và vay thêm bạn bè, vay ngân hàng. Vậy mà khi chúng tôi nhận nhà và về ở được 1 tháng thì tự nhiên thấy bảo vệ của phường, quận đuổi chúng tôi ra, không cho ở nữa. Công an phường, công an khu vực đến mời chúng tôi ra khỏi nhà và bảo là lệnh cưỡng chế 2 tầng và phải ra khỏi nhà để cho an toàn…”

Đến giờ, dù đã 5 năm trôi qua, ông Nguyễn Sỹ Duyên và nhiều hộ dân khác vẫn không được vào ở trong căn nhà mình đã mua. Ông cho rằng, việc gì sai thì cần xử lý. Nếu chủ đầu tư có sai phạm thì xử lý sai phạm của chủ đầu tư chứ không nên để các hộ đã mua nhà tại đây trở thành “nạn nhân”, có nhà cũng không được về.

“Nhà đã giao cho chúng tôi, bàn thờ ông bà tổ tiên và các vật dụng chúng tôi đã sắm để ở bình thường rồi nhưng tôi không hiểu tại sao. Thật sự rất bất công và vô lý. Chúng tôi không được vào nhà vì bảo vệ không cho vào. Không cả thắp được cho bố mẹ nén hương suốt mấy năm qua. Rõ ràng chúng tôi đã trả tiền bao nhiêu đợt và được bàn giao nhà nên đó là nhà của dân chứ không phải là nhà của chủ đầu tư nữa vì chủ đầu tư bàn giao rồi, đương nhiên là nhà đó là của dân. Nhiều khi tôi phải mua đồ lễ và nói khó nhờ anh bảo vệ ở đó thắp hương giúp bàn thờ bố mẹ mỗi dịp tuần rằm, mồng một để bố mẹ đỡ tủi thân”, bà Dương Thị Thu Nga, vợ ông Nguyễn Sỹ Duyên, nghẹn ngào khi nhắc đến chuyện hiếu đạo mà phải nhờ người khác.

Kể cũng lạ, cả Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng giám đốc ở Công ty May Lê Trực đều là thương binh chống Mỹ và cũng đã ngoài lục tuần mà cả một thời gian dài như thế vẫn chịu đựng được một sự trừng phạt thiếu minh bạch, oan khuất như thế mà không biết bày tỏ cùng ai, không biết nên “đi cửa nào” để cứu lấy doanh nghiệp, giành lại quyền lợi cho khách hàng.

Trong suốt hơn 4 năm, tòa nhà 8B Lê Trực đứng sừng sững giữa trung tâm Thủ đô mang danh một “tội đồ” trong lĩnh vực xây dựng là hơn 4 năm Tổng giám đốc Lê Văn Hùng luôn luôn phải sống trong sự trăn trở, lo lắng và cả bức xúc. Gương mặt của người cựu chiến binh vốn đầy nhiệt huyết cống hiến nay đã in hằn những mệt mỏi, lo toan. Thêm một ngày 8B Lê Trực chịu oan, người mua nhà phải gian nan ở trọ, là niềm tin về công lý và lẽ phải ở vị lãnh đạo này cũng cạn dần.

Trên bàn làm việc của ông là những tập văn bản với đầy đủ những chữ ký và con dấu đầy quyền lực về tòa nhà này. Ông bức xúc: “Tòa nhà của chúng tôi hoàn toàn nằm trong quy hoạch được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008. Theo đó, chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái). Vậy mà sau đấy, một ông Phó giám đốc Sở Xây dựng lại dám ra văn bản phủ quyết, chỉ cho xây chiều cao có 53m và 18 tầng. Chánh thanh tra Bộ Xây Dựng cũng khẳng định đây là văn bản trái pháp luật. Vậy mà không hiểu tại sao, đến giờ này người ta vẫn chấp nhận cái văn bản bất hợp pháp ấy để trừng phạt chúng tôi?”.

Thực ra khi được biết, các cơ quan công quyền của Thành phố Hà Nội đang dựa vào một văn bản cấp Sở để phủ nhận quyền lực của một văn bản cấp Thành phố, chúng tôi không hề tin chút nào. Nhưng khi kiểm chứng thì mới thấy, đó là sự thật, giấy trắng mực đen trên Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD năm 2014. UBND Quận Ba Đình lại chỉ căn cứ vào giấy phép này để xử lý cưỡng chế, tháo dỡ công trình 8B Lê Trực, bất chấp sự tồn tại của Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký.

Tôi hỏi ông Hùng:

- Chẳng lẽ Công ty May Lê Trực không có lỗi gì?

Tổng Giám đốc Lê Văn Hùng thẳng thắn:

- Chúng tôi có mắc sai phạm, đó là không xây giật cấp theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Thực ra lúc đó, các văn bản pháp luật vẫn cho phép phạt và cho tồn tại nên chúng tôi có phần dựa dẫm vào. Phần khác, cũng lại thấy hàng chục công trình nhà cao tầng khác trong thành phố còn xây vượt cả chục tầng cũng không bị làm sao nên chúng tôi cũng có phần chủ quan…

Và rồi, người đứng đầu công ty May Lê Trực - một thương binh loại A, hạng 4/4, tỷ lệ thương tật 35% cùng phần lớn cổ đông của Công ty là những cựu chiến binh, thương binh, những người có công với cách mạng vẫn ngày ngày phải sống trong tình thế khó xử với người mua nhà, đi kèm với đó là những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần khó có thể đong đếm được.

“Chúng tôi là những công dân sống trong thời đại văn minh nên không có lý do gì mà chúng tôi lại dẫm đạp lên pháp luật, bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Sống và làm việc theo thượng tôn pháp luật luôn là tiêu chí sống và hành động của doanh nghiệp chúng tôi. Dự án 8B Lê Trực chúng tôi đã xây dựng đúng với cái tâm của mình nhưng đến nay vì lệnh phong tỏa của Thành phố, vì định hướng dư luận không phù hợp nên mặc nhiên như chúng tôi vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Chúng tôi bị thiệt hại rất lớn không chỉ liên quan đến tài chính mà cả sức khỏe, tinh thần khi trong 4 năm qua chúng tôi và những người dân mua nhà luôn cũng phải gồng mình kêu cứu vì lẽ phải. Tất cả những tổn thất đó, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?”, ông Hùng trăn trở.

Xếp gọn lại hàng tá đơn thư, giấy tờ trên bàn làm việc, ông Hùng cho biết, công ty sẽ chịu trách nhiệm đến cùng với khách hàng, đồng cảm và chia sẻ với những bức xúc của họ nhưng hiện tại công ty cũng đang ở trong trạng thái bất lực: “Hàng ngày, chúng tôi vẫn bị các khách hàng bức xúc đến đòi nhà, đòi tiền nhưng thực sự chúng tôi cũng đang bế tắc, chỉ biết giải thích với họ thôi. Rõ ràng đây là sự việc liên quan đến vi phạm hành chính, có thể xử lý trong phạm vi pháp luật được. Chúng tôi sai đến đâu thì xử lý đến đó, nhưng không hiểu vì sao cứ dây dưa, kéo dài mãi”.

Cho đến giờ này, sự biệt khuất của những người dân mua nhà tại Tòa nhà 8B Lê Trực kéo dài đã hơn 4 năm. Hoang mang có, xót xa có, uất ức có...

Hoang mang vì các cơ quan công quyền tiền hậu bất nhất, người nói đúng, kẻ bảo sai, người dân không biết đường nào để tự cứu mình. Chính quyền Hà Nội thì dựa vào Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 24/3/2014 làm căn cứ pháp lý để xử lý tòa nhà. Còn theo Chánh thanh tra Bộ Xây dựng thì giấy phép này trái pháp luật.

Xót xa, uất ức bởi nhà đã được bàn giao rồi, nội thất đã mua sắm đầy đủ rồi mà suốt hơn 4 năm trời không được vào ở, bàn thờ tổ tiên không được thắp hương. Đồ đạc trong nhà ẩm mốc, hư hỏng. Đó là chưa kể đến tiền đi thuê nhà mỗi năm trên dưới trăm triệu đồng.

Bác Duyên thương binh 55% thở dài: “Họ cứ 'đánh nhau' thế này, người dân chúng tôi không biết bao giờ mới về được nhà mình”.

Tuy vậy, có một sự an ủi và thắp lên niềm hy vọng của bà con ở đây là nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã nhìn ra bản chất của sự việc, đã chia sẻ nhiều bài viết, đặt ra những khúc mắc, những điều vô lý trong sự việc này.

Có lẽ đầu tiên phải kể đến báo Xây Dựng (Bộ Xây Dựng) đã có cả chục bài viết về sự khốn khổ của Tòa nhà 8B Lê Trực.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, TS. Phạm Gia Yên cũng cho rằng: Việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó có lỗi của chủ đầu tư, đồng thời cũng có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội. Nếu biết xử lý đúng pháp luật một cách công bằng, đúng mức thì mọi việc không phức tạp như bây giờ. Nhưng do việc báo cáo của các cấp dưới chưa đúng sự thật đã dẫn đến quyết định của cấp trên chưa chuẩn xác về mặt pháp luật. Vì vậy, việc xử lý này đã kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại kinh tế của đất nước và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Sự thiệt hại này có thể cấu thành tội phạm để khởi tố thành vụ án hình sự, qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý một cách công bằng, nghiêm minh, làm cơ sở giúp cho việc xử lý hàng nghìn công trình đã và đang vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Vụ việc này không thể kéo dài hơn được nữa và chính những người có trách nhiệm cũng không thể làm ngơ trước tình hình này. Người bị thiệt hại ở đây chính là người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không thể không có trách nhiệm trước những tiếng kêu cứu bị thiệt hại về tiền bạc, tài sản, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân.

Báo Xây dựng cũng đã có bài phỏng vấn các chuyên gia xoay quanh những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực:

Báo Công lý (Cơ quan ngôn luận của Tòa án nhân dân tối cao) cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình.

Cũng theo báo Công lý, Chính việc quy hoạch một đằng, cấp giấy phép một nẻo, đã khiến doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn đối với các vấn đề kỹ thuật, công năng sử dụng của các tầng trong toà nhà. Qua điều tra cho thấy, dự án được cấp phép 18 tầng với chiều cao bình quân các tầng là 2,94m (53m:18 tầng +2,94m), trong khi chiều dày bê tông dầm sàn, trần đã chiếm tới 0,6m. Như vậy chiều cao thông thuỷ chỉ còn lại khoảng 2,4m, không đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế phòng ở nhà cao tầng là không được nhỏ hơn 3m.

Chưa kể, mọi trang thiết bị cơ điện, phòng cháy chữa cháy đã được chủ đầu tư mua sắm lắp đặt cho chiều cao mỗi tầng là 3,3m như phương án ban đầu đã được duyệt. Do vậy, để công trình có thể hoàn thiện, doanh nghiệp đã phải nâng chiều cao lên thêm 1,9m (đã bao gồm chiều dày của sàn bê tông, dầm sàn, trang thiết bị cơ điện, phòng cháy chữa cháy).

Đối với 5 tầng văn phòng của toà nhà để đảm bảo không gian bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy, điều hoà thông gió, chủ đầu tư nâng chiều cao mỗi tầng lên khoảng 0,5m. Bởi nếu không nâng, thì chiều cao mỗi tầng sau khi trừ đi phần bê tông, dầm sàn, hệ thống kỹ thuật và thiết bị phòng cháy chữa cháy thì chiều cao thông thuỷ của tầng chỉ còn 1,9m(!?).

Tờ VTC News thì lại phát hiện ra “lỗ thủng” khác về pháp lý và những ẩn khuất trong sự việc này.

Theo VTC News, ngày 3/8/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 6672/VP-ĐT về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự án Đầu tư xây dựng số 8B Lê Trực - Ba Đình (Hà Nội). Nội dung công văn đã nêu rõ, phía đơn vị phá dỡ là Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc hiện vẫn chưa hoàn thiện được phương án phá dỡ và phải khẩn trương hoàn thiện trong thời gian tới.

Theo văn bản hướng dẫn số 11579 của Sở Xây dựng Hà Nội thì phương án phá dỡ phải được thực hiện trong thời gian dài và phải được thực hiện qua nhiều bước. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày khi văn bản số 6672 ban hành, cơ quan chức năng đã nhanh chóng cho phá dỡ công trình. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, UBND quận Ba Đình và các đơn vị quản lý cho tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình khi chưa có phương án.

Tạp chí Reatimes đã có nhiều bài phân tích về vụ việc này và cũng đã đề xuất phương án xử lý, nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng một cách bí ẩn.

Bài báo phân tích, để tồn tại vụ việc này qua nhiều năm như thế, sự tai hại đầu tiên là sự ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bộ máy nhà nước nói chung và của UBND TP. Hà Nội nói riêng. Một câu hỏi được đặt ra, cho đến nay, Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký ngày 5/12/2008 kia có còn hiệu lực không, và nếu không còn thì hiệu lực của nó bị bãi bỏ bằng văn bản nào, vào thời gian nào?

Chưa hết, Hà Nội cũng cần làm rõ giá trị pháp lý của Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho Tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014. Bởi lẽ văn bản này không chỉ phủ nhận một văn bản quy phạm pháp luật cấp thành phố là Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, mà còn bất chấp một văn bản quy phạm pháp luật, đó là các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323 : 2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế ".

Cuối cùng, tác giả hiến kế, nên có một cuộc “hội chẩn” cho Tòa nhà 8B Lê Trực. Thế mà đến nay cũng đã 2 năm kể từ khi bài báo ra đời, chẳng có một cuộc “hội chẩn” nào được tiến hành.

(KỲ SAU CÒN TIẾP)



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top